Trong tiết trời ấm áp của tháng 3 Hà Nội, Ban liên lạc Trại giam tù binh Phú Quốc đã tổ chức cuộc gặp mặt đầy xúc động với gần 1.300 cựu tù nhân cộng sản là người Hà Nội đã từng bị địch giam giữ tại nhà tù Phú Quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. 40 năm đã trôi qua, nhưng câu chuyện phi thường về những con người dạ sắt, gan vàng tại “địa ngục trần gian” vẫn khiến chúng ta cảm phục.
Chúng tôi may mắn được trò chuyện với ông Nguyễn Tài Triệu, người cựu binh đã bị địch bắt và bỏ mặc với vết thương hoại tử phải 3 lần cưa chân đến háng nhưng vẫn một lòng kiên trung với lý tưởng cách mạng.
Người cựu tù binh năm xưa giờ đã ngoại lục tuần. Dù bước đi đã chậm chạp và khó khăn, đôi tai nghe không còn rõ, nhưng ông vẫn nhiệt tình, hào hứng kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời làm lính của mình.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2013/images/2013-04-02/1434785742-020413_ths_ctbnx2_dan-viet.jpg) |
Người cựu tù binh đang đọc lại những hồi ức năm xưa. |
3 lần bị cưa chân khi chưa đầy 20 tuổi
Tháng 5.1965, chàng thanh niên Hà Nội Nguyễn Tài Triệu, khi ấy mới 16 tuổi, đã trốn bố mẹ, khai tăng 2 tuổi để được đi bộ đội theo phong trào "Ba sẵn sàng". Sau khi nhập ngũ, ông Triệu được điều về đơn vị pháo cối 120 và hành quân vào Nam chiến đấu. Tháng 6.1966, ông đã bị bắt trong trận đánh ấp Hòa Trị, thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên với vết thương giập đầu gối.
Ông Triệu nhớ lại những ngày tháng gian khổ ấy: “Tôi bị thương nặng, mảnh rốc-két phạt vào bắp vế chân phải. Xương mác gãy nát nhưng xương ống chân vẫn còn nguyên. Máu ra nhiều, tôi ngất xỉu. Mãi đến khi tụi lính địch dùng câu liêm có cán dài, móc vào người kéo tôi, tôi mới tỉnh lại và biết mình đã bị địch bắt.
Trực thăng chở tôi về thị xã Phú Yên. Địch để tôi nằm trên băng-ca, đưa vào một căn phòng nhỏ, tối và ẩm thấp. Chúng “ga-rô” chân phải của tôi bằng một sợi dây cao su cắt từ chiếc săm xe đạp cũ. Bị thương nặng, bị đánh, không còn sức giãy giụa nên tôi lịm dần. Sau đó, chúng cho người đến tiêm thuốc.
Tỉnh lại, chúng lại tiếp tục tra hỏi nhưng tôi chỉ trả lời một câu duy nhất: “Không biết”. Không khai thác được gì, chúng “ga-rô” chân tôi cho tới ngày hôm sau, vết thương bị nhiễm trùng nặng, bị hoại tử. Chân phải của tôi đã bị cưa tới 3 lần, cụt gần đến háng.
Tháng rưỡi sau, khi vết thương còn mưng mủ, địch đã tống tôi vào tù - nơi mà chúng gọi là trại tù phiến cộng Hố Nai - Biên Hòa. Lúc đó là tháng 7.1967, tôi chưa đầy 20 tuổi”.
Tại đây, dù không biết ngoại ngữ nhưng ông đã thuộc lòng câu tiếng Anh "bồi" "Tôi là người tù binh" để đấu tranh trực diện với các sĩ quan tâm lý chiến ngụy và các cố vấn Mỹ, bắt địch phải công nhận ông và đồng đội là tù binh và được hưởng quy chế tù binh.
Qua thử thách, rèn luyện trong công tác, đấu tranh tại lao tù, ông Triệu đã được tổ chức tin tưởng, bố trí giao nhiệm vụ làm liên lạc cho Đảng ủy ở khu A, khu B nhà tù Hố Nai - Biên Hòa và phân khu D9 - nhà tù Phú Quốc.
Trong thời gian đó, ông cùng đồng đội chống việc bị địch đàn áp, chống chào cờ, chống gọi là tù phiến cộng (chưa được coi là tù binh và bị địch đối xử như với loài súc vật), chống việc làm công trình quốc phòng… Mỗi lần đấu tranh là một lần bị địch tra tấn và đã có rất nhiều người đổ máu.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2013/images/2013-04-02/1434785742-020413_ths_ctbnx1_dan-viet.jpg) |
Ông Triệu hạnh phúc bên các cháu. |
Ông Triệu bồi hồi nhớ lại: “Đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, chắc chắn tôi vẫn nhớ rõ như in buổi kết nạp Đảng đặc biệt tại B18 (phòng 18) khu A nhà tù Hố Nai. Sáng ngày 20.7.1970, lễ kết nạp Đảng cho tôi diễn ra chỉ trong vài phút với đầy đủ các nghi lễ nhưng nói ngắn gọn bằng miệng.
Để giữ bí mật, chúng tôi phải nằm ngửa trên nền bê-tông, dưới gầm sạp cao 0,5 mét so với nền nhà, phía trên là lá cờ búa liềm được vẽ bằng than. Lúc đấy, tôi vô cùng xúc động, tự hào vì được trở thành Đảng viên. Tôi đã giơ tay thề trước cờ Đảng: “Hy sinh đến giây phút cuối cùng vì Đảng, vì dân”.
Nước mắt ngày trở về
Ngày 15.2.1973, sau 6 năm bị tù đày, ông Triệu đã được trao trả tự do tại sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Sau ngày đất nước thống nhất, ông làm việc tại Nhà in Ngân hàng cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2007.
Ông tâm sự: “Năm 1973, tôi ra tù, lúc đó mới có 24 tuổi, đi khám bác sĩ bảo chân của tôi ngắn quá nên không lắp được chân giả. Lúc đó, tôi thực sự thấy buồn, thấy lo lắng vì không biết có đi lại được không. Về sau, khi đã dần hòa nhập với cuộc sống, nỗi đau cũng nguôi ngoai”.
Những thương tích của chiến tranh để lại khiến cho những bước đi của ông phần nào gặp khó khăn. Tuy vậy, ông vẫn phụ giúp vợ làm việc nhà và trông mấy đứa cháu ngoại giúp con gái. Ông cười bảo đó là niềm hạnh phúc rất giản dị của những người đã bước vào tuổi ngoại lục tuần.
Vợ ông là bà Hoàng Thị Oanh - một phụ nữ Hà Nội hiền lành ở Thanh Xuân, Hà Nội. Bà đã cùng ông chịu đựng những ngày gian khó để nuôi dạy các con nên người, chăm sóc ông những lúc trái gió trở trời bị vết thương hành hạ.
Bà chia sẻ: “Hồi đó, chúng tôi làm việc cùng cơ quan, thấy hợp nhau nên quyết định làm đám cưới. Nhiều khi nghĩ lại thấy đó cũng là cái duyên, cái số. Thời của chúng tôi sao biết thế nào là yêu, về ở với nhau chỉ cốt làm sao sống cho trọn vẹn nghĩa tình để có một gia đình hạnh phúc”.
Sau 37 năm chung sống, ông bà đã có với nhau 2 người con gái. Cả hai đều đã lập gia đình. Giờ đây, trong căn nhà nhỏ được bày biện đơn sơ của hai vợ chồng ông tràn ngập tiếng cười vui của các con, các cháu.
Nhìn đứa cháu sà vào lòng ông ngoại nghe ông kể chuyện, chúng tôi thấy rõ nét hạnh phúc rạng rỡ trên khuôn mặt của người cựu binh này. Hy sinh cả tuổi thanh xuân cho cách mạng, ông Triệu không đòi hỏi gì cho bản thân. Ông chỉ luôn tâm niệm một điều là mong sao thế hệ thanh niên hôm nay và mai sau có thể hiểu, trân trọng và phát huy được tinh thần đấu tranh kiên cường của thế hệ cha anh đã chiến đấu anh dũng tại nhà tù Phú Quốc năm xưa.
Nhà tù Phú Quốc - “địa ngục trần gian”
Chỉ trong vòng 6 năm, từ năm 1967 - 1973, nhà tù này đã giam giữ gần 40.000 lượt tù binh là những chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang và cán bộ hoạt động cách mạng.
Phần lớn những chiến sĩ bị tù đày ở đây đã vượt qua mọi thủ đoạn tra tấn dã man của kẻ thù, đấu tranh kiên cường cho đến ngày trở về trong tư thế hiên ngang của người chiến thắng.
Tại nơi đây, hơn 4.000 người đã bị kẻ địch sát hại, anh dũng ngã xuống với khí phách hiên ngang, ý chí cách mạng kiên cường.
Thực hiện Hiệp định Paris, từ ngày 15.3.1973, chính quyền Sài Gòn buộc phải thực hiện việc trao trả tù binh Phú Quốc và đó cũng là ngày đánh dấu cảnh “địa ngục trần gian” tại hòn đảo này vĩnh viễn bị xóa tên.
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.