Thanh và 2 em Trường, Minh vui đùa trước sân chùa. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Đứa bé cựa quậy trong cái bọc vải, đôi mắt nheo nhúm dưới tia nắng sớm, tiếng khóc im bặt khi ông cúi sát xuống ẵm cái bọc lên. Đó là một buổi sáng định mệnh trong bước đường tu hành của sư Thích Thanh Tuân.
Đến năm 2012 thì ngôi chùa nghèo Giữa Đồng trên đảo Hà Nam đã có 7 đứa trẻ rồi. Sau Quảng là Trường, rồi đến Thanh, Tâm, An, Thọ, Liên. Những đứa trẻ được sư Tuân và một vài vị chấp tác ở chùa nuôi dưỡng từ khi còn đỏ hỏn, ốm đau quặt quẹo đến khi cứng cáp, rồi chân bước tung tăng đến trường.
“Tôi nghĩ có lẽ cái duyên mình đã gắn bó với những đứa trẻ có hoàn cảnh như vậy, thì mình cứ hoan hỉ đón nhận, hoặc mình tự tìm đến những đứa không biết đến với mình”. Sư Tuân nghĩ vậy, rồi ông chủ động tìm đến các bệnh viện ở Hạ Long, Uông Bí nhận thêm các cháu về nuôi.
Thế là Đại, Long, Môn, Minh được chào đón về ngôi nhà mới. Ngôi nhà rộng rãi có cột bằng gỗ, mái ngói nâu mát mẻ, sân vườn, ao chuôm rộng mênh mông tha hồ chạy nhảy, thỉnh thoảng lại trầm vang bởi tiếng chuông, mõ mỗi lúc “ông” Tuân tụng trì.
Ngoài được chăm sóc chu đáo, bọn trẻ cũng được dạy dỗ phương pháp sống tự lập ngay từ khi còn bé.
(Ảnh: Nguyễn Quý)
"Bọn trẻ vẫn gọi tôi là ông xưng con, dù trên giấy tờ pháp lý tôi đã là cha nuôi của 11 đứa rồi” – sư Tuân nói. 10 năm nay, vị cha nuôi ấy đã ra sức chăm nom, dạy dỗ bọn trẻ. Không phải lúc nào công việc ấy cũng diễn ra suôn sẻ. Cũng có lúc sư Tuân chật vật với tiền sữa, tiền lo khám chữa bệnh; cũng có đứa lớn lên nghịch ngợm, mải chơi, không biết vâng lời.
Người dân xóm biển Nam Hòa thương sư Tuân và lũ trẻ, khi cho bộ quần áo, lúc lại dấm dui cho ít đồ chơi, hay hộp sữa bò. Chính quyền địa phương cũng đã sẻ chia với sư thầy và các em bằng lòng cảm thông chân thành nhất. 11 đứa trẻ học mầm non trường Nam Hòa không thu học phí.
Nhiều đơn vị, tổ chức và cá nhân biết tiếng sư Tuân và việc thiện của người, thỉnh thoảng lại đến thăm tặng quà cho các cháu. Trực tiếp giúp thầy việc sinh hoạt, ăn ở, đưa đón các em đi học hàng ngày là ba cô bác có nhà ngay gần chùa. Họ đều là những người có gia đình, cháu con yên ấm; đến với các em không chỉ vì công việc của người bảo mẫu mà còn vì lòng rung cảm, thương yêu, trìu mến gọi các em là “con” xưng “me”.
Một đoàn viên thuộc Thị đoàn Quảng Yên tới thăm, tặng quà và chụp ảnh lưu niệm với các cháu bé.
(Ảnh: Nguyễn Quý)
Đã có nhiều người đến gặp sư Tuân để xin nhận một trong số bọn trẻ về làm con nuôi, nhưng sư đều từ chối. “Ngày nào tôi còn khỏe, tôi còn chăm cho các cháu có một cuộc sống bình thường như mọi đứa trẻ khác. Với lại, có lần khi tôi hỏi từng đứa có muốn về nhà người ta ở không, đứa nào cũng tiu ngỉu. Từ đó tôi không hỏi chúng câu ấy nữa” – sư Tuân nói, mắt không rời thằng Minh (đứa út mới hơn 3 tuổi) đang chơi đùa với các chị dưới sân chùa.
Khi chúng tôi tới thăm chùa, sư Tuân đang bận rộn với việc xây mới khu nhà ở riêng cho các bé và một số công trình khác. Ngồi trong gian khách của ngôi chùa nghèo, sư Tuân ít nói về công lao của mình với lũ trẻ, nhưng nhìn ánh mắt hiền từ khi sư Tuân hướng về 11 đứa con, tôi nhận ra lòng thương yêu, nhân ái từ bi và cả niềm hân hoan, phúc hạnh đang ở đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.