Huyện có lịch sử hình thành đặc biệt từng thuộc 5 tỉnh, thành, sau sáp nhập sẽ "cất cánh" nhờ những điều này

Tường Thụy Thứ tư, ngày 26/03/2025 11:08 AM (GMT+7)
Cần Giờ nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50km. Đường bộ từ trung tâm Thành phố đến Cần Giờ phải đi qua phà Bình Khánh nhưng kỳ vọng sẽ kết nối bằng đường sắt đô thị. Được sáp nhập vào TP.HCM năm 1978, Cần Giờ hiện nay được kỳ vọng sẽ cất cánh mạnh mẽ.
Bình luận 0

Theo quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, Cần Giờ (huyện duy nhất của TP.HCM có đường bờ biển) sẽ trở thành đô thị sinh thái, bảo tồn khu dự trữ sinh quyển; tập trung phát triển kinh tế biển, đặc biệt là dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và khu thương mại tự do, vận tải logistics, du lịch, đô thị sinh thái biển…

Mới đây nhất, Tập đoàn Vingroup đã đề xuất xây tuyến metro dài 48,5km, nối đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7, TP.HCM) đến dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Dự kiến tổng mức đầu tư cho tuyến đường sắt này sẽ hơn 4 tỷ USD.

Thêm vào đó, tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Đây là dự án do liên danh Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn – Terminal Investment Limited Holding S.A đề xuất. Theo đề xuất này, "siêu dự án" có tổng vốn đầu tư 113.531,7 tỷ đồng; tiến độ thực hiện 22 năm theo 7 giai đoạn, trong đó đầu tư xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2024, hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành vào năm 2045.

Huyện có lịch sử hình thành đặc biệt từng thuộc 5 tỉnh thành, sau sáp nhập sẽ "cất cánh" nhờ những điều này - Ảnh 1.

Rừng ngập mặn Cần Giờ được ví như lá phổi xanh của TP.HCM. Ảnh: Tường Thụy

Các kế hoạch và dự án như vậy sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội phát triển rất lớn, không những thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Cần Giờ và TP.HCM mà còn tạo thêm sức mạnh cộng hưởng cho khu vực Đông Nam bộ và cả nước.

Cần Giờ qua các giai đoạn thay đổi hành chính và sáp nhập

Khu vực Cần Giờ trước đây có nhiều làng chài, cư dân chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy sản, khai thác muối, trồng rừng ngập mặn và thu hoạch các sản phẩm từ rừng ngập mặn như cua, hàu… Nhiều loài cây trong rừng ngập mặn có thể làm thuốc như cây ô rô, cây lức, cây chùm gọng, cây xu, cây quao…

Huyện có lịch sử hình thành đặc biệt từng thuộc 5 tỉnh thành, sau sáp nhập sẽ "cất cánh" nhờ những điều này - Ảnh 2.

Rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM). Ảnh: Tường Thụy

Trước năm 1956, Cần Giờ thuộc tỉnh Gia Định, một trong những tỉnh quan trọng ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Năm 1956, chính quyền lúc đó sáp nhập Cần Giờ vào tỉnh Long An. Tuy nhiên, vào năm 1957, Cần Giờ lại được chuyển về tỉnh Gò Công, nay thuộc Tiền Giang.

Sau ngày 30/4/1975, các tỉnh miền Nam được sắp xếp lại địa giới hành chính. Năm 1976, Cần Giờ được nhập vào tỉnh Đồng Nai và trở thành một huyện ven biển quan trọng của Đồng Nai; từ 1978 đến nay là huyện thuộc TP.HCM theo quyết định của Chính phủ vào cuối năm ấy. Đây là một bước đi quan trọng vào thời điểm đó nhằm tiếp tục mở rộng không gian phát triển cho TP.HCM, đồng thời đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế biển của Cần Giờ.

Ý nghĩa từ việc sáp nhập Cần Giờ vào TP.HCM

Việc sáp nhập Cần Giờ giúp TP.HCM có được huyện biển duy nhất nhằm tạo điều kiện để phát triển kinh tế biển và du lịch. Trong đó, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ đóng vai trò "lá phổi xanh" quan trọng cho cả thành phố: Rừng ngập mặn Cần Giờ trở thành Khu Dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam được tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc công nhận vào năm 2000, là khu rừng trồng tập trung phục hồi lớn và đẹp nhất Đông Nam Á.

Cần Giờ có vị trí chiến lược, là cửa ngõ ra biển Đông của TP.HCM. Vì vậy, trong tương lai sẽ có một tuyến đường dài khoảng gần 46km từ TP.HCM nối các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, vượt biển Cần Giờ để kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu qua hệ thống cảng biển ở Cái Mép - Thị Vải, hình thành tuyến giao thông liên vùng ven biển phía Nam đoạn qua TP.HCM.

Cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu gồm nhiều cảng container quốc tế như Gemalink cảng CMIT, TCIT, TCCT, cảng SP-PSA, cảng SITV và cảng container Cái Mép. Trong đó, cảng CMIT lần đầu tiên đón tàu container lớn nhất thế giới vào tháng 10/2020 đến làm hàng: Tàu Margrethe Maersk quốc tịch Đan Mạch với chiều dài gần 400m (tương đương chiều dài 4 sân bóng đá) và sức chở lên đến 18.340 container loại 20 feet.

Theo quy hoạch Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia. Trong đó, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải giữ vai trò then chốt, cửa ngõ trung chuyển quốc tế lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế. Trong phương hướng phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ, việc tiếp tục phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải được gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu và hành lang kinh tế xuyên Á.

Trong bối cảnh đó, tuyến đường bộ ven biển phía Nam dự kiến dài 46km đi ngang Cần Giờ được kỳ vọng sẽ là động lực lớn để thay đổi diện mạo cả vùng kinh tế rộng lớn.

Như vậy, huyện đảo từng trực thuộc 5 địa phương sắp tới sẽ trở thành một trung tâm kinh tế biển chiến lược của TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả vùng kinh tế lớn Đông Nam bộ.

Các công trình giao thông trọng điểm sẽ giúp Cần Giờ cất cánh sau quá trình sáp nhập sắp tới

1. Cầu Cần Giờ thay thế phà

Dự kiến khởi công năm 2025, cầu Cần Giờ sẽ thay thế phà Bình Khánh, giúp kết nối trực tiếp Cần Giờ với trung tâm TP.HCM. Các phương tiện đường bộ sẽ qua cầu mà không phải đi phà nữa.

Với chiều dài khoảng 3,9km, cầu Cần Giờ sẽ nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ qua sông Soài Rạp, giúp giảm thời gian di chuyển từ Cần Giờ đến trung tâm TP.HCM xuống còn khoảng 40 phút thay vì hơn 1 tiếng như hiện nay. Cầu Cần Giờ sẽ thúc đẩy du lịch, bất động sản và dịch vụ, giúp thu hút nhà đầu tư đến với huyện duyên hải này.

2. Đường ven biển 826E kết nối Cần Giờ với Long An

Tuyến đường ven biển này giúp kết nối khu du lịch Cần Giờ trực tiếp với các tỉnh miền Tây vì tỉnh Long An là cửa ngõ vào Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, tạo thêm điều kiện phát triển kinh tế biển và dịch vụ logistics.

3. Tuyến metro từ quận 7 đến Cần Giờ

Theo đề xuất của Vingroup, dự kiến dự án sẽ cần hơn 4 tỷ USD. Dự án thiết kế loại đường đôi, khổ đường 1,435m đang phổ biến trên toàn thế giới, sẽ đi trên cao với tổng chiều dài khoảng 48,5km. Trên tuyến dự kiến có một depot được xây dựng ở quận 7 và một depot khác tại xã Long Hòa, Cần Giờ. Khi hoàn thành, tuyến metro có khả năng chuyên chở 30.000-40.000 người mỗi giờ trên mỗi hướng (nhờ thiết kế đường đôi, không phải đường chiếc như hệ thống đường sắt Bắc - Nam hiện nay).

Theo mục tiêu của TP.HCM, từ nay đến năm 2035, thành phố sẽ hoàn thành 7 tuyến dài 355km (gồm nối dài metro Bến Thành - Suối Tiên và từ số 2 đến số 7). Giai đoạn 10 năm sau đó, các tuyến số 8, 9 và 10 cũng được xây dựng hoàn thành. Tổng mức đầu tư 10 tuyến metro này ước tính khoảng 67 tỷ USD.

Tuyến đường sẽ giúp Cần Giờ dễ dàng kết nối với các quận trung tâm TP.HCM và sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), là dự án mang tầm quốc gia và dự kiến cơ bản hoàn thành cuối năm 2025.

4. "Siêu" cảng trung chuyển quốc tế và Khu đô thị lấn biển Cần Giờ

Với vị trí chiến lược, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không chỉ rút ngắn quá trình vận chuyển và giảm mạnh chi phí logistics của hàng hóa nội địa mà còn mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực logistics phát triển.

Huyện có lịch sử hình thành đặc biệt từng thuộc 5 tỉnh thành, sau sáp nhập sẽ "cất cánh" nhờ những điều này - Ảnh 3.

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh T.L

Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được kỳ vọng giúp hàng hóa Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào trung chuyển qua Singapore, tạo ra những tuyến vận chuyển hàng đi thẳng quốc tế từ Việt Nam và gia tăng đáng kể năng lực cạnh tranh của hàng hóa nội địa trên thị trường quốc tế.

Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ với quy mô hơn 2.870ha sẽ tạo ra một trung tâm đô thị - du lịch - thương mại tầm cỡ quốc tế. Mới đây, trong tháng 3 này, UBND TP.HCM đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạng mục lấn biển thuộc dự Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh.

Huyện có lịch sử hình thành đặc biệt từng thuộc 5 tỉnh thành, sau sáp nhập sẽ "cất cánh" nhờ những điều này - Ảnh 4.

Hình phối cảnh Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Ảnh T.L

Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ được UBND TP.HCM duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 đầu năm 2025. Theo quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư tháng 6/2020, dự án được tăng quy mô từ 600ha lên 2.870ha. Tổng vốn đầu tư hơn 217.050 tỷ đồng (tương đương gần 9 tỷ USD), trong đó vốn chủ sở hữu gần 33.000 tỷ. Dự án hoạt động 50 năm, tiến độ triển khai trong 11 năm.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công trước ngày 30/4/2025. Hiện nay, dự án ở Cần Giờ đã hoàn tất các khâu phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem