Ngư dân liên kết ra khơi

Thứ sáu, ngày 17/05/2013 06:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không bận tâm đến lệnh cấm ngang ngược của Trung Quốc đối với vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, những ngày này, ngư dân miền Trung vẫn tất bật ra khơi đánh bắt.
Bình luận 0

Những chuyến ra khơi trúng đậm

Sáng 16.5, tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, nhiều tàu cá từ Hoàng Sa cập bến sau một chuyến đi dài. Ngư dân Bùi Thanh Bình (thôn Châu Thuận) hớn hở: Đi hơn 2 tuần, trừ chi phí, 8 ngư dân cũng được chia 15 triệu đồng/người. Ngư dân Bùi Văn Kiếm (38 tuổi) cũng cho biết: Tàu tôi vừa mới từ Hoàng Sa chạy vô hôm qua (15.5). Do trúng luồng cá nên trừ chi phí, bình quân mỗi ngư dân trên tàu cũng được 17 triệu đồng.

img
Ngư dân Quảng Ngãi hối hả để rời bến. Ảnh chụp sáng 16.5.

Tại cảng Lý Sơn (Quảng Ngãi), chủ tàu Lê Trung Dũng (41 tuổi, ở xã An Hải, huyện Lý Sơn), cũng vừa đánh bắt tại Hoàng Sa trở về, giọng đầy hồ hởi: 10 ngư dân tụi tôi được trên 20 triệu đồng/người. Trúng lớn.

Cũng ông Dũng cho biết: “Biển đang có cá, tàu tôi về nghỉ vài ngày là ra khơi lại ngay”. Tại cảng Sa Kỳ, nhiều ngư dân đang hối hả chuyển đá lạnh, dầu, gạo, thức ăn... xuống tàu để chuẩn bị ra khơi, Ngư dân Nguyễn Văn Hải (ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh) cho biết: Dự kiến 2 ngày nữa mới đi. Nhưng thấy mấy anh em vừa trở về trúng quá nên quyết định ra khơi sớm.

Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có gần 1.000 tàu đánh bắt xa bờ, liên kết thành gần 200 tổ, đội. Để ra khơi, nhiều tàu đã liên kết thành lập các ngư đội như: Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây… Ông Mai Thành Phúc - chủ tàu KH 91539 cho biết: "Biển ta, ta cứ đánh bắt thôi. Khi có hành động gì sẽ liên lạc với tổ đội để hỗ trợ với nhau". P.V

Biển ta, ta cứ đánh bắt

Chủ tàu Trần Văn (47 tuổi, ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ) đang đậu lấy nhiên liệu tại cảng Sa Kỳ để ra khơi vào sáng 17.5, cho biết: Mấy ngày nay, vợ con ở nhà nghe thông tin Trung Quốc xua tàu xuống Hoàng Sa, Trường Sa, rồi tàu Việt Nam mình ra đó đánh bắt, cũng lo lắng.

Nhưng tôi động viên không có gì để ngại, đây là vùng biển chủ quyền của mình, bao nhiêu năm nay mình ra đó làm ăn, bây giờ cũng vậy, chẳng sao. Tuy nhiên, để tránh bị tàu hải giám Trung Quốc xua đuổi, mấy anh em chủ tàu chúng tôi tổ chức ra khơi từng tốp, mỗi tốp 3-4 chiếc tàu, thống nhất với nhau là thường xuyên liên lạc để hỗ trợ khi có điều gì xảy ra.

Ngày 16.5, tại cảng cá phường 6 (Tuy Hòa, Phú Yên) vẫn tấp nập tàu xuất, cập bến. Đại diện Hiệp hội Cá ngừ đại dương (CNĐD) Phú Yên cho biết: Trong một tuần qua, đã có trên 70 tàu câu CNĐD xuất bến từ cảng cá phường 6 để đi đánh bắt tại vùng biển Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Trong 3 ngày tới, có khoảng 50 tàu CNĐD chuẩn bị phí tổn để “đổ dầu” xuất chuyến từ cảng này.

Vừa lên tàu xuất cảng, anh Nguyễn Thanh Hiệp (chủ đầu tư kiêm thuyền trưởng tàu PY90936) nói qua điện thoại: “Có nghe biết tình hình tàu cá Trung Quốc lấn xuống Trường Sa nhưng nói thiệt anh em câu CNĐD chẳng ngại gì. Không dễ gì hù tụi tui đâu!”.

Ông Phan Thuẫn – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 nói: “Anh em tàu CNĐD vẫn đi câu bình thường, chớ có mắc mớ gì đâu. Sự trợ giúp của các lực lượng chức năng đang rất tốt, nên mình cứ ôn hòa đánh bắt trên biển của mình! Kẹt nhất là giá cá đang giảm mà sản lượng không đạt nên một số tàu phải dãn chuyến. Thế nhưng đợt này, nhờ sự hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng nên bà con vẫn mạnh dạn ra khơi. Lãi ít cũng phải xuất bến, bởi để tàu ngâm lâu một chỗ trong điều kiện nắng nóng này thì cũng dễ hư tàu. Nghề câu xa bờ mà nằm nhà cỡ một tuần là thấy “ngứa chân” lắm!”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem