Ngôi làng đóng cối tre, nói tiếng lóng "Tõi Xưỡn" ở Thủ đô Hà Nội

Mộc Kiều Thứ sáu, ngày 03/12/2021 11:37 AM (GMT+7)
Đặt chân đến làng Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội), để ý các cụ cao niên nói chuyện, có lẽ bạn sẽ nghĩ mình bị lạc vào làng một dân tộc thiểu số. Bởi lẽ, làng Đa Chất có một "ngôn ngữ" riêng gọi là "Tõi Xưỡn" phát sinh từ nghề làm cối tre xay thóc đã hàng nghìn năm nay.
Bình luận 0

Nghề cối sinh tiếng lóng

Đa Chất vốn là một làng cổ trước đây gọi là Tông Chất cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía nam gần giáp ranh với tỉnh Hà Nam, nằm trên ngã ba sông Nhuệ và sông Lương. Để tìm hiểu về nghề cối và tiếng lóng, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Ngọc Đoán, 83 tuổi, người được coi là thông thạo tiếng lóng nhất làng Đa Chất hiện nay.

Ông Đoán hồi thanh niên cũng từng là thợ đóng cối tre, từng đi nhiều vùng, chủ yếu là vùng trung du miền ngược. Ông Đoán cho biết: "Từ khi có cây lúa nước là có nghề đóng cối. Và tiếng lóng được sản sinh ra trong quá trình người thợ Đa Chất đi đóng cối khắp nơi. Ngay từ nhỏ, thế hệ chúng tôi đã đi theo ông cha đi đóng cối, không biết tổ nghề là ai, cũng không có ghi chép cụ thể nào về nghề, chỉ biết nghề đã có từ rất lâu đời".

Ngôi làng đóng cối tre, nói tiếng lóng "Tõi Xưỡn" ở Thủ đô Hà Nội - Ảnh 1.

Đình làng Đa Chất, nơi diễn ra một số buổi thực hành nói tiếng lóng của người cao tuổi. Ảnh: Mộc Kiều.

Ông Đoán cho biết, đi đóng cối phải đi đường xa, ở nhà chủ nên các tốp thợ phải đoàn kết và biết bảo ban nhau, đặc biệt là thương lượng, nhận biết thái độ của chủ thuê đóng cối. Ví dụ, hai anh em cùng đi vào nhà chủ, chủ ra giá, hai anh em thay vì bàn kín với nhau có thể thống nhất giá ngay trước mặt chủ mà chủ không hề biết. Hoặc lên xe, thấy kẻ móc túi đằng sau, sẽ nói "xẻo bờm" nghĩa là có kẻ móc túi kìa. Mỗi chuyến đi bao giờ cũng gồm phó cả và phó hai, đi trong khoảng một tháng đến vài ba tháng.

Một số tiếng lóng hay sử dụng phổ biến hằng ngày như "Con thít đi" nghĩa là con ăn cơm đi, "Thít mận" nghĩa là uống nước không, "Xảo vai trên" nghĩa là anh, chị, "Xảo vai dưới" nghĩa là em, "Ô hô" nghĩa là đầu, "Đô" nghĩa là người cao to, "Choáng" nghĩa là nói người đẹp. Những từ phổ biến này, lớp trẻ trong làng Đa Chất đều biết cả.

Ngôi làng đóng cối tre, nói tiếng lóng "Tõi Xưỡn" ở Thủ đô Hà Nội - Ảnh 2.

Bên trong đình làng Đa Chất. Ảnh: Mộc Kiều.

Trong quá trình đóng cối xay tre, người làng Đa Chất còn có nhiều câu hát gắn liền với nghề rất thú vị như:

Ở đời có chuyện nực cười

Có ai làm thân con gái nằm chơi vụng chồng

Đói no thiếp để trong lòng

Áo mặc cho chồng thiếp chẳng quản chi

Thiên hạ lắm kẻ yêu vì

Giằng đi kéo lại chẳng quản chi đến chồng

Tiếng lóng Đa Chất trở thành "mật ngữ" riêng mà chỉ có người làng mới biết, dân các làng bên cạnh khác như Thái Lai, Thường Xuyên, Cổ Trai, Kiều Đông, Kiều Đoài đều không biết thứ ngôn ngữ đặc biệt này. Nói đó là mật ngữ cũng không quá, bởi lẽ tiếng lóng không có bảng chữ cái, không có quy ước phát âm hay cấu tạo ngữ pháp nhưng người Đa Chất lại có thể quy ước nhuần nhuyễn với nhau. Ba đặc trưng cơ bản của tiếng lóng Đa chất là nói nhanh, học phải có tình huống cụ thể và không biến thành ngôn ngữ văn học.

Người dân Đa Chất ngoài thờ thành hoàng làng Trung Thành đại vương thời Hùng Duệ vương thứ 18 còn thờ một chiếc cối xay tre. Nghề làm cối xay tre đã đem lại cơm ăn áo mặc cho người dân bao đời và trở thành một vật thiêng nên tiếng lóng cũng có chỗ đứng quan trọng trong đời sống tinh thần người dân Đa Chất.

Ngôi làng đóng cối tre, nói tiếng lóng "Tõi Xưỡn" ở Thủ đô Hà Nội - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Ngọc Đoán, một thợ đóng cối xưa rất thành thạo tiếng lóng. Ảnh: Mộc Kiều.

Thợ đóng cối vốn nay đây mai đó, gặp nơi được mùa, chủ tốt thì được cơm bưng nước rót còn gặp nơi mất mùa thì đói, có khi ngủ đầu đường xó chợ. Thợ đóng cối Đa Chất còn có bài vè cối xay để "phù hợp" với thái độ của nhà chủ thuê đóng cối như  "ăn cơm với cá, cối phá không ra, ăn cơm với cà thở ra cối hỏng, nhà nào láo nháo cà pháo chấm mắm tôm thì cối quay nhanh, gạo chẳng ra đều, anh lấy công cao" hay "Cối không có rượu cối đi, cối không có cá cối phá cả ra"

Dĩ nhiên, những bài vè tiếng phổ thông này chỉ hát những lúc người làng Đa Chất làm với nhau mà không có mặt chủ. Còn khi có mặt chủ, tiếng lóng được sử dụng như: xảo vụ sởn xấn vụ đây (thợ cối đi đóng cối đây), cái bệt dạc, dừa êm, đen tanh thôi (cái nhà này nghèo, bụng nó tốt, chỉ lấy 3 đồng thôi), xảo bờm (trộm đấy)…Nhiều khi bức xúc với gia chủ những việc không thuận lợi, người thợ Đa Chất vẫn thoải mái nói chuyện với nhau mà giải tỏa được căng thẳng.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Đã có nhiều người về Đa Chất nghiên cứu về tiếng lóng và cho đây không chỉ là công cụ để giao tiếp mà còn là một đặc trưng văn hóa của Đa Chất nói riêng và dân tộc ta nói chung. Hầu hết, các nhà nghiên cứu đều cho đây là biệt ngữ có sự kết hợp giữa âm Nôm và âm Hán Việt, thậm chí có người con cho đây là ngôn ngữ từ thời Văn Lang được bảo tồn đến ngày nay.

Ngôi làng đóng cối tre, nói tiếng lóng "Tõi Xưỡn" ở Thủ đô Hà Nội - Ảnh 4.

Ông Đoán thực hành nói tiếng lóng với hàng xóm. Ảnh: Mộc Kiều.

Tiếng lóng không chỉ là phương tiện giúp người làng Đa Chất trong việc đóng cối mà còn giúp nhiều thanh niên thoát đi lính cho thực dân Pháp. Trước năm 1954, thực dân Pháp thường về làng càn quét, bắt thanh niên đi lính hoặc lên bốt Cầu Giẽ, Thái Lai canh gác. Nếu bị bắt, thanh niên sẽ bàn nhau cách trốn như nói "bót nhẹn" nghĩa là đến chỗ vắng thì trốn đi để tôi bảo vệ cho.

Tiếng lóng còn giúp người Đa Chất nhận ra nhau mỗi khi đi đóng cối ở xa như một loại tín hiệu riêng mà chỉ có người làng nhận biết được. Ngày trước, tiếng lóng cha truyền con nối, cha dạy cho con, không dạy cho người ngoài làng, kể cả dâu rể.

Hiện nay, nghề đóng cối tre đã không còn do nhu cầu thị trường không còn, máy xay xát đã thay thế hoàn toàn, khiến cho không gian thực hành tiếng lóng bị thu hẹp môi trường sử dụng. Tuy vậy, tiếng lóng không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là di sản văn hóa phi vật thể, giá trị tinh thần cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Hiện nay, tiếng lóng Đa Chất nằm trong danh mục 11 di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của TP.Hà Nội.

Ngôi làng đóng cối tre, nói tiếng lóng "Tõi Xưỡn" ở Thủ đô Hà Nội - Ảnh 5.

Tiếng lóng Đa Chất được biên soạn thành sách. Ảnh: Mộc Kiều.

Tiếng lóng Đa Chất hiện đã được ghi chép lại thành sách với trên 314 từ, cụm từ thông dụng, học thuộc hơn 300 từ này thì có thể giao tiếp cơ bản với nhau. Tuy nhiên, đó là cách học cơ học rất nhanh quên, việc truyền dạy tiếng lóng cho lớp trẻ thì cần phải có môi trường thực hành cụ thể như giao tiếp, diễn kịch, thậm chí là diễn lại cảnh đi đóng cối thuê ngày xưa vì đây là văn hóa truyền miệng.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, trưởng thôn Đa Chất cho biết: "Tuy chưa biết chính xác tiếng lóng Đa Chất ra đời từ khi nào nhưng chúng tôi chắc chắn rằng tiếng lóng ra đời từ đặc thù công việc đi đóng cối xay tre. Hiện nay, số người thành thạo tiếng lóng ở làng hiện còn khoảng 5 cụ, lớp người trung niên thì đa phần nghe hiểu, còn lớp trẻ thì có người biết một chút, người không. Để bảo tồn tiếng lóng, làng Đa Chất đã thành lập Câu lạc bộ giao lưu về nghề truyền thống xưa làm cối tre, thực hành tình huống sử dụng tiếng lóng và trao truyền lại cho lớp trẻ học hỏi và tránh bị mai một".

Tiếng lóng đối với người dân Đa Chất nói riêng còn là ký ức cuộc đời của thế hệ ông Đoán, ông Sớm, ông Nghing về những năm tháng đi đóng cối tre vất vả. Ký ức về những ngày tháng mưu sinh cùng ông cha, về sự đoàn kết, khéo léo nơi đất khách của những người thợ đi đóng cối.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem