Theo khảo sát, tại những nước sử dụng công nghệ RFID, dán thẻ e-tag lên phương tiện, chi phí để dán và đăng kí sử dụng dịch vụ thu phí tự động cũng có sự chênh lệch nhất định.
Ở một số bang tại Mỹ, thu phí tự động có thể được sử dụng linh hoạt thông qua các bộ dán thẻ E-PASS. Người dùng có thể đặt hàng từ các sàn thương mại điện tử như eBay, Amazon và hoàn tất thủ tục đăng ký trực tuyến.
Phần lớn rẻ hơn Việt Nam
Cụ thể, bộ dán E-PASS tại nhà được người dân tại các bang như Georgia, Florida, New York sử dụng có mức giá4,69 USD, tương đương 110.000 đồng.
Sau khi dán và hoàn tất đăng ký, người dân có thể di chuyển không dừng qua các trạm thu phí. Camera giao thông sẽ ghi nhận biển số xe, sau đó gửi hóa đơn về nhà đi kèm nhiều hình thức thanh toán.
Tại Columbia, Colopito - tên gọi của thẻ thu phí không dừng tại nước này - cũng có giá khoảng 20.000 COP, tương đương 120.000 đồng. Thế nhưng ngoài thanh toán khi qua các trạm cao tốc, hệ thống của Columbia còn cho phép chủ xe trả tiền gửi, đỗ xe thông qua thẻ thu phí không dừng (ETC).
Tại Ấn Độ, từ ngày 15/1/2020, dịch vụ FASTag là bắt buộc đối với mọi loại phương tiện giao thông. Người dân cần chi trả khoảng 200 Rupee, xấp xỉ 59.000 đồng cho lần dán thẻ FASTag đầu tiên. Theo đó, tài khoản cần có tối thiểu 100 Rupee, khoảng 30.000 đồng để duy trì sử dụng.
FASTag sẽ được dán trực tiếp lên kính chắn gió của xe và ngay khi phương tiện đi qua trạm thu phí, phí cầu đường sẽ được khấu trừ vào tài khoản ngân hàng hoặc ví trả trước được liên kết với thẻ.
Cá biệt tại Đài Loan (Trung Quốc) hay Thổ Nhĩ Kỳ, chi phí cho lần dán thẻ ETC đầu tiên gần như miễn phí hoặc có giá rất rẻ. Sau quy đổi, chủ xe tại Thổ Nhĩ Kì chỉ phải chi trả khoảng 20.000 đồng cho lần dán thẻ đầu tiên.
Ở Đài Loan, khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ, chủ xe chỉ cần mang theo thẻ cư trú ARC và giấy phép đăng ký xe, thẻ eTag sẽ được cấp miễn phí. Sau đó, chủ xe có thể nạp tiền vào thẻ thông qua tiền mặt tại các trạm, với mức phí tối thiểu là 312.000 đồng hoặc thông qua các ví điện tử.
Lợi thế của thẻ dán RFID
Riêng đối với các nước không sử dụng công nghệ RIFD để thực hiện thu phí tự động, chủ xe sẽ phải trang bị bộ đọc thẻ ETC gắn trực tiếp vào xe với mức giá khá cao.
Điển hình như tại Singapore, hệ thống này hoạt động dựa trên 3 bộ phận chính, gồm các cổng ERP trên đường, thiết bị thu phí gắn trên phương tiện giao thông (In vehicle Unit, IU) và thẻ trả phí giao thông tự động (CashCard hay EZ-Link).
Bộ thu phí tự động tại Singapore được lắp đặt trên xe với mức phí khoảng 155 SGD, tương đương 2,6 triệu đồng. Về thẻ trả phí tự động, chủ xe có thể nạp tiền và bắt đầu sử dụng hoặc thanh toán trực tuyến thông qua ví điện tử liên kết trực tiếp với thẻ ngân hàng.
Tương tự như Singapore, Australia cũng áp dụng công nghệ Electronic Road Pricing (ERP) trong mô hình thu phí tự động. Mỗi ôtô tại Australia đều được lắp đặt thiết bị thu phí miễn phí, song, khi xảy ra hư hỏng hoặc thất lạc thiết bị, chủ xe sẽ phải mua lại thiết bị với giá 120 AUD, khoảng 2 triệu đồng.
Từ ngày 25/7, Công ty CP Truyền thông số (VDTC - ePass) đã chính thức thu phí cho lần dán thẻ ETC đầu tiên. Theo sau đó, Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) cũng đã ngừng miễn phí dịch vụ dán thẻ thu phí không dừng từ ngày 6/8.
Mức giá mà các doanh nghiệp đưa ra cho lần dán thẻ đầu tiên và dán thẻ thay thế là 120.000 đồng/lần.
Trao đổi vớiZing, đại diện VDTC cho hay trong khoảng 1 triệu ôtô đang lưu thông tại Việt Nam nhưng chưa dán thẻ ETC sẽ có khoảng 600.000 xe không có nhu cầu do là các phương tiện đặc thù như xe buýt, xe trong các nhà máy xí nghiệp, xe không được lưu thông trên các tuyến cao tốc.
"Trong số 1 triệu xe chưa dán thẻ, lượng xe không có nhu cầu dán thẻ nhiều khả năng Cục Đăng kiểm sẽ là đơn vị nắm được rõ nhất. Còn lại khoảng 400.000 xe thì đến khoảng tháng 12 các doanh nghiệp sẽ triển khai hoàn thiện việc dán thẻ ETC", vị này nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.