Ngược dòng số phận

Chủ nhật, ngày 28/08/2011 06:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Dù lành lặn hay khiếm khuyết nhưng điều quan trọng nhất là phải gắng sống cho có ích, để mọi người xung quanh nhận ra giá trị của ta...” - tôi thường dùng chính câu chuyện về cuộc đời mình để động viên cho những số phận không may mắn ở Mái ấm nuôi dạy trẻ em khuyết tật TP.Việt Trì (Phú Thọ) mỗi khi có dịp đến thăm các em.
Bình luận 0

Từ một thanh niên khỏe mạnh bỗng trở thành tàn phế, tôi từng có những tháng ngày lay lắt sống trong tột cùng thất vọng. Nhờ đức tin “cuộc đời không lấy đi của ai tất cả...”, tôi đã vượt qua nỗi đau, mặc cảm để có ngày hôm nay.

Tôi là con trai duy nhất trong một gia đình có bố mẹ là công chức nhà nước. Chuẩn bị tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội, tương lai tươi sáng đang rộng mở thì tai nạn ập đến với tôi trong một chuyến đi biển cùng bè bạn. Tỉnh dậy ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong trạng thái bất động, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị liệt tứ chi, vẹo cột sống và liệt tủy...

img
Anh Phạm Công Hoàng và vợ .

“Còn nước còn tát”, có bao nhiêu tài sản bố mẹ bán hết để đưa tôi đi khắp các bệnh viện lớn ở Hà Nội, nhưng bệnh tình không biến chuyển. Nhìn những giọt nước mắt của người thân cạn dần, tôi như bị rơi vào trạng thái trầm uất: “Nếu cứ thế này thì sống cũng bằng thừa, chi bằng chết đi cho bố mẹ đỡ khổ”.

Sau lần thứ hai tự tử bằng thuốc ngủ không thành, tôi ngộ ra ý nghĩa quý giá của sự sống. Tôi tìm đến cầu cứu các thầy thuốc ở Công ty Đông nam dược Bảo Long. Những bài thuốc đông y cổ truyền cùng sự tập luyện chăm chỉ đã giúp sức khỏe tôi dần bình phục.

Đôi chân đã liệt hẳn nhưng trí tuệ tôi dần bình phục, sức khỏe cũng khá hơn, chỉ có bàn tay để gõ phím máy tính vẫn co quắp chỉ cử động được duy nhất một ngón tay cái. Ngày lại ngày, tôi tự nhủ phải tìm lại cho mình những kĩ năng cơ bản về máy tính để nuôi hy vọng cho tương lai và tôi đã thành công.

Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của bố mẹ, người thân, bè bạn, đầu năm 2005, tôi mở công ty máy tính và điện thoại di động trên phố. Thương trường vốn khắc nghiệt, không có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, tôi hiểu điều đó và chọn 4 chữ “tín - đức - danh- lợi” làm phương châm kinh doanh. Người bình thường cố gắng 1 thì mình phải nỗ lực 10. Bằng thời gian tôi đã chèo lái công ty của mình ngày càng phát đạt.

Từ những ngày đầu lập công ty, lời lãi chưa bao nhiêu, tôi đã tham gia khá đều đặn các chương trình từ thiện của địa phương và trở thành người bạn, người anh thân thiết của các em nhỏ sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tàn tật TP.Việt Trì. Những món quà của tôi ngoài những suất học bổng giá trị, có khi chỉ là tập sách, hộp bút, cuốn truyện tranh, hộp bánh, gói kẹo nhưng nó chứa đựng tình yêu thương và sự sẻ chia của tôi dành cho lũ trẻ...

Giờ đây, ngẫm lại chặng đời đã qua, tôi thực sự tin vào ý chí và nghị lực của mình. Tôi đã có sự nghiệp đảm bảo cuộc sống gia đình và giúp ích cho xã hội; một mái ấm hạnh phúc với người vợ nết na cùng hai thiên thần nhỏ - một trai, một gái kháu khỉnh...

Tôi đã ngược dòng số phận thành công và chắc chắn cuộc sống sẽ còn nhiều điều kỳ diệu hơn thế.

Anh Phạm Công Hoàng (đường Hùng Vương, TP.Việt Trì, Phú Thọ).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem