Mỏi mòn chờ bồi thường
Sau buổi sáng đi làm ở công ty bảo hiểm, ông Bình lại về nhà sớm. Từ nhiều năm nay, mỗi ngày ông vẫn thường dành một buổi để có thời gian tập trung cho việc giải quyết bản án oan của mình. Ngồi trong căn nhà chật chội chỉ khoảng 12m2, ông Bình thở dài và bắt đầu câu chuyện: “Dù TAND Tối cao tuyên bố tôi không phạm tội nhưng tôi phải mất đến 8 năm trời để có được lời xin lỗi chính thức từ cấp tòa sơ thẩm TAND TP.Hà Nội. Sau ngày tổ chức xin lỗi, tôi và đại diện TAND TP.Hà Nội đã làm việc để giải quyết phần bồi thường thiệt hại. Nhưng đã 4 tháng trôi qua đến nay vẫn chưa thấy gì, chẳng biết việc này sẽ phải chờ đợi trong thời gian bao lâu”.
Sau buổi xin lỗi công khai 2 ngày, ngày 6.4.2014, ông Bình làm việc với TAND TP.Hà Nội. Tại buổi làm việc giải quyết bồi thường, ông Bình đã không yêu cầu bồi thường số tiền hơn 1,2 tỷ đồng, trong đó tiền lãi phát sinh gần 574 triệu như đơn gửi lần trước, mà chỉ yêu cầu được bồi thường số tiền gần 634 triệu đồng (bao gồm tiền tổn thất tinh thần và thu nhập thực tế bị mất, giảm sút). Tại biên bản này, phía tòa án không có ý kiến gì.
“Khoản tiền trên mới chỉ là yêu cầu bồi thường phần một, sau khi giải quyết xong tôi sẽ yêu cầu bồi thường khoản tiền mà tôi phải bán nhà để thi hành án và khoản thất thoát trong kinh doanh ở cửa hàng do vướng vào lao lý. Sở dĩ phải chia ra như vậy là do cán bộ tòa án tư vấn để dễ giải quyết. Họ nói khoản yêu cầu bồi thường đó còn phải xác minh, điều tra, cần thời gian nên để sau” - ông Bình cho hay.
Sau biên bản làm việc với tòa, những tưởng sự việc sẽ thuận lợi với ông Bình, nhưng kể từ đó cho đến nay người đàn ông bị kết án oan này vẫn không nhận được hồi âm gì. “Đã nhiều lần tôi đến tòa xin vào để hỏi việc của mình ra sao thì bảo vệ không cho vào, họ nói cán bộ bận không tiếp được. Gọi điện cho thư ký tòa thì nhận được câu trả lời hãy đợi” - ông Bình than thở.
Nói về việc đề nghị Công ty Thi công cơ giới xây lắp (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội) giải quyết chế độ vì có gần 25 năm công tác có đóng bảo hiểm, ông Bình ngán ngẩm: “Mỗi lần lên gặp chánh văn phòng công ty và cán bộ phòng tổ chức của tổng công ty, các anh đều nhiệt tình tiếp đón. Nhưng nói đến việc giải quyết chế độ, các anh ấy đều bảo phải chờ cấp trên quyết. Nguyện vọng của tôi là công ty không bố trí được công việc mới thì cho nghỉ hưu, việc này tôi đề nghị từ hơn chục năm nay nhưng công ty vẫn không chịu giải quyết”.
Bản án giải oan nửa vời gây khó cho dân
Bản án phúc thẩm ngày 5.1.2001, của TAND Tối cao tại Hà Nội khẳng định ông Phạm Đức Bình không phạm tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, không sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng về phần dân sự tòa lại buộc ông Bình phải trả 11 triệu đồng cho công ty và trả hơn 200 triệu đồng tiền nợ 3 đơn vị mà cửa hàng ông Bình phụ trách đã mua hàng, gồm Cửa hàng kim khí số 20 (Công ty Kim khí Hà Nội); Công ty Xây dựng Tây Hồ và Xí nghiệp Xây lắp số 4.
Kết luận phải bồi thường mà tòa đưa ra đầy mâu thuẫn với phần phân tích trong bản án, rằng Phạm Đức Bình không chiếm đoạt số tiền đã bán hàng của 3 đơn vị kể trên và cũng không sử dụng số tiền trên trả nợ hoặc mua hàng của các đơn vị khác. Tại tòa phúc thẩm ông Bình khai sau khi mua 3 lô hàng của 3 đơn vị trên nhập vào cửa hàng, ông Bình bị tai nạn giao thông phải đi bệnh viện điều trị. Ông không bán và không thu tiền 3 lô hàng kể trên. Khi về thì cửa hàng đã bị giải thể, không được đối chiếu sổ sách nên không biết ai đã bán và mua số hàng đó.
Tại phiên tòa, Tạ Thúy Nga (vốn là kế toán cửa hàng, người bị truy tố cùng ông Bình và bị tuyên 24 tháng tù cho hưởng án treo về tội tham ô tài sản) thừa nhận lời khai của ông Bình là đúng. Tạ Thúy Nga có khai rằng cùng anh Mong, chị Cải bán số hàng trên có viết hóa đơn thu tiền. Trong đó có khoản Nga để ngoài sổ sách là 12 triệu đồng. Lời khai của người trong cuộc là vậy nhưng tòa vẫn đưa ra hướng giải quyết đầy mâu thuẫn với việc nhận định. Đó là khoản tiền mua sắt thép, xi măng của 3 đơn vị nói trên do ông Bình tự liên hệ giao dịch đứng tên mua và ký nhận nợ, không có sự chỉ đạo của công ty. Hành vi đó đã gây thất thoát tài sản của 3 đơn vị nói trên ông Bình phải có trách nhiệm bồi thường. Nếu sau này đối chiếu sổ sách cửa hàng xem ai đã bán hàng và thu số tiền trên thì ông Bình sẽ đề nghị công ty xem xét giải quyết.
Để đảm bảo trả nợ khoản tiền hơn 200 triệu đồng theo bản án, ông Bình đã phải bán căn nhà rộng gần 90m2 ở mặt đường khu Cầu Bươu (Thanh Trì, Hà Nội) theo lệnh phong tỏa tài sản của cơ quan thi hành án. Nhưng khi quay lại đối chiếu thì công ty không chịu vì bản án không buộc họ phải có trách nhiệm đối chiếu làm rõ việc mua bán để xem xét khoản tiền trên.
Nhiều vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội khi xem bản án phúc thẩm của ông Bình đều cho rằng: Việc tòa xác định ông Bình không phạm tội thì phải có yêu cầu làm rõ, đối chiếu sổ sách xem khoản tiền bán hàng trên ai bán, ai giữ. Trên cơ sở đó xác định người phải chịu trách nhiệm trả cho 3 đơn vị trên. Đằng này tòa lại bắt ông Bình bồi thường khoản tiền hơn 200 triệu đồng, rồi sau mới đi đối chiếu sổ sách của cửa hàng để biết ai bán hàng, để đề nghị công ty giải quyết. Nhưng phần quyết định trong bản án tòa lại không buộc công ty phải có trách nhiệm cùng ông Bình rà soát sổ sách để xác định "tung tích" số tiền hơn 200 triệu đồng. Với cách giải quyết trên dù cho người bị án oan thoát khỏi vòng lao lý nhưng lại rơi vào thiệt hại khác. Để rồi người dân lại vất vả, gian truân để đi đòi quyền lợi của mình.
1 năm ngóng chờ khoản bồi thường 21 tỷ đồng
Ông Lương Ngọc Phi - một người bị kết án oan ở quê lúa Thái Bình đã kiện TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường 600 triệu đồng về các khoản thiệt hại về tổn thất tinh thần và thu nhập thực tế bị mất sau 35 tháng bị giam oan. Sau đó ông Phi tiếp tục kiện đòi bồi thường thiệt hại về tài sản, yêu cầu bồi thường 27 tỷ đồng. Năm 2008, TAND TP.Thái Bình thụ lý vụ án. Sau nhiều lần phiên tòa mở ra nhưng bị hoãn, mãi đến tháng 8.2013, được mở và bản án được tuyên. Theo đó TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi số tiền 21 tỷ đồng. Bản án có hiệu lực thi hành, tuy nhiên đã 1 năm trôi qua ông Phi vẫn chưa nhận được đồng nào từ khoản bồi thường trên.
Theo luật sư Trần Văn Long (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), khoản 1 Điều 20 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước quy định: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc việc thương lượng, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định giải quyết bồi thường”.
Còn Điều 54 của luật này quy định về trình tự, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chuyển ngay hồ sơ đề nghị bồi thường đến cơ quan tài chính cùng cấp; trường hợp là cơ quan hưởng kinh phí từ ngân sách trung ương thì chuyển hồ sơ đến cơ quan quản lý cấp trên. Trong thời hạn 10 ngày, từ ngày được hồ sơ đề nghị bồi thường hợp lệ thì cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp kinh phí cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường để chi trả cho người bị thiệt hại. Sau khi nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp, trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện việc chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của người bị thiệt hại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.