Người bắt hổ cuối cùng ở Thủy Ba và truyền thuyết về "ông ba chân"

Thứ tư, ngày 13/04/2011 15:49 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Con hổ đã thành tinh đó hết sức ranh mãnh, nó lùi lại ở vòng lưới trung tâm và đang trong tư thế nằm im, bỗng lao vút lên cao. Hàng chục đinh ba, giáo mác đâm trượt nó. Con hổ lao mạnh về phía đám đông...
Bình luận 0

Nằm ở phía tây bắc tỉnh Quảng Trị, có một thời làng Thuỷ Ba (xã Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Linh) nổi tiếng khắp nơi với nghề bắt... hổ.

Tương truyền thời phong kiến, trước nạn hổ dữ hoành hành, cướp mất hàng trăm mạng sống, Nhà vua đã phải ban chiếu lệnh triệu trai tráng làng Thuỷ Ba đi bắt hổ. Ngày nay, đội quân ấy còn duy nhất một người - cụ ông Nguyễn Đăng Hạp, 98 tuổi.

Miền đất lắm hổ

Dẫn chúng tôi đến gặp “tay săn hổ” nổi tiếng một thời của làng, cụ Nguyễn Thanh - bô lão 70 tuổi, tự hào: “Làng này xưa nổi tiếng về nghề bắt hổ đấy. Lớp thanh niên trai tráng trong đội quân năm xưa giờ hầu hết đã khuất bóng núi, chỉ còn lại duy nhất cụ Hạp. Dù mấy chục năm nay, núi rừng vắng bóng chúa sơn lâm nhưng cụ Hạp vẫn nhiệt tình truyền dạy ngón nghề này cho con cháu để thêm tự hào và gìn giữ cho đời sau”.

img
Cụ Nguyễn Đăng Hạp.

“Những năm 1930, miền đất phía tây Vĩnh Thủy vẫn còn ngút ngàn rừng già với lắm thú dữ sinh sống, nhiều nhất là hổ. Đêm đêm, hổ về rình rập quanh làng, bắt người và trâu, bò. Nhiều con hổ khôn ranh đến nỗi đêm đến sục vào ngay trước nhà dân, dùng đuôi gõ cửa nhà; nửa đêm đang ngon giấc, chủ nhà tưởng có người gọi cửa liền trở dậy để mở cửa là y như rằng bị hổ vồ liền...” - giọng cụ Thanh trầm bổng.

Để đối phó với thú dữ, gìn giữ cuộc sống yên ấm cho bà con, bô lão và trai tráng trong làng Thuỷ Ba họp lại bàn kế bắt hổ. Nghề bắt hổ ra đời từ đó!”.

Con cháu làng Thủy Ba hôm nay, từ trẻ đến già đều không chỉ biết đến cụ Hạp như là một chiến sĩ cách mạng có nhiều huân huy chương vì thành tích chống Pháp, Mỹ mà còn là một dũng sĩ diệt cọp đem lại bình yên cho dân làng một thuở…

Nghề công phu

Trong căn nhà nhỏ nằm cuối làng, dù đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng tiếp chuyện chúng tôi, cụ Hạp vẫn tỏ ra minh mẫn lạ thường. Kể về chuyện bắt hổ, cụ cầm viên than củi bước thoăn thoắt ra hiên nhà, vẽ trận đồ đánh hổ rất nhanh, mạnh mẽ và dứt khoát. Tầm dăm phút, trên nền đất nện, một trận đồ là những vàng lưới, đội quân trai tráng hùng mạnh cùng với những cây đinh ba, giáo mác… hiện lên.

“Lưới bắt hổ phải kết bằng dây sót (một loại cây thân leo ở rừng già, to bằng bắp tay người lớn). Dây được đập dập cho đến lúc nhũn, bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài và luộc bằng lửa than. Việc kết lưới rất công phu, sau vài tháng trời mới xong một tay lưới, với chiều dài 15-20m, cao 4-5m, ô lưới rộng 10cm…”- cụ Hạp giải thích.

Muốn bắt được cọp phải hiểu tính nết, đặc điểm của từng con cọp. Về điểm này người Thủy Ba rất rành. Căn cứ vào hướng gió, mũi cọp hay dấu cọp, người ta có thể đoán được cọp đực hay cọp cái, to đến mức nào...

Cụ Hạp cho hay, đội quân bắt hổ gồm 30 thanh niên, trai tráng có sức khỏe, lanh lợi và tinh thông võ nghệ. Sau khi đã hoàn thành việc bủa lưới bao vây con hổ, họ được bố trí vào những vị trí chiến đấu như một đội tuyển bóng đá ra sân, trong đó hai người đóng vai trò đặc biệt quan trọng là anh Cai và anh Thập.

Hai anh này có khả năng nhìn bao quát được địa hình và phán đoán chính xác sự di chuyển của con hổ. Sau phát lệnh tấn công, họ đảm nhận nhiệm vụ khép các góc lưới và tiên phong vào đè cổ, đè bụng, trói miệng hổ…

Quy phục “Ông ba chân”

Săn cọp ở Thủy Ba những năm xưa là nghề cha truyền con nối. Trai tráng khỏe mạnh thì cầm đinh ba, giáo mác, vây lưới... Người già thì bày mưu tính kế; trẻ con thì khua trống, gõ mõ; phụ nữ lo cơm nước hậu cần.

Muốn bắt được cọp phải hiểu tính nết, đặc điểm của từng con cọp. Về điểm này người Thủy Ba rất rành. Căn cứ vào hướng gió, mũi cọp hay dấu cọp, người ta có thể đoán được cọp đực hay cọp cái, to đến mức nào... Cọp ở vùng Thủy Ba khôn đến mức "thành tinh" như “Ông ba chân” cũng không thoát khỏi những người chuyên nghề "dọi đấu" (tìm dấu vết cọp) của làng Thủy Ba.

img
 

Năm 20 tuổi, nhờ có sức khỏe và tài phán đoán chính xác nên chàng trai Nguyễn Đăng Hạp được đứng vào vị trí chủ chốt của đội quân bắt hổ làng Thuỷ Ba. Qua nhiều lần tham gia bắt được hàng chục con hổ dữ, đến bây giờ kỷ niệm về lần quy phục “Ông ba chân” (hổ 3 chân) vẫn còn nguyên trong ký ức ông.

Khoảng giữa mùa thu năm 1945, chừng 1 năm sau khi bị bắn mất một chân, con hổ trở lại vùng rừng già Thuỷ Ba để tìm người trả thù. Ba lần đội quân bắt hổ Thuỷ Ba lần tìm dấu vết, tổ chức vây bắt nhưng không thành... Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông Hạp hiến kế: Thay vì bủa một vòng lưới như thường lệ, phải bủa tới 3 vòng lưới nhỏ dần ở khu rừng có hổ 3 chân.

Toàn bộ người tham gia bắt hổ với đinh ba, giáo mác sẵn sàng trong tay, án binh bất động ở vòng ngoài cùng. 3 người đứng trên 3 chòi canh cao, theo dõi con hổ cho tới khi nó đụng lưới chạy vào vòng trung tâm. Lúc này, người chỉ huy sẽ phát lệnh: Thuỷ Ba đứng dậy cho đều. Nào khép lưới, tấn công!...

Bây giờ, nghe báo đài đưa tin loài này, giống nọ bị tuyệt chủng do sự vô tâm của con người, tui chỉ ước ao được đi khắp các vùng rừng già của quê hương góp chút hiểu biết ít ỏi của mình cùng lớp trẻ bảo tồn các loài thú quý.

“Kế hoạch xem ra hoàn hảo là vậy, nhưng con hổ đã thành tinh đó hết sức ranh mãnh, nó lùi lại ở vòng lưới trung tâm và đang trong tư thế nằm im, bỗng lao vút lên cao. Hàng chục đinh ba, giáo mác đâm trượt nó. Con hổ lao mạnh về phía đám đông, mọi người dáo dác, dạt ra. Nó thực hiện thêm một cú lao, lần này nhằm thẳng vào tui.

Trong chớp mắt, tui lấy hết bình tĩnh đối phó với nó bằng một chiêu thức võ nghệ tinh luyện- người ngửa ra đằng sau, tung cú cước cực mạnh vào chỗ hiểm của cọp 3 chân. Thế là nó ngã vật ra và anh em kịp nhảy vào hỗ trợ”- cụ Hạp kể lại.

Lập được thành tích diệt hổ 3 chân, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã tặng cho dân làng Thuỷ Ba 5 con trâu cày để động viên bà con lao động, sản xuất.

Từng vào sinh ra tử trên khắp chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa để chống Pháp rồi chống Mỹ, Nguyễn Đăng Hạp lại trở về sinh sống nơi quê nhà ở cuối thôn Thủy Ba.

Cụ bộc bạch: “Ngày trước mình đánh giặc để mong dân làng thoát ra khỏi được kiếp lầm than; đánh hổ để đem lại cuộc sống bình yên cho dân làng. Còn bây giờ, nghe báo đài đưa tin loài này, giống nọ bị tuyệt chủng do sự vô tâm của con người, tui chỉ ước ao được đi khắp các vùng rừng già của quê hương góp chút hiểu biết ít ỏi của mình cùng lớp trẻ bảo tồn các loài thú quý”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem