Ngọc Trinh bị tuyên phạt 1 năm tù, cho hưởng án treo đã phù hợp?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 03/02/2024 06:35 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia pháp lý, việc tòa án tuyên Ngọc Trinh 1 năm tù và cho hưởng án treo là phù hợp, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo.
Bình luận 0

Ngọc Trinh bị tuyên phạt 1 năm tù, cho hưởng án treo

Ngày 2/2, TAND TP.HCM tuyên Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu Ngọc Trinh, 35 tuổi) 1 năm tù, cho hưởng án treo về tội gây rối trật tự công cộng.

Bị cáo Trần Xuân Đông (36 tuổi, thầy dạy lái xe của Ngọc Trinh) bị phạt 1 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng, 6 tháng tù về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

Ngọc Trinh bị tuyên phạt 1 năm tù, cho hưởng án treo đã phù hợp?- Ảnh 1.

Ngọc Trinh tại phiên tòa xét xử. Ảnh: PN

Theo tòa, hành vi của Ngọc Trinh và Đông đã gây ra hậu quả xấu, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội. Những lần thực hiện hành vi phạm tội, hai bị cáo đã quay video lại và đăng lên mạng xã hội, thu hút nhiều người quan tâm.

Hành vi của Ngọc Trinh và Đông là nguy hiểm cho xã hội, phạm tội từ 2 lần trở lên... Tuy nhiên, HĐXX cũng ghi nhận các bị cáo có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, gia đình có công với cách mạng...

Trong đó, Trinh có nơi ở ổn định, đã bị giam hơn 3 tháng, không cần tiếp tục cách ly khỏi xã hội. Vì thế, HĐXX tuyên trả tự do cho Ngọc Trinh ngay tại phiên tòa, song bị cáo phải quay về trại giam làm thủ tục.

Cho Ngọc Trinh hưởng án treo là thể hiện sự nhân đạo

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo nội dung cáo trạng, Ngọc Trinh bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng, theo khoản 2, Điều 318 Bộ luật hình sự, khung hình phạt 2 đến 7 năm tù. Ngọc Trinh bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội nhiều lần.

Tuy nhiên, căn cứ để áp dụng khoản 2, Điều 318 đối với Ngọc Trinh là chưa rõ ràng nên tòa án xét xử theo khoản 1, là có cơ sở, đúng pháp luật.

Như vậy, chỉ trong trường hợp kết quả điều tra, truy tố, xét xử cho thấy bị cáo phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 318 như dùng vũ khí, cản trở giao thông nghiêm trọng, có tổ chức, xúi giục người khác gây rối... mới đủ căn cứ để xử lý theo khoản 2, Điều 318 với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.

Ông Cường cho rằng, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này là phạm tội đồng phạm giản đơn, không có tổ chức và cũng không có hành vi xúi giục người khác gây rối, không cản trở giao thông nghiêm trọng, không sử dụng vũ khí, không phá phách nên không có căn cứ để xử lý theo khoản 2, Điều 318.

Bởi vậy, tòa án kết tội bị cáo theo khoản 1, Điều 318 để lựa chọn một trong ba loại hình phạt là phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến hai năm là phù hợp và có căn cứ pháp luật.

Theo quy định, việc quyết định hình phạt căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Vì thế, đánh giá tổng thể hành vi của bị cáo, nhận thức về hành vi, đánh giá những tác động tiêu cực đến xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội và nhận thức thái độ của bị cáo, nhân thân của bị cáo, việc tòa án tuyên Ngọc Trinh 1 năm tù và cho hưởng án treo là phù hợp, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo.

"Với một thời gian tạm giam, Ngọc Trinh đã nhận thức được hành vi sai phạm của mình, ăn năn hối cải, có nơi cư trú rõ ràng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên không cần thiết phải giam giữ cũng đủ để răn đe phòng ngừa cho xã hội và đủ để giáo dục bị cáo trở thành người tốt" – ông Cường nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia, bản án ngày hôm nay chưa có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn luật định mà các bị cáo có kháng cáo hoặc viện kiểm sát có kháng nghị, đối với phần bản án bị kháng cáo, kháng nghị sẽ không có hiệu lực pháp luật và được xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Trường hợp hết thời hạn kháng cáo và thời hạn kháng nghị của viện kiểm sát mà không có kháng cáo, kháng nghị, bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật và phải thi hành.

"Nếu viện kiểm sát có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm với nội dung đề nghị tăng hình phạt, tòa án cấp phúc thẩm sẽ xét xử lại và có thể quyết định biện pháp ngăn chặn với Ngọc Trinh là tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú trong thời gian chờ xét xử. Tuy nhiên, thông thường tòa án phúc thẩm không tạm giam bị cáo cho đến khi xét xử" – Tiến sĩ Cường thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem