Trình Quốc hội dự thảo Luật Trưng cầu ý dân: “Đừng để có luật mà không áp dụng”

Ngọc Lương (thực hiện) Thứ sáu, ngày 29/05/2015 06:50 AM (GMT+7)
Phóng viên NTNN trao đổi với ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) về một số vấn đề xung quanh dự thảo Luật Trưng cầu ý dân (TCYD) sau khi dự thảo luật này được trình ra Quốc hội ngày 28.5.
Bình luận 0

Những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định TCYD trong dự thảo luật chỉ nêu nguyên tắc chứ không nêu rõ những vấn đề nào, như vậy sẽ khó xác định việc nào là quan trọng phải TCYD và luật sẽ khó thực hiện, thưa bà?

- Trong Hiến pháp đã quy định giao Quốc hội quyết định các vấn đề cần trưng cầu ý dân thì luật phải xây dựng làm sao thể hiện được quan điểm của Hiến pháp là một việc khó chứ không dễ. Bởi quy định như thế nào để không trái với Hiến pháp mà đảm bảo việc thực thi, còn quy định mà đúng Hiến pháp nhưng lại không thực hiện được cũng không nên.

 

img

“Khi người dân đã lựa chọn rồi thì lựa chọn đó là quyết định cuối“ - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm trả lời phóng viên NTNN. (Ảnh:  Ngọc Châu)

Theo tôi nghĩ, để thỏa mãn thực tiễn là khó vì ở hai góc độ. Thứ nhất quy định quá cụ thể trong luật thì có thể sẽ gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, ngược lại không ghi những yêu cầu, việc, tên việc cụ thể phải TCYD thì có khi có luật lại không bao giờ có việc phải TCYD.

Những việc có thể ghi vào luật là những vấn đề liên quan đến Hiến pháp như liên quan đến quyền con người (có thể không quy định cụ thể quyền gì vì rất nhiều) thì Quốc hội phải tính toán đến việc có TCYD hay không. Điều đó có nghĩa là kể ra những việc lớn, liên quan đến đông đảo người dân và cần có quyết định trực tiếp của người dân, hay nói cách khác là để người dân có quyền lựa chọn và quyền lựa chọn đó cần thiết phải được tôn trọng. Khi người dân đã lựa chọn rồi thì lựa chọn đó là quyết định cuối.

Chính vì thế tôi nghĩ cũng nên quy định một số việc lớn như vậy vào luật, chứ không chỉ nêu nguyên tắc chung. Quy định nguyên tắc thì đúng rồi nhưng vẫn phải quy định các việc để khi có những việc như vậy Quốc hội phải nghiên cứu, xem xét có TCYD hay không về việc đó. Quy định nguyên tắc là cần thiết nhưng tôi lo sẽ khó đi vào thực tiễn, dẫn đến có luật nhưng luật đó không khi nào phải sử dụng, như vậy thì rất tiếc.

Dự thảo luật quy định các cuộc TCYD được thực hiện trên phạm vi cả nước nhưng có những việc quan trọng với người dân nhưng chỉ ở tầm địa phương, vậy cũng nên quy định để địa phương được TCYD thưa bà?

- Tôi nghĩ cơ quan thẩm tra và Ban soạn thảo có lý do khi đưa ra phạm vi như vậy nhưng tôi nghĩ theo hướng linh hoạt hơn. Có vấn đề mang tầm quốc gia, tầm ảnh hưởng và giá trị của sự việc đó ở tầm quốc gia nhưng phạm vi tác động đến quyền và lợi ích con người có thể là cục bộ khi đó chỉ lấy ý kiến cục bộ sẽ đỡ tốn kém hơn, thực chất hơn.

Ví dụ có những công trình rất lớn tác động tới sự phát triển của đất nước nhưng đôi khi chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của một nhóm người thôi như một số tỉnh lân cận nhau. Việc tác động của công trình có thể ảnh hưởng tới quyền được sống nếu như công trình đó xảy ra sự cố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng của khu vực đó thì chỉ cần lấy ý kiến của người dân khu vực đó. Còn đặt ra vấn đề lấy ý kiến quốc gia thì phải là vì giá trị của công trình đó. Tôi nghĩ rằng nên mở rộng thêm những vấn đề lấy ý kiến của khu vực và địa phương.

Xin cảm ơn bà!

“Kỷ cương ngân sách có vấn đề”

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đã phát biểu khá gay gắt liên quan với vấn đề kỷ cương ngân sách. ĐB Lịch cho rằng: Năm 2013, kinh tế trì trệ, Chính phủ và Quốc hội có nhiều biện pháp về tài khóa để kích thích kinh tế. Tuy nhiên xét về kỷ cương ngân sách có nhiều vấn đề. Nếu so với kế hoạch Quốc hội thông qua dự toán ngân sách thu và chi năm 2013 thấy con số dự toán và thực tế lệch nhau quá lớn. Khi Quốc hội có quyết định khoản thu mới và khoản chi mới như năm 2013, vấn đề đặt ra Quốc hội có điều chỉnh lại kế hoạch ngân sách để đảm bảo kỷ cương hay cứ tăng thu tăng chi theo kiểu nước lên thuyền lên thì không còn kỷ cương ngân sách. 

Tại báo cáo thẩm tra có nêu nột số địa phương vi phạm nhưng nên chỉ rõ ở đâu, vi phạm thế nào chứ cứ xuê xoa với nhau dẫn đến năm nào cũng như năm nào. Có thể thấy kỷ cương ngân sách của chúng ta chưa nghiêm. 

Lương Kết (ghi)

Cụ thể hóa các hành vi bị cấm 

Về các hành vi bị nghiêm cấm, để có cơ sở cho việc xử lý vi phạm trong trưng cầu ý dân, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng: Dự thảo luật phải xác định cụ thể, rõ ràng từng hành vi vi phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến việc trưng cầu ý dân. Tránh quy định chung chung như trong dự thảo luật như: Vi phạm pháp luật xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó chương riêng quy định về xử lý vi phạm trong dự thảo luật cũng còn rất chung, chủ yếu mang tính dẫn chiếu, không có tính quy phạm. 

Ủy ban Pháp luật cho biết, Hiến pháp đã giao thẩm quyền tổ chức trưng cầu ý dân cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố kết quả trưng cầu ý dân tức là đã bảo đảm tính khách quan, hợp pháp của hoạt động này. Mặt khác, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân đã được người dân lựa chọn, quyết định theo ý chí của họ nên cơ quan nhà nước phải tôn trọng và thực hiện. Do vậy, Quốc hội không cần thiết phải ra nghị quyết xác nhận kết quả trưng cầu ý dân hay thông qua lại các nội dung đã được người dân biểu quyết tán thành.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem