Ngợi ca những chiến công thầm lặng

Thứ hai, ngày 17/12/2012 07:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm nay (17.12), tại Hà Nội, Báo NTNN tổ chức lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế”. Tổ chức trong một thời gian không dài nhưng cuộc thi đã có những thành công vượt cả sự mong đợi.
Bình luận 0

Chạm vào mạch nóng

Cách đây 1 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 67 năm Thành lập Quân đội Nhân dân VN 22.12, được sự đồng ý của Tổng cục Chính trị QĐNDVN và dưới sự chỉ đạo của T.Ư Hội NDVN, Báo NTNN đã tổ chức lễ phát động Cuộc thi viết “Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế”.

img
Ban tổ chức và Ban giám khảo họp thống nhất về các giải thưởng của cuộc thi viết.

Nói về cuộc thi viết, Trung tướng PGS - TS Nguyễn Tuấn Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN cho biết: “Chúng tôi mong muốn qua cuộc thi này, độc giả báo NTNN nói riêng và độc giả cả nước nói chung sẽ có được một cái nhìn toàn diện, cụ thể và đúng đắn về hoạt động lao động sản xuất, làm kinh tế của quân đội; về những chiến công, những thành tích cũng như những nỗi gian lao, khó khăn, vất vả của "Bộ đội Cụ Hồ" trên mặt trận kinh tế. Đó là một mặt trận thầm lặng, không tiếng súng, nhưng hết sức khốc liệt và đòi hỏi nhiều chất xám cũng như cống hiến sức lực của người lính.

Từ trước tới nay, người ta thường có quan niệm "nước sông công lính" nhưng thực chất, có ở trong cuộc mới thấy những người lính đã cống hiến sức lực và nhận được sự đền bù xứng đáng với công sức của họ. Chúng tôi mong các tác giả hãy dành nhiều tâm huyết cho mảng đề tài này, đi thực tế, trải nghiệm cuộc sống cùng những người lính ở các công trường, nông trường, bến cảng, hải đảo, biên giới để chuyển tải đến người đọc những tác phẩm báo chí chất lượng cao nhất, "món ăn tinh thần" ngon nhất”.

Ngay sau khi cuộc thi được phát động, có thể nói nó đã lập tức chạm vào “mạch nóng” trong mối quan tâm của nhiều cây viết trên khắp mọi miền Tổ quốc. Sau hơn 10 tháng kể từ khi chính thức phát động vào tháng 12.2011, cuộc thi viết đã khép lại vào ngày 27.10. 2012. Tổng cộng, trong một thời gian ngắn, Ban tổ chức đã nhận được 2.473 bài dự thi. Tất cả các bài dự thi đã được Ban sơ khảo cuộc thi tuyển chọn và chấm sơ khảo, những bài đã vượt qua vòng sơ khảo được xuất hiện trên mặt báo. Ban sơ khảo cuộc thi đã tuyển chọn được 43 bài dự thi xuất sắc nhất của các tác giả để đưa vào chấm chung khảo.

Về nội dung phản ánh, có thể đánh giá đây là cuộc thi đạt kết quả tốt bởi qua các bài viết, đề tài phản ánh của cuộc thi vô cùng đa dạng, phong phú. Đó có thể là một đơn vị bộ đội giúp dân làm kinh tế, một đơn vị khác khuyến khích cán bộ, chiến sĩ làm kinh tế trước tiên để cải thiện bữa ăn cho anh em, một cựu chiến binh tìm cách thoát nghèo cho bản thân và làm giàu cho quê hương, một tổng giám đốc tổng công ty của Bộ Quốc phòng vững tay lèo lái đơn vị qua sóng gió... Tất cả những câu chuyện này đã được các tác giả phản ánh chân thực, sinh động dưới nhiều góc tiếp cận mới mẻ thể hiện sự đầu tư kỹ lưỡng cho tác phẩm dự thi.

Bất ngờ về chất lượng

Bắt đầu từ cuối tháng 10.2012, Ban giám khảo cuộc thi gồm nhà văn Chu Lai – Trưởng ban và các ủy viên gồm nhà thơ Đỗ Trung Lai, nhà báo Trần Bá Dung- Phó Trưởng ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo VN), đại tá Hà Trọng Bảo – nguyên Trưởng phòng Thông tấn- Báo chí Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐNDVN) và nhà báo Phan Huy Hà- Phó Tổng Biên tập Báo NTNN đã làm việc hết sức kỹ lưỡng và cẩn trọng để tìm ra các tác phẩm xuất sắc nhất.

Nhà thơ Đỗ Trung Lai cho biết: “Tôi không ngờ cuộc thi viết về người lính, không phải do một cơ quan báo chí của QĐND VN tổ chức mà do Báo NTNN đứng ra phát động lại có được một kết quả tốt như vậy. Chất lượng các bài dự thi khá đồng đều, đề tài phản ánh rất đa dạng và sinh động, Ban giám khảo chủ yếu chấm theo kiểu “so bó đũa, chọn cột cờ”.

Trong 43 tác phẩm lọt vào chung khảo, có rất nhiều bài viết xúc động, đặc biệt là những bài dự thi viết về các đơn vị quân đội giúp người dân vùng nông thôn, vùng dân tộc miền núi xóa đói, giảm nghèo. “Tiếng trẻ thơ nơi rừng thẳm”- tác phẩm đoạt giải cao nhất của tác giả Ngọc Tấn là một câu chuyện khiến người đọc rơi nước mắt về chiến công của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 (Binh đoàn 15) khi trên vùng đất này, dưới những tán rừng cao su đã mọc lên một ngôi trường nội trú cho con em của những công nhân cạo mủ, giúp các em được đi học, được gần gũi với cha mẹ thay vì phải về quê khi đến tuổi đến trường.

Khép lại một cuộc thi viết, có thể thấy công sức của những người lính trên mặt trận kinh tế - một mặt trận không tiếng súng nhưng vô cùng vẻ vang đã được tôn vinh xứng đáng.

Các tác phẩm đoạt giải cuộc thi

Giải Nhất:

Tiếng trẻ thơ nơi rừng thẳm (Nguyễn Ngọc Tấn - Gia Lai).

Giải Nhì:

Người làm nên thương hiệu chè sạch (Mè Quang Thắng, bút danh Phạm Thu Hằng - PV Báo Quân Đội Nhân Dân)

Ở phía mặt trời lặn (Trần Đăng, bút danh Hà Nhiên- PV Báo Thanh Niên).

Giải Ba:

Người lái tàu qua ga khó (Nguyễn Thuận Thành - Bắc Ninh).

Bốn anh lính và trang trại trong mây (Lê Thành Vinh - PV Báo Quân Khu 3).

Người được biển chọn (Lê Văn Chương - PV Báo Biên Phòng).

Giải Khuyến khích:

Huyền thoại vùng đất con ngựa tiên (Nguyễn Minh Ngọc - Sơn La)

Hãy để tôi làm thử (Nguyễn Tuấn Lệ - Hà Nội).

Người trọn tình với thiên nhiên (Hồ Phương Phúc - SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Đường cày thay cuốc (Hoàng Nghiệp - PV Báo Quân Khu 2).

Anh hùng xuất hiện đúng thời (Vũ Thế Thược - xã Đại Lai, huyện Gia Bình, Bắc Ninh).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem