Nghiên cứu, sáng tạo cái mới với hàm lượng chất xám gia tăng là thiên chức xã hội, nghề nghiệp của nhà khoa học. Và ĐH chứ không phải nơi nào khác là môi trường để nhà khoa học thực hiện thiên chức đó với hiệu quả cao nhất.
Tăng chất xám cho xã hội
Nghiên cứu khoa học (NCKH) ứng dụng vào thực tiễn trở thành nhiệm vụ bức bách của trường ĐH trong thời đại toàn cầu hóa. Nói riêng về các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam, việc cạnh tranh không còn có thể dựa vào giá nhân công rẻ như trước, bởi nhân công rẻ tất nhiên gắn với lao động chủ yếu dựa vào cơ bắp và loại lao động này không thể giữ vai trò quyết định trong việc chế tạo các sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao. Ngoài các chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư, biện pháp cạnh tranh tốt nhất được xác định là cải thiện chất lượng hàng hóa, dịch vụ bằng cách gia tăng hàm lượng chất xám trong thành phẩm. Biện pháp này chỉ có thể thực hiện được thông qua việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ.
Sinh viên nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Các trường ĐH, nơi tập trung các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực đa dạng, được xác định là các điểm tập trung tài nguyên phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, nói chung các công trình tim óc chất lượng cao có khả năng ứng dụng vào sản xuất. Tìm kiếm và ứng dụng các thành tựu NCKH vào sản xuất, qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Trường ĐH, với tiềm lực NCKH của mình, tự nhiên đảm nhận nhiệm vụ đó như một phần của sứ mạng xã hội của mình.
Thật ra cũng có những trường ĐH tự cho mình chỉ là sự nối dài bậc trung học: trường chỉ chuyên tâm làm thế nào để thỏa mãn nhu cầu của những người mong muốn có mảnh bằng ĐH như tấm vé đi vào đời sống nghề nghiệp mà chẳng cần tỏ ra có những phẩm chất xuất sắc, vượt trội của người đi chinh phục. Những trường ĐH như thế có thể giữ vai trò nhất định trong bối cảnh các khu vực nghề nghiệp cần nhiều lao động có trình độ ĐH nhưng một khi thị trường lao động bão hòa, ĐH chỉ đào tạo mà không nghiên cứu có nguy cơ bị xếp hạng thấp, do không được coi là nguồn cung ứng tinh hoa, tài năng cho xã hội.
Nghiên cứu phải gắn với chuyển giao
Phát triển, đẩy mạnh NCKH là việc làm gắn với lợi ích dài hạn của trường ĐH. Điều cần nhấn mạnh nữa là hoạt động nghiên cứu phải có hiệu quả thiết thực, nghĩa là cho ra kết quả ứng dụng được, nói rõ hơn là chuyển giao được cho khu vực thực hành.
Việc chuyển giao các thành quả NCKH của trường ĐH cho khu vực sản xuất không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia. Ngay trước mắt, nó còn được xác định là một trong những biện pháp chủ yếu có tác dụng cải thiện tình hình tài chính của trường ĐH, điều kiện cần để ĐH được trao quyền tự chủ.
Tùy theo đặc điểm về chủ thể đề ra sáng kiến chuyển giao, có thể phân loại các hoạt động chuyển giao thành quả NCKH công nghệ thành 2 nhóm, tạm gọi là nhóm chuyển giao chủ động và nhóm chuyển giao theo đơn đặt hàng.
Các kết quả nghiên cứu từ các phòng thí nghiệm mà có khả năng ứng dụng trong thực tiễn, nếu được chuyển giao cho các doanh nghiệp để khai thác thương mại thì sẽ mang lại lợi ích vật chất cho cơ sở đào tạo cũng như cho cá nhân các nhà khoa học đã tham gia vào việc tạo ra kết quả đó. Thông thường, trường ĐH có thể giới thiệu sản phẩm nghiên cứu của mình cho các doanh nghiệp dưới hình thức chào hàng. Với cách làm này, trường không cần bận tâm nhiều đến chuyện lời - lỗ trong việc khai thác thương mại đối với sản phẩm: trường sẽ có ngay một số tiền vừa bù đắp chi phí đầu tư tạo ra sản phẩm vừa tạo được tích lũy cho phép tăng cường khả năng tự chủ về tài chính. Trường có thể cân nhắc, lựa chọn nhiều hình thức chuyển giao đa dạng, không nhất thiết phải bán đứt tài sản trí tuệ của mình.
Chuyển giao các kết quả nghiên cứu theo đơn đặt hàng được thực hiện trong trường hợp trường ĐH tiếp nhận và đáp ứng các yêu cầu thực hiện NCKH ứng dụng do các cơ quan, doanh nghiệp đưa ra. Có trường hợp người đặt hàng chủ động liên lạc trực tiếp với cơ sở đào tạo và đưa ra những yêu cầu cụ thể. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo, người đặt hàng thường chỉ ngồi một chỗ và đảm nhận vai trò gọi thầu, các cơ sở đào tạo sẽ phải tìm cách đưa ra những phiếu bỏ thầu tốt nhất để có thể giành lấy dự án cho mình.
Hình thành doanh nghiệp khoa học tách khỏi ĐH
Vấn đề chính của cơ sở đào tạo là làm thế nào giải quyết mâu thuẫn giữa bảo đảm thiên chức xã hội của ĐH và đáp ứng nhu cầu tăng cường năng lực tài chính của cơ sở bằng các biện pháp đặc trưng cho một tổ chức kinh doanh vì lợi nhuận.
Cách tốt nhất để giải quyết các mâu thuẫn này chỉ có thể là thành lập một hoặc nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ, tách ra khỏi trường ĐH về mặt tư cách pháp lý. Doanh nghiệp sẽ chuyên trách trong việc quản lý dự án NCKH và chuyển giao công nghệ để khai thác và thu lợi nhuận. Đó cũng là kênh lưu thông các thành quả NCKH chủ động của trường ĐH dưới hình thức sản phẩm thương mại.
Sự thành công ngoạn mục của các doanh nghiệp gắn với trường ĐH tại Thung lũng Silicon (Mỹ) là minh chứng thuyết phục về tính đúng đắn của cách làm này.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện (Người Lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.