Ngư dân thiếu kỹ năng sơ cứu

Huyền Trang Thứ hai, ngày 27/10/2014 08:46 AM (GMT+7)
Mưu sinh giữa biển khơi, ngư dân đối mặt với không ít rủi ro, tai nạn thương tích trên biển. Tuy nhiên, trên nhiều tàu thuyền, ngư dân không chỉ thiếu trang thiết bị y tế mà còn thiếu kỹ năng sơ cứu ban đầu.
Bình luận 0

Sơ cứu theo... kinh nghiệm

Đà Nẵng là một trong nhiều tỉnh, thành có số lượng tàu thuyền lớn.Toàn thành phố hiện có 1.289 tàu thuyền đang hoạt động tại 4 ngư trường chính là Hoàng Sa, Trường Sa, khoảng giữa Trường Sa và Hoàng Sa, ngư trường Bắc Bộ. Lực lượng ngư dân đông đảo như vậy nhưng để tìm ra được một ngư dân am hiểu về sơ cứu bị nạn, thật hiếm.

img  Ngư dân bị nạn được Trung tâm TKCN hàng hải Khu vực 2 đưa về.  

 

Chúng tôi gặp ngư dân Nguyễn Văn Hai, có kinh nghiệm đi biển hơn 20 năm, thuyền viên tàu ĐNa -90372, trú tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê (Đà Nẵng), người vừa được Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực 2 (Danang MRCC) hỗ trợ đưa về cảng Đà Nẵng an toàn ngày 12.10 do co giật, té ngã và hôn mê. Kể lại chuyện, anh nói: “Khi đang kéo cá, tôi đột nhiên cảm thấy đau đầu, đau bụng sau đó thấy choáng váng và ngã xuống. Tôi bị hôn mê suốt 2 giờ liền. Chủ tàu là anh Đinh Văn Lợi liên lạc khẩn cấp Trung tâm TKCN hàng hải Khu vực 2. Trên tàu anh em ra sức xoa bóp giữ ấm cơ thể, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm đi biển lâu năm để xử lý”.

Khi được hỏi anh xử lý chảy máu cam như thế nào, anh nói: “Thì theo kinh nghiệm, cứ ngước cổ lên cao, cho đến khi hết chảy. Còn đứt tay, chỉ cần dùng thuốc lá đắp lên chỗ bị đứt, cầm máu”.

Ông Nguyễn Văn Lưu- Giám đốc Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng, nói: “Đó là theo kinh nghiệm, thực tế, việc cầm máu cam, phải dùng tay bóp mũi và cúi đầu xuống để máu được lưu thông đều. Còn đứt tay nên dùng bằng gạc, việc đắp thuốc lá sẽ khiến vết thương bị nhiễm trùng”. Theo ông Lưu, ngư dân đi biển sơ cứu cho nhau khi tai nạn dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu khiến cho nhiều ngư dân phải đối mặt với nguy cơ sinh tử trên biển.

Hỗ trợ cần thiết cho ngư dân

Theo ông Nguyễn Văn Lưu, vừa qua, Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng phối hợp cùng Hội Nông dân các phường, quận tập huấn cho hơn 30 ngư dân đánh bắt xa bờ, bằng hình ảnh trực quan, hướng dẫn phương pháp băng bó, cứu người khi bị ngạt thở, tai biến lặn, trôi dạt trên tàu biển. Do thiếu kinh phí nên việc tập huấn chủ yếu cho thuyền trưởng, chủ tàu, còn nhiều ngư dân vẫn chưa được tiếp cận.

“Tôi đã từng xuống tận thuyền của ngư dân trong chuyến đi đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), hướng dẫn họ cách dùng tủ thuốc y tế, máy ICOM, tuy nhiên rất nhiều ngư dân chỉ biết vài loại thuốc thông thường được ghi hướng dẫn sẵn trong mỗi lọ, còn nếu gặp trường hợp đuối nước, nổ mìn cá, ngư dẫn vẫn lắc đầu”- ông Lưu chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Hậu – Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà thì bày tỏ: “Toàn phường hiện có 34 tàu với tổng công suất 11.435CV, số ngư dân đi biển khoảng 400/17.700 khẩu. Tuy nhiên, chưa tới 10 ngư dân được tập huấn sơ cứu và tủ thuốc y tế chỉ được trang bị cho 21 chiếc tàu trên 90CV”. Theo ông Hậu, nguyên nhân là do ngư dân đi thuyền theo đợt, không thể tập trung lại hết. Đến khi kêu gọi tập huấn cả thuyền chỉ có chủ tàu đi nhận thuốc, áo phao.

Ông Nguyễn Đỗ Tám – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng cho biết: “Trong tình hình biển phức tạp, các tàu sẽ vào cập cảng để tránh bão, việc hướng dẫn sơ cứu ngư dân bị nạn vẫn được Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng phối hợp tổ chức”.

   Tính đến nay, tại Đà Nẵng đã có 250 ngư dân tham gia buổi tuyên truyền biển đảo phối hợp nghe về kỹ năng sơ cứu. Tuy nhiên về tập huấn chuyên về tai nạn biển chỉ… nằm trên ý tưởng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem