Nghìn tỷ "bốc hơi", cho thuê đất công sai phạm của Samco, sở ngành TP.HCM "ngó lơ"?

Lê Thúy (tổng hợp) Thứ hai, ngày 22/10/2018 08:19 AM (GMT+7)
Nhiều tỷ đồng thất thoát, cho thuê mặt bằng trái phép, thậm chí còn đem tài sản công cho thuê nhưng lãnh đạo Tổng công ty Cơ khí, Giao thông, Vận tải Sài Gòn – TNHH Một thành viên (Samco) chỉ xin kiểm điểm, rút kinh nghiệm còn nhiều sở, ngành liên quan thì “im lặng”.
Bình luận 0

Thanh tra TPHCM vừa có kết luận về việc thanh tra toàn diện Tổng công ty Cơ khí, Giao thông, Vận tải Sài Gòn – TNHH Một thành viên (Samco).

Theo đó, có không ít sai phạm “khủng” ở 2 Công ty con của Samco đó là Công ty TNHH Bến xe Miền Đông (Công ty BXMĐ) và Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé (Công ty Cảng Bến Nghé) vừa bị lộ diện và gây bức xúc dư luận.

Hàng tỷ đồng đi đâu?

Theo Thanh tra TPHCM, Công ty BXMĐ ký hợp đồng khai thác dịch vụ tại bến xe Miền Đông với 199 đơn vị vận tải, với nhiều loại xe từ 16 - 50 chỗ ngồi. Các đơn vị vận tải đăng ký tuyến với Sở GTVT và khi ra vào bến phải nộp phí dịch vụ, mức phí dịch vụ theo quy định của UBND thành phố, từ 3.100 đồng/ghế, cao nhất là 8.400 đồng/ghế tùy theo số ghế của mỗi xe và cự ly vận tải.

img 

Công ty TNHH Bến xe Miền Đông thất thoát nhiều tỷ đồng

Chọn ngẫu nhiên 58 ngày trong các năm 2015, 2016, 2017 để kiểm tra, lực lượng chức năng bất ngờ khi phát hiện, số lượt xe xuất bến trong ngày nhiều hơn số lượt xe xuất bến được thu phí dịch vụ, dao động từ 97-206 lượt/ngày. Tổng số lượt xe không thu phí dịch vụ khi xuất bến trong 58 ngày là 10.072 lượt. Tính theo đơn giá thấp nhất là 3.100 đồng/ghế và đối với xe ít chỗ nhất là 16 chỗ thì phí dịch vụ của mỗi lần xe xuất bến là 49.600 đồng/lượt.

Như vậy bình quân mỗi ngày có 174 lượt xe xuất bến không thu phí dịch vụ thì Công ty Bến xe Miền Đông đã để “bốc hơi” hơn 8,6 triệu đồng/ngày. Trong 58 ngày kiểm tra ngẫu nhiên, với cách tính trên, Công ty BXMĐ đã để “lọt” khoảng 0,5 tỷ đồng. Nếu tính nhiều năm qua, đến thời điểm thanh tra, thì số tiền rất lớn.

Chưa hết, theo thanh tra, năm 2002, Công ty Bến xe Miền Đông được UBND TPHCM giao hơn 62.000m2 làm bến xe, văn phòng làm việc, quầy vé… Thế nhưng, kể từ năm 2005, khi chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, Công ty BXMĐ đã không đăng ký sử dụng đất và ký hợp đồng thuê đất với Sở TNMT, vi phạm Luật Đất đai.

Mặt khác, Công ty Bến xe Miền Đông cho các siêu thị, dịch vụ ăn uống, quầy vé thuê mướn trong khu vực tòa nhà văn phòng là không đúng quy định. Cơ quan chức năng đã buộc Công ty Bến xe Miền Đông nộp hơn 2,4 tỷ đồng, Samco nộp hơn 800 triệu đồng vì cho thuê sai quy định nêu trên. Số tiền đó chỉ tính trong giai đoạn 3 năm tới thời điểm thanh tra.

Mặt khác, Công ty “mẹ” Samco cho Công ty BXMĐ vay vốn hơn 34 tỷ đồng từ năm 2008 đến thời điểm thanh tra, cũng trật so với quy định của Bộ Tài chính.

"Lách" quy định khi cho thuê cảng Phú Hữu

Theo kết luận thanh tra, Công ty Cảng Bến Nghé đang quản lý sử dụng 2 mặt bằng nhà đất gồm: khu đất tại số 9 đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7 có diện tích 230.500 m2 (cảng Bến Nghé) và khu đất tại khu phố 4, phường Phú Hữu, quận 9 có diện tích hơn 240.000 m2 (cảng Phú Hữu). Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện Công ty Cảng Bến Nghé hợp tác với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và các cổ đông khác góp vốn thành lập Công ty CP Tân Cảng - Phú Hữu với hình thức cho Công ty CP Tân Cảng - Phú Hữu thuê lại toàn bộ cảng Phú Hữu.

img 

Cảng Phú Hữu đã bị cho thuê trái chỉ đạo

Việc làm trên thực chất là hợp tác thành lập pháp nhân mới và Công ty Cảng Bến Nghé cho thuê lại cơ sở hạ tầng nêu trên là không đúng ý kiến của UBND TP HCM. Bởi UBND TP chỉ cho phép Công ty Cảng Bến Nghé hợp tác với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, không phải hợp tác với Công ty CP Tân Cảng - Phú Hữu. Do đó, việc Công ty Cảng Bến Nghé cho Công ty CP Tân Cảng - Phú Hữu thuê toàn bộ cơ sở hạ tầng của cảng Phú Hữu là không đúng đối tượng. Ngoài ra, căn cứ vào Luật Đất đai năm 2013 thì tổ chức thuê đất, ký hợp đồng trả tiền thuê đất hàng năm không có quyền cho thuê tài sản trên đất. Vì vậy, việc Công ty Cảng Bến Nghé cho thuê toàn bộ cơ sở hạ tầng của cảng Phú Hữu là không đúng quy định.

Ngoài ra, khi thực hiện cổ phần hóa, Công ty Cảng Bến Nghé đã thực hiện chỉ định thầu gói thầu tư vấn đo vẽ hiện trạng và xác định giá trị % còn lại công trình tại cảng Bến Nghé là không đúng quy định; quá trình định giá tài sản, xác định diện tích công trình nhà, đất liên quan việc xác định tài sản giá trị doanh nghiệp (DN) do Công ty UHY thực hiện đối với Công ty Cảng Bến Nghé chưa chính xác và chưa đúng với thực tế.

Đem tài sản công cho thuê

Samco được UBND TPHCM giao quản lý sử dụng 12 cơ sở nhà đất toàn vị trí “vàng” ở các quận huyện để phục vụ hoạt động chính yếu như văn phòng làm việc, của hàng trưng bày ôtô, nhà xưởng sản xuất xe, trạm đăng kiểm..., chứ thành phố không giao để Samco đi… cho thuê. Tuy nhiên kiểm tra 5/12 mặt bằng, Thanh tra TP.HCM phát hiện Samco đã sử dụng sai mục đích.

Cụ thể, mặt bằng hơn 3.590m2 ở địa chỉ 1135 trên quốc lộ 1A phương Tân Tạo, quận Bình Tân được UBND TP giao Samco để xây dựng nhà làm việc, phòng trưng bày và các dịch vụ kinh doanh liên quan đến ô tô của đơn vị. Tuy nhiên, Samco đã cho Công ty TNHH dịch vụ ôtô Sài Gòn Toyota Tshusho thuê lại để làm nhà xưởng kinh doanh của hãng này.

Tại nhà đất ở địa chỉ 1450 Võ Văn Kiệt phường 1 quận 6 (hơn 179m2), Samco chỉ sử dụng một phần làm văn phòng của bộ phận pháp chế, còn lại cho Công ty CP Hòa Phú thuê lại.

Tại “tấc vàng” số 444 - 448 đường Nguyễn Chí Thanh phường 6 quận 10 (hơn 846m2), từ tháng 12.2016 Samco đã ký kết dạng hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP quốc tế Anh văn Hội Việt Mỹ. Từ đó, nơi đây biến thành Trung tâm ngoại ngữ Hội Việt Mỹ thay vì trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm liên quan ô tô theo đúng mục đích.

Với diện tích hơn 8000m2 tại số 1 xa lộ Hà Nội phường Hiệp Phú quận 9, Samco cũng ký hình thức hợp đồng khai thác mặt bằng với Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và rốt cục nơi đây biến thành trạm đăng kiểm, thay vì của hàng trưng bày và kinh doanh ôtô.

Tương tự, tại nhà đất số 79 - 81 quốc lộ 13 phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức, Samco cũng chỉ sử dụng một phần, phần lớn cũng cho thuê để thành trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.

“Ngó lơ” sai phạm

Với hàng loạt sai phạm tràn lan nhưng đại diện Samco chỉ xin kiểm điểm, rút kinh nghiệm (cả Công ty “mẹ” lẫn Công ty “con”) . Tuy nhiên điều khó hiểu hơn là những “động thái lạ” của nhiều sở, ngành liên quan.

Cụ thể, từ tháng 5.2018, sau kết luận thanh tra phát hiện ra sai phạm tại Samco, Chủ tịch UBND TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong, đã có kết luận giao Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp (Chi cục TCDN, Sở Tài Chính) chủ trì phối hợp với các Sở KHĐT, TNMT kiểm tra, rà soát việc hợp tác giữa Samco và Công ty Toyota Tshuho Corporation và hợp đồng hợp tác giữa Công ty Cảng Bến Nghé và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn trong việc cho thuê cảng Phú Hữu. 2 vấn đề lớn này được Thanh tra TPHCM kết luận là việc hợp tác cho thuê mặt bằng và cho thuê cảng Phú Hữu (cảng quan trọng phía đông của thành phố) là sai phạm lớn.

Thực hiện chỉ đạo, từ 30.7.2018, Chi cục TCDN đã có công văn 603 gửi 2 sở trên đề nghị có ý kiến. Tới 20.8.2018, vẫn không thấy ai hồi âm, Chi cục TCDN lại tiếp tục gửi công văn số 649 đề nghị 2 sở trên cần nhanh chóng thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây (tháng 10.2018) của Chi cục TCDN thì đơn vị chủ trì này vẫn chưa hề nhận được bất kỳ hồi đáp nào của 2 sở trên. “Cực chẳng đã”, Chi cục TCDN phải báo cáo một mình và đề nghị UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị trên thực hiện chỉ đạo.

Trước khi Chi cục TCDN có văn bản nêu trên, nói về sai phạm Samco, ông Võ Văn Hoan (Chánh Văn phòng, kiêm người phát ngôn UBND TPHCM) cho rằng, chỉ có 2 cái sai là cho thuê mặt bằng và vay tiền.

Theo thanh tra, UBND TPHCM giao quản lý sử dụng 12 cơ sở nhà đất toàn vị trí “vàng” ở các quận huyện để phục vụ hoạt động chính yếu như văn phòng làm việc, cửa hàng trưng bày ôtô, nhà xưởng sản xuất xe, trạm đăng kiểm. Tuy nhiên kiểm tra 5/12 mặt bằng, Thanh tra TPHCM phát hiện Samco đã sử dụng sai mục đích, đem đi cho thuê.

Nói về vấn đề này, không phủ nhận Samco sai, nhưng ông Hoan nói “cái sai phạm này nhiều doanh nghiệp, đơn vị hành chính nhà nước cũng… tranh thủ. Về mặt quản lý thì sai, nhưng các cơ quan “xài” không hết nên đem cho thuê mà không báo cáo. Muốn làm gì thì phải báo cáo. Sai thứ 2 là Công ty “mẹ” vay tiền Công ty “con”. Về mặt pháp luật thì không đúng nhưng trong thực tế hành xử vậy là không nên. Nên UBND TP.HCM chỉ đạo một là phải dứt khoát không cho thuê mặt bằng, tổ chức lại hoạt động cho đúng chức năng nhiệm vụ”.

Sự im lặng khó hiểu của các sở ngành, “quan điểm” về cái sai của doanh nghiệp nhà nước của người phát ngôn TP.HCM đã khiến dư luận hoài nghi về sự e ngại của cơ quan liên quan đối với sai phạm của Samco.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem