Ngoài đào “tiền ảo”, Blockchain còn truy xuất nguồn gốc nông sản

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 11/09/2018 07:24 AM (GMT+7)
Blockchain được biết đến là công nghệ đứng đằng sau sự lên ngôi của những đồng tiền ảo, đặc biệt là Bitcoin. Công nghệ này cho phép thực hiện các giao dịch kỹ thuật số và lưu trữ hồ sơ có độ an toàn cao. Nhưng trên thực tế, Blockchain không chỉ có nhiệm vụ “đào tiền” mà còn có thể ứng dụng trong nông nghiệp. Tại Việt Nam, ứng dụng Blockchain có thể thấy rõ nhất qua việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc QR code.
Bình luận 0

Khi vải, na được dán tem

Chỉ cần một cái chạm nhẹ trên màn hình điện thoại, đợi trong vài giây, mọi thông tin về vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) sẽ được cập nhật với giá cả chi tiết, rõ ràng.

Việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm sử dụng mã QR lần đầu tiên được áp dụng trong mùa vải thiều năm nay. Các khách hàng đã có thể sử dụng smartphone có kết nối internet, được cài ứng dụng quét mã QR để tra cứu thông tin chi tiết về nguồn gốc, xuất xứ của quả vải. Chỉ mất vài giây, người tiêu dùng đã biết được sản phẩm có xuất xứ từ đâu, giá cả thế nào.

img

Na Chi Lăng đã được dán tem QR code.

Ông Trịnh Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, cho biết, mã QR giúp người tiêu dùng truy được nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ những địa chỉ sản xuất chân chính, tránh bị làm giả, làm nhái. Khi sản phẩm có vấn đề về chất lượng, các cơ quan chức năng cũng dễ dàng truy tìm và xử lý vi phạm. “Chúng tôi cam kết với khách hàng về chất lượng của những sản phẩm vải đã được dán tem”, ông Thiện nói.

Ông Đào Ngọc Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn An Việt, đơn vị phối hợp với huyện Thanh Hà tổ chức Tuần lễ đặc sản vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội, cho biết, tất cả tem truy xuất nguồn gốc đều được huyện và công ty phát miễn phí cho người dân của 25 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện. Các hợp tác xã này sẽ có trách nhiệm quản lý và sử dụng bộ mã.

Năm nay sản phẩm na Chi Lăng (Lạng Sơn) cũng được dán bao bì, tem nhãn bao gói, truy xuất sản phẩm na Chi Lăng cho các tổ hợp tác, Ban VietGAP, HTX sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tổ hợp tác sản xuất na an toàn. Dự kiến sản lượng năm 2018 đạt 27.000 tấn, trong đó sản lượng na theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 1.500 tấn; sản lượng na theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 48 tấn; với hơn 25.400 tấn sản phẩm na Chi Lăng còn lại đều đã được các hộ cam kết sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn.

img

Mã QR đang được sử dụng để truy xuất nguồn gốc nông sản. Ảnh: Internet.

Với sự hướng dẫn từ Bộ NN&PTNT, huyện Chi Lăng sẽ tổ chức dán tem truy xuất nguồn gốc trên quả na để giúp người tiêu dùng phân biệt thương hiệu na Chi Lăng. Việc dán tem truy xuất nguồn gốc để tránh tình trạng nhái thương hiệu na Chi Lăng. Theo đó là hướng đến việc xuất khẩu na sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch và các thị trường ngoài nước khác.

Ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ năm 2017, toàn huyện thống nhất áp dụng một loại bao bì in nhãn hiệu na Chi Lăng khẳng định và nâng tầng thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, việc sử dụng mã QR code để truy xuất nguồn gốc na Chi Lăng đã giúp "lên đời" sản phẩm, giúp bán được giá cao. Được biết, na được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có dán tem truy xuất giá lên tới 70.000 đồng/kg.

Cải thiện truy xuất nguồn gốc

Theo các chuyên gia, Blockchain giúp tạo ra hệ thống sổ sách an toàn và minh bạch có sẵn cho tất cả các bên trong một chuỗi cung ứng bao gồm cả các nhà sản xuất, các nhà bán lẻ, các nhà cung cấp hậu cần và các cơ quan quản lý. Mỗi thay đổi trong sổ cái phải được xác nhận bởi tất cả các bên, mang lại sự tin cậy và sự minh bạch trong quy trình. Chính vì vậy, ứng dụng Blockchain sẽ góp phần cải thiện truy xuất nguồn gốc và minh bạch trong chuỗi giá trị nông nghiệp. 

img

Người tiêu dùng kiểm tra sản phẩm mướp đắng qua điện thoại thông minh. Ảnh: Internet.

Trên thực tế, tập đoàn bán lẻ Walmart đã thử nghiệm thành công hai dự án sử dụng công nghệ Blockchain để truy nguồn gốc của thịt heo ở Trung Quốc và xoài ở Trung Mỹ. Theo đó, sử dụng công nghệ mới này, Walmart chỉ mấy 2,2 giây để cung cấp thông tin về chuỗi cung ứng cho khách hàng thông qua mã QR code, trong khi trước đó, việc này phải mất hơn 6 ngày.

Cũng như vậy với sản phẩm vải Thanh hà hay na Chi Lăng, người tiêu dùng chỉ mất vài giây chạm vào màn hình điện thoại là có thể biết rõ thông tin về sản phẩm đến tận vườn sản xuất, nông hộ làm ra sản phẩm, giá cả như thế nào.

Những lợi ích to lớn mà công nghệ Blockchain mang đến cho ngành nông nghiệp là không thể phủ nhận nhưng đến nay số lượng sản phẩm được gắn mã QR code ở Việt Nam vẫn đếm trên đầu ngón tay. Để công nghệ Blockchain được triển khai hiệu quả, cần tuyên tuyền, vận động người dân hiểu rõ hơn nữa những lợi ích khi ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết sản xuất có sự tham gia của các bên thì việc triển khai ứng dụng Blockchain mới trở nên dễ dàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem