Người bảo tồn các giá trị văn hóa Cao Lan ở vùng đất du lịch xứ Lạng
Người bảo tồn các giá trị văn hóa Cao Lan ở vùng đất du lịch xứ Lạng
Thanh Tùng
Thứ ba, ngày 01/06/2021 07:58 AM (GMT+7)
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dải đất hình chữ S với bề dày văn hóa phong phú đã và đang là niềm tự hào của người Việt. Suốt 41 năm qua, có một người đàn ông vẫn miệt mài tìm kiếm, sưu tầm các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Cao Lan.
Người đi tìm các bô lão của dân tộc Cao Lan để ghi chép về tục "Gửi đất"
Lạng Sơn là vùng đất không chỉ nổi tiếng với các cửa khẩu, giao thương với Trung Quốc mà nơi đây còn nổi tiếng với sự đa dạng và phong phú về các phong tục, văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc anh em khác nhau, đây cũng là nét đặc trưng để thu hút khách du lịch khi đến với xứ Lạng.
Nếu như khách du lịch về thôn Minh Tiến, xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), sẽ không khó để biết ông Ninh Xuân Nhật, bởi ông nổi tiếng với cả vùng du lịch xứ Lạng là người đàn ông sưu tầm và gìn giữ văn hóa dân tộc.
Nương theo sự nổi tiếng của ông, tôi đã có cuộc hẹn với ông trên chính mảnh đất du lịch mà ông yêu quý. Trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Cao Lan, ông Ninh Xuân Nhật chia sẻ cho tôi nghe một cách đầy tự hào. Tuy đã bước sang tuổi 70, nhưng tôi vẫn nhận thấy ở ông sự tuệ mẫn và hăng say.
Hồi tưởng lại câu chuyện cuộc đời, ông kể: "Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông, được lớn lên trong tình yêu thương của bà, của mẹ, được nuôi sống bằng lời ru, câu hát, nên từ nhỏ, tình yêu với quê hương và con người đã thấm đượm. Thuở thiếu thời, khi được tham gia các công việc và nghi lễ trong đám tang của người Cao Lan, được nghe "Sình ca", biết về nghi lễ "Gửi đất", bản thân ý thức được đây là những nét văn hóa vô cùng đặc sắc và quý báu của dân tộc mình. Tôi đã quyết tâm sưu tầm, tìm hiểu để giữ gìn nét đẹp văn hóa cho quê hương".
Nghĩ là làm, trong khoảng những năm 1980 đến năm 1986, ông đã đi nhiều nơi, tìm gặp các vị bô lão của dân tộc Cao Lan để sưu tập, ghi chép về tục "Gửi đất" trong văn hóa của mình. Trải qua quá trình tìm học, ông đã sưu tầm và lưu giữ được 11 quyển (chữ Hán Nôm) ghi lại toàn bộ quá trình, nội dung nghi lễ "gửi đất" từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.
Đây là thành quả to lớn, không thể đo đếm bằng vật chất, bởi với ông đó như đứa con tinh thần đặc biệt trong suốt quá trình miệt mài đi tìm văn hóa của mình. Có được tư liệu quý nhưng ông Nhật không giữ riêng cho bản thân mình. Trong suốt nhiều năm qua, ông tận tình chia sẻ và giảng dạy cho các học trò hay bất cứ ai mong muốn tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc của người Cao Lan.
Bên cạnh việc sưu tầm các nghi lễ, người nghệ nhân còn tìm kiếm các bài hát "Sình ca" để góp phần lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Lan cho hậu thế. Nếu như cồng chiêng là nét văn hóa đặc sắc của người dân Tây Nguyên thì "Sình ca" chính là một phần không thể tách dời trong văn hóa Cao Lan.
Bằng công sức của mình, ông đãsưu tầm, tổng hợp, ghi chép lại các làn điệu dân ca truyền thống, các bài hát "Sình Ca", hát đối và các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt của dân tộc Cao Lan để lưu giữ lại cho thế hệ sau; tham gia trình diễn các phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca cổ truyền của dân tộc trong các ngày lễ, tết, các hội thi, hội diễn, kỳ liên hoan cấp cơ sở…
Trái ngọt sau những cống hiến thầm lặng bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Cao Lan
Sau bao cố gắng, những cống hiến thầm lặng của người nghệ nhân đã mang về những trái ngọt như: huy chương Bạc về hát ru dân ca năm 1998 tại cuộc thi Tiếng hát người nông dân cấp tỉnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; giấy khen của UBND huyện Hữu Lũng vì có thành tích đạt giải A với bài hát ca ngợi quê hương bằng tiếng Cao Lan năm 2003 tại Liên hoan dân ca cấp huyện…
Ngoài ra, ông còn thường xuyên cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trung ương, địa phương, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hữu Lũng, góp phần làm rõ giá trị và quảng bá rộng rãi đến đông đảo Nhân dân về văn hóa Cao Lan.
Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: "Trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Cao Lan có sự đóng góp không nhỏ của nghệ nhân Ninh Xuân Nhật. Có thể nói câu hát, điệu múa "Sình ca" từ lâu đã trở thành một phần máu thịt của đồng bào dân tộc Cao Lan.
Nghệ nhân ưu tú Ninh Xuân Nhật đã miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và thực hiện các nghi lễ của dân tộc Cao Lan hơn 41 năm nay. Hiện ông đang lưu giữ rất nhiều đầu sách cổ về văn hóa và nhiều tập sách hát Sình ca. Không chỉ có vậy ông còn miệt mài truyền dạy cho rất nhiều các thế hệ học trò, từ đóp góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa trong lĩnh vực văn hóa dân tộc Cao Lan".
Với đóng góp của mình, năm 2015, ông Ninh Xuân Nhật vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú ở loại hình "tập quán xã hội và tín ngưỡng" vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Dường như những đóng góp của ông không chỉ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Cao Lan, mà hơn thế nữa, vùng đất du lịch xứ Lạng này lại có thêm nét đặc trưng để du khách mỗi khi đến nơi đây sẽ lại trầm trồ, thán phục bởi bề dày văn hóa, sự phong phú, đa dạng mà người dân nơi, đặc biệt là ông Ninh Xuân Nhật đã và đang gìn giữ, sưu tầm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.