Người bị cây dầu ở đường Nguyễn Tri Phương đè đã tử vong

Theo PLO Thứ sáu, ngày 25/09/2020 09:08 AM (GMT+7)
Nạn nhân bị cây dầu cổ thụ đè trúng trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP.HCM) đã tử vong tại bệnh viện.
Bình luận 0

Người bị cây dầu ở đường Nguyễn Tri Phương đè đã tử vong.

Ngày 25/9, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, cho biết nam nạn nhân bị cây dầu cổ thụ bật gốc, đè trúng trọng thương trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) vào chiều hôm qua đã tử vong tại bệnh viện.

Người bị cây dầu ở đường Nguyễn Tri Phương đè đã tử vong - Ảnh 1.

Cây cổ thụ bật gốc, đè trúng một người đi xe máy khiến nạn nhân tử vong. Ảnh: HT

Trước đó, khoảng 15 giờ 30 ngày 24/9, trong cơn mưa to gió lớn, cây dầu cổ thụ cao hơn 30 m, đường kính gốc gần 1 m bất ngờ bật gốc, ngã xuống ở đường Nguyễn Tri Phương (quận 10).

Cây đổ, đè trúng một người đi xe máy trên đường. Nạn nhân được người dân đưa đi bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Chẩn đoán ban đầu là chấn thương sọ não.

Mặc dù được đội ngũ y bác sĩ cố gắng cứu chữa nhưng người này đã qua đời vào rạng sáng 25/9.

Nạn nhân có được bồi thường?

Thạc sĩ Huỳnh Thị Nam Hải, giảng viên trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM cho biết: Điều 604 BLDS 2015 về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, quy định Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.

Tuy nhiên, cần lưu ý trong một số trường hợp, dù thiệt hại có xảy ra nhưng người bị thiệt hại sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng (theo quy định tại khoản 2 Điều 584 BLDS).

Theo như diễn biến vụ việc này, người quản lý có thể nêu lý do cây gãy đổ là bất khả kháng (vì ngày hôm qua TP.HCM có mưa to). Tuy nhiên cần lưu ý rằng, để xác định trường hợp cây xanh gãy đổ do mưa bão gây thiệt hại có phải là trường hợp bất khả kháng hay không, cần phải xác định xem cơ quan có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa (như có biện pháp cắt tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ…).

Nếu họ đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng.

Ngược lại, nếu cá nhân, tổ chức có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh chưa áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn thì không được xem là do bất khả kháng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem