Chạy bão Noru, ngư dân Quảng Bình vẫn kịp mang thuyền đầy cá vào bờ

Trần Anh Chủ nhật, ngày 25/09/2022 20:02 PM (GMT+7)
Trước dự báo cơn bão Noru sẽ ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Bình, hàng nghìn tàu cá trên địa bàn tỉnh này đã vào bờ để tránh, trú bão. Đặc biệt, mỗi tàu cá cập bến đều có khoang đầy cá.
Bình luận 0

Ghi nhận của PV Dân Việt, tại xã biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), chiều muộn ngày 25/9, rất đông tàu cá của ngư dân đã cập bến tránh bão Noru với đầy khoang cá hố, cá bò. Tranh thủ thời tiết không mưa, bà con ngư dân đã hối hả vận chuyển cá lên bờ bán cho thương lái.

Clip: Ngư dân Quảng Bình đánh tàu vào bờ tránh trú bão với đầy khoang cá.

Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Nghĩa (chủ tàu QB 93758, ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Mấy tháng nay ngư dân chúng tôi được mùa cá. Bản thân tôi có tàu cá 1015 CV, ra đánh bắt ở ngư trường xa và trúng cá hố. Đợt này tàu tôi mới đi được 10 ngày đã đánh bắt được hơn 1 tấn cá hố, tuy trúng mùa cá nhưng giá thấp, dao động từ 60.000 - `75.000 đồng/kg cá hố".

Nghe đài báo bão, ngư dân Quảng Bình đánh tàu vào bờ tránh trú với đầy khoang cá - Ảnh 2.

Tàu cá của ngư dân ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cập bến với đầy khoang cá hố. Ảnh: Trần Anh

"Khi nghe đài báo bão là tôi cho tàu vào bờ luôn, ngay sáng mai, tôi sẽ đánh tàu lên âu thuyền Bắc Roòn (ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) để neo đậu tránh trú bão", ông Nghĩa nói.

Nghe đài báo bão, ngư dân Quảng Bình đánh tàu vào bờ tránh trú với đầy khoang cá - Ảnh 3.

Ngư dân xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) hối hả vận chuyển cá lên bờ bán cho thương lái trước dự báo bão Noru sẽ ảnh hưởng đến Quảng Bình. Ảnh: Trần Anh

Còn ngư dân Lê Mạnh Cường (ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho hay: "Tàu cá của ngư dân xã Cảnh Dương cập bến gần hết rồi. Sáng mai bà con ngư dân sẽ cho tàu lên âu thuyền Bắc Ròon để tránh trú bão. Nghe đài dự báo đây là cơn bão mạnh, ảnh hưởng sẽ rất lớn nên bà con chúng tôi lo lắm".

Nghe đài báo bão, ngư dân Quảng Bình đánh tàu vào bờ tránh trú với đầy khoang cá - Ảnh 4.

Ngư dân Quảng Bình neo đậu tàu cá vào nơi an toàn trước dự báo bão Noru sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh này. Ảnh: Trần Anh

Ông Trần Xuân Tiến - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đều đã đã nắm được thông tin của bão Noru, hiện đang trên đường vào bờ, trú hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

"Về tình hình hồ chứa, 32 hồ chứa do Công ty TNHH MTV KTCT Thủy lợi quản lý hiện dung tích trung bình đạt 52%; dung tích các hồ chứa do địa phương quản lý trung bình đạt trên 48%. Tuy nhiên, hiện có 4.134 ha diện tích rau màu các loại chưa thu hoạch; diện tích thủy sản hiện đang thả nuôi 2.479,5 ha và 737 lồng", ông Trần Xuân Tiến cho hay.

Nghe đài báo bão, ngư dân Quảng Bình đánh tàu vào bờ tránh trú với đầy khoang cá - Ảnh 5.

Rất đông tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã cập bến và neo đậu để tránh trú bão Noru. Ảnh: Trần Anh

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh này thực hiện nghiêm túc công điện, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành. Theo dõi chặt chẽ các bản tin diễn biến của bão và hình thế gây mưa để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời theo phương châm "4 tại chỗ".

Khẩn trương rà soát lại số lượng tàu thuyền, kêu gọi tất cả vào bờ, sắp xếp neo đậu an toàn; thực hiện cấm biển đúng thời gian quy định; Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi và UBND các huyện, thành phố, thị xã vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn vùng hạ du; đảm bảo an toàn của các công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát các địa điểm, khu vực sơ tán dân ở khu vực thấp, trũng, ven biển, cửa sông, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng tổ chức triển khai phương án di dân. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở. Triển khai các biện pháp bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cột, tháp cao, cây xanh... để hạn chế rủi ro và thiệt hại...

Các sở, ngành, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền, thường xuyên cập nhật về diễn biến của bão và mưa lũ để các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem