Lại tiếp tục mở đường
Ông Đào Hồng Tuyển - Ủy viên T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh Đoàn tầu Không số cho biết: Với tôi những ngày này là những ngày đẹp nhất, có ý nghĩa nhất của cuộc đời. Nói về những chiến công của tàu không số, so với các bậc đàn anh thì tôi tự thấy những điều làm được là vô cùng nhỏ bé.
|
Phút hàn huyên của cựu chiến binh Đoàn tàu Không số. Ảnh: Đàm Duy |
Những ngày này, tôi thấy như được trở lại cái tuổi đôi mươi, đạp trên sóng dữ, vượt qua họng súng của kẻ thù để hoàn thành nhiệm vụ. Được gặp lại những anh em thủa nào, là đồng đội đồng chí, ở bên nhau trong những cơn say sóng, gánh đỡ nhau phần vất vả, và thậm chí là, tranh phần hi sinh của nhau để cho đồng đội mình được sống.
Ai cũng thấy phấn khởi nhưng mỗi người có một hoàn cảnh, mỗi người có một điều kiện khác nhau. Sau chiến tranh, mỗi người đi theo một con đường, người về làm thấy thuốc, người trở về làm nông dân xây dựng xóm làng, còn tôi lại thành một người làm kinh doanh, cũng phải bon chen cạnh tranh trên chiến trường mới không có tiếng súng nhưng khốc liệt cũng không kém.
Chúng tôi cũng giống như một xã hội thu nhỏ với nhiều ngành nghề, tôi nghĩ rằng những thế hệ cán bộ chiến sỹ của đoàn tàu không số năm xưa giống như những con sói biển. Chiến lược phát triển kinh tế của nước ta là tiến ra biển lớn, vậy tại sao những người lính chúng tôi lại không phát huy những sở trường của mình?
Lại làm những nghề liên quan đến biển như vận tải, nuôi cá ở Trường Sa… lại được trở về với biển khơi nhưng không phải là nhiệm vụ đi đánh giặc, mà là nhiệm vụ xây dựng đất nước. Đó là lý do công ty Cổ phần dịch vụ Tàu không số ra đời.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng, hiện nay kinh tế thế giới khủng hoảng, làm ăn ngày càng khó khăn vì người khôn của khó, thế mà chúng tôi toàn những người đã già lại đi thành lập công ty, với những ngành nghề kinh doanh khá xương xẩu. Nhưng những người lính của đoàn tàu không số chúng tôi lại nghĩ khác.
Xưa kia chúng tôi xuất quân toàn phải chọn những thời điểm khó khăn, khi biển động, lúc gió mùa đông bắc tràn về, lúc địch tăng cường tuần tra hay những ngày lễ tết, đều ra quân và đều hoàn thành nhiệm vụ. Vậy sao những lúc kinh tế khó khăn, những người lính của đoàn tàu không số lại phải chùn bước trước biển cả nhỉ? Thế là chúng tôi lại quyết định mở đường ra biển.
Ngôi nhà của đoàn tàu không số
|
Các cựu chiến binh Đoàn tàu không số gặp nhau ở Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy |
Đại tá Trần Phong, 77 tuổi, nói về công ty Tàu không số của những người lính biển năm xưa: Trong anh em chúng tôi cũng có người khá giả, giàu có, và cũng còn những đồng đội đồng chí còn khó khăn nhưng vẫn cưu mang lẫn nhau.
Đồng chí Đào Hồng Tuyển đã tặng hàng trăm suất học bổng cho con cháu của những thành viên của Đoàn tàu không số, có những món quà giá trị lớn cho những nhà khoa học xuất sắc của Việt Nam. Tôi thấy Tuyển đã lăn lộn với anh em nhiều quá rồi. Hội của chúng tôi có được ngày hôm nay là cũng do một phần đóng góp của những người đồng đội như Tuyển nhưng chúng tôi, với tinh thần đồng đội, phải chung tay góp mỗi người một phần sức lực để tất cả được tự chủ động chăm lo cho nhau bằng một nguồn kinh phí tự chủ”.
Đại úy Tống Hồng Quân, người được anh em tin tưởng giao cho nhiệm vụ làm Tổng Giám đốc của Công ty Tàu không số cho biết: Với tinh thần tạo thành công ty như một mái nhà chung, chúng tôi có mọi thứ sẽ chủ động và tự lo cho nhau, góp phần xóa đói giảm nghèo cho chính anh em và gánh vác một phần khó khăn cho đất nước.
Với chúng tôi trong chiến tranh đã được sát cánh cùng nhau và bây giờ lại may mắn được cùng nhau chung một mục tiêu, chung một mục đích, chung một ý tưởng cao cả là làm giàu cho Tổ quốc, cho gia đình.
Nguyễn Gia Tưởng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.