Ngổn ngang tái định cư Thủy điện Bản Vẽ

Thứ hai, ngày 17/01/2011 18:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại khu tái định cư Thuỷ điện Bản Vẽ (Nghệ An), với hơn 10.000 dân, đang xuất hiện tình trạng “ném tiền qua cửa sổ” khi hàng chục căn nhà bỏ hoang, cầu có giá trị 1 tỷ đồng không chịu nổi một mùa mưa...
Bình luận 0

Từ đường Hồ Chí Minh đoạn chạy qua huyện Thanh Chương rẽ lên phía Tây khoảng 3km là bắt đầu vào địa bàn xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn - nơi tái định cư của những người dân nhường đất cho Thủy điện Bản Vẽ của huyện Tương Dương.

Nhà hoang trên đồi vắng

Những ngôi nhà này nằm trơ trọi trên một đỉnh núi thuộc bản Nọng, xã Ngọc Lâm. Tất cả 17 ngôi nhà không còn nguyên hình hài. Mái nhà bị phá tung; cửa sổ cũng bị người ta phá lấy đi. Trên nền nhà vương vãi đầy những bãi phân trâu bò, rác rưởi.

 img
Những căn nhà bỏ hoang ở bản Nọng.

Ông Lương Quang Cảnh - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lâm, cho biết: Những ngôi nhà này vốn được xây dựng để dành cho những hộ dân của xã ông về đây tái định cư. Nhưng sau khi xuống nhận nhà năm 2006, do nhà ở quá cao trên đồi, lại thiếu nguồn nước sinh hoạt nên dân bản không chịu ở. Sau đó, họ dựng các nhà tạm ở các khu vực thấp hơn để sinh sống một thời gian. Sau nhiều lần kiến nghị, Ban Quản lý Dự án Thủy điện 2 cũng đồng ý cấp nhà mới cho những hộ dân này.

Từ đó, những căn nhà đã xây không ai chấp nhận sử dụng, cũng không ai quản lý nên người dân tranh thủ tháo dỡ những gì có thể để tận dụng, từ những viên ngói; thanh xà gồ đến những ổ cắm điện. Theo UBND xã Ngọc Lâm, mỗi căn nhà tái định cư dành cho hộ độc thân trị giá 30 triệu đồng; căn hộ cho 2 người ở là 40 triệu đồng/căn. Với 17 căn nhà bỏ hoang ở bản Nọng và 3 căn tương tự ở bản Mà, số tiền bị “ném qua cửa sổ” không phải là ít.

Không chỉ nhà xây không đúng địa điểm, những căn nhà đang được người dân sử dụng cũng đang xuống cấp nhanh chóng.

Bà Lô Thị Năm ở bản Mà được cấp một ngôi nhà xây theo mô hình nhà sàn. Tuy nhiên, mới ở được 2 năm, sàn nhà được tráng bằng xi măng cứ liên tục tróc lở từng mảng, đến nay đã loang ra khắp nhà. Có chỗ nền nhà chỉ cần lấy tay là cạy được cả một mảng lớn.

Bà Năm nhiều lần đề nghị với cơ quan chức năng vào sửa nền nhà cho bà mà vẫn chưa được. Không chỉ nền nhà, theo ông Lô Văn Tân - Trưởng bản Mà, có đến 70% số nhà trong bản bị mối xông; 90% hệ thống điện không sử dụng được do tường bị nhiễm điện.

Cây cầu tiền tỷ chết yểu

Thuỷ điện Bản Vẽ là công trình thuỷ điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung với công suất 320 MW, đã được ngăn dòng vào ngày 26-12-2005. Với tổng mức đầu tư 5.740 tỷ đồng, Thuỷ điện Bản Vẽ là công trình đa mục tiêu: Phát điện, hoà lưới điện quốc gia, đồng thời cung cấp một phần điện cho nước bạn Lào. Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Từ trục đường chính của xã Ngọc Lâm bắc qua suối sang thôn Kim Hồng là một cây cầu bằng bê tông cốt thép. Nó đang nằm giữa suối một cách hết sức vô duyên.

Theo những người dân ở đây, cây cầu được xây dựng xong từ cuối năm 2009. Trong đợt lũ năm 2010 này, nước suối dâng cao, chảy xiết đã cuốn bay một bên đường dẫn lên cầu. Thành thử bây giờ, lòng của cầu một bên mà dòng nước chính của suối lại chảy một bên.

Cây cầu độc đạo bị hỏng nên bây giờ người già, trẻ nhỏ trong xã muốn qua đây đều phải lội suối. Anh Lương Mạnh Sinh ở bản Kim Hồng nói: "Tôi chẳng phải là kỹ sư gì nhưng nhìn cách người ta làm cầu này cũng biết là dở. Dòng suối bình thường nhỏ nhưng khi lũ về nó mở rộng; chiếc cầu có luồng dẫn nước nhỏ như cái cống không thể thoát nước kịp. Ở miền núi, một là xây cầu cao hẳn hoặc xây cái đập tràn thật thấp chứ không ai xây cái cầu lỡ cỡ như thế".

Khi cầu bị lũ phá hỏng, bê tông vỡ ra, dân thôn Kim Hồng mới giật mình khi những tấm bê tông lát trên đường dẫn không phải làm bằng cốt sắt thông thường mà lại làm bằng những tấm bao bì xác rắn. Những mảng bê tông nặng hàng tấn vỡ, gãy đang được níu kéo chằng chịt bởi những tấm bao bì mỏng manh, yếu ớt.

Phóng viên đem những hình ảnh này cho ông Trần Hữu Nhàn - Phó phòng Kỹ thuật Ban quản lý Dự án Thủy điện 2 xem, ông Nhàn cũng không khỏi ngạc nhiên, thảng thốt. Ông Nhàn cho biết, ở bất cứ hạng mục xây dựng nào cũng vậy, về mặt kỹ thuật không bao giờ được phép làm những tấm bê tông cốt bao bì xác rắn như thế. Ông Nhàn cho biết sẽ nhanh chóng xác minh vụ việc.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem