Ngư dân xuất ngoại, nằng nặc đòi về

Thứ hai, ngày 25/04/2011 06:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thông tin về hai chiếc tàu đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi được cấp phép xuất ngoại đánh cá tại Indonesia khiến nhiều ngư dân phấn khởi. Nhưng điều hết sức bất ngờ là mới đây các ngư dân lại nằng nặc xin về.
Bình luận 0

Ngày 3.1.2011, chiếc tàu Qng-96259 của ngư dân Lê Văn Hạnh (SN 1970) và Qng - 96279 của Bùi Thuyết (SN 1954), cùng ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi chở theo 20 ngư dân xuất cảng Sa Kỳ đi Indonesia khai thác hải sản.

img

Các ngư dân vui mừng trong ngày xuất ngoại.

Đến nước bạn, hai con tàu được sơn lại màu và gắn biển số ngoại, mang theo giấy phép khai thác thủy sản của Indonesia. Hợp đồng ngư dân đã ký với Công ty TNHH Đại Dương (văn phòng tại 643 Hùng Vương, TP.Quy Nhơn, Bình Định) có nội dung: Đảm bảo cho tàu đi khai thác hợp pháp; Ít nhất trong vòng 10 ngày kể từ khi tàu nhập cảng là có thể hoàn tất thủ tục ra khơi; Ngành nghề khai thác là câu cá ngừ đại dương.

Trước khi xuất bến, hai tàu cá Lý Sơn đã thanh toán 300 triệu đồng/tàu chi phí cấp phép cho Công ty TNHH Đại Dương.

Trục trặc bắt đầu xuất hiện khi tàu đến Indonesia. Ban đầu là chuyện tàu cá Lý Sơn cương quyết không cho nhà chức trách gắn thiết bị vệ tinh VMS lên tàu (theo quy định của nước bạn, tất cả tàu cá đều phải gắn thiết bị vệ tinh để theo dõi tọa độ đánh bắt, ngành nghề đánh bắt theo hợp đồng).

Ngoài ra, theo thỏa thuận ban đầu, khi sang Indonesia, ngoài phải đóng 3.000 USD tiền thuế tại cảng, các ngư dân phải nộp thêm 22.000 USD cho nước sở tại (tiền đặt cọc, tránh trường hợp ngư dân phá hợp đồng bỏ về). Tuy nhiên, thực tế số tiền đặt cọc mà nước sở tại đòi là 55.000 USD. Ngư dân phản ứng không nộp, trách công ty không rõ ràng và nằng nặc đòi về.

Trước hai tàu Lý Sơn có hai tàu cá của ngư dân Bình Thuận cũng ký hợp đồng với Công ty Đại Dương, sang Indonesia làm ăn nhưng đánh bắt vượt khỏi vùng biển cấp phép. Hai tàu cá này đã bị thiết bị vệ tinh gắn trên tàu "tố cáo" nên bị phạt 3.000 USD. Phải chăng đây cũng là một lý do để các tàu Lý Sơn không chấp nhận gắn thiết bị vệ tinh lên tàu?

Cũng cần lưu ý, các ngư dân Lý Sơn đăng ký sang nước bạn để câu cá ngừ đại dương, trong khi nghề chủ lực của họ là lặn hải sâm. Phải chăng, các ngư dân đăng ký một nghề nhưng ý định làm nghề khác, và vì vậy mà sợ gắn thiết bị vệ tinh?

Vừa qua, ông Đỗ Anh Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương- đã đến Quảng Ngãi làm việc với các cơ quan chức năng. Về việc tiền cọc tăng lên như ngư dân phản ứng, ông Dũng giải thích là do Bộ Tài chính Indonesia ban hành văn bản mới vào cuối năm 2010, tăng tiền cọc từ 22.000 USD thành 55.000 USD. Tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị ông Dũng thuyết phục ngư dân nên dàn xếp ổn thỏa để ở lại Indonesia đánh cá và phải chấp hành nghiêm pháp luật của nước sở tại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem