Trong số các luật được công bố, đáng chú ý có Luật Trưng cầu ý dân. Giới thiệu về Luật này, ông Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam (cơ quan chủ trì soạn thảo Luật) cho biết: Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Ông Lê Minh Tâm giới thiệu Luật Trưng cầu ý dân
Luật cũng quy định rõ: Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền đi bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Trường hợp người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người bị tòa tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri để đi trưng cầu.
Đối với người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi người đó đang bị tạm giữ, tạm giam, nơi cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Về phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân, Luật quy định trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước. Các vấn đề được trưng cầu là toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng trong Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia VN Lê Minh Tâm cho biết thêm, kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra để trưng cầu và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Để kết quả trưng cầu đúng với ý chí nguyện vọng của nhân dân, Luật quy định: Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành sẽ có giá trị thi hành. Riêng đối với trưng cầu về Hiến pháp phải được 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành mới có giá trị.
Bên cạnh Luật trưng cầu ý dân còn có các Luật, Nghị quyết khác được công bố là: Luật Phí và Lệ phí; Luật An toàn thông tin mạng; Luật Kế toán; Bộ luật Hàng hải; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Thống kê; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Khí tượng thủy văn; Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức thương mại thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.