Người chăn nuôi VN đang phải "còng lưng" vỗ béo cho ai?

Thuận Hải- Việt Tùng Thứ năm, ngày 24/12/2015 13:30 PM (GMT+7)
Ông Đoàn Xuân Trúc - Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, một nghịch lý hiện nay là người chăn nuôi Việt Nam đang phải còng lưng “vỗ béo” doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, còn khoản lợi nhuận cho bản thân lại không bao nhiêu.
Bình luận 0

Hàng năm, nước ta duy trì đàn lợn luôn ở mức trên 28 triệu con, cùng gần 350 triệu con gia cầm, gần 300.000 bò sữa, nên khối lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN) cần sử dụng rất lớn. Theo tính toán, chi phí cho TĂCN chiếm tới 70% chi phí giá thành sản xuất. Điều này đã tạo nên gánh nặng lớn cho người chăn nuôi.

Làm chỉ để… nuôi nhà máy TĂCN

Gặp bà Tô Thị Hà - chủ trang trại lợn (heo) tại ấp Đông Kim (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) một ngày đầu tháng 12, khi đàn lợn chuẩn bị bán tết của gia đình đang “tuổi ăn tuổi lớn”, chúng tôi nhận thấy bà đang nặng trĩu những nỗi âu lo. Bà Hà chia sẻ, để phục vụ đàn lợn gần 700 con (cả nái và thịt), trang trại của bà sử dụng gần 3 tấn TĂCN mỗi ngày.

img

    Bà Tô Thị Hà (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đã phải tự mua các nguyên liệu về tự trộn TĂCN để giảm giá thành chăn nuôi.  Ảnh: Thuận Hải

Với số lượng TĂCN cần sử dụng như trên, tính chung cả tháng, bà Hà tốn khoảng 900 triệu đồng chi phí và khoảng 20 triệu đồng tiền kháng sinh phòng bệnh cho lợn định kỳ, chưa kể các chi phí khác như thuốc chữa bệnh, tiền điện, nước... Trong khi đó, mỗi tháng, bà xuất chuồng được khoảng 200 con lợn thịt, trọng lượng từ 80-100kg/con. Với giá bán như hiện nay, bà chỉ thu về khoảng 800 triệu đồng.

Sau nhiều vụ thua lỗ vì giá heo bấp bênh, giá cám lại liên tục tăng, khoản chi phí đầu tư cho TĂCN hằng ngày trở thành gánh nặng trong việc chăn nuôi của gia đình. Để cắt giảm chi phí, bà Hà đã phải mua nguyên liệu về tự trộn cám cho lợn ăn. Đồng thời, bà cũng đã giảm đàn nái từ 130 con xuống còn 80 nái, đàn lợn thịt từ 1.000 con nay chỉ còn nuôi hơn 600 con để giữ nghề.

Cũng là người “vào sinh ra tử” với nghề chăn nuôi heo nhiều năm qua, anh Trần Đức Vinh Quang- chủ trang trại tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), cho biết, chi phí TĂCN chiếm 70% giá thành. Nhiều năm qua, giá thức ăn liên tục tăng cao nên chi phí giá thành do đó cũng trở thành gánh nặng của nhiều hộ chăn nuôi.

“Với đàn lợn gần 1.000 con, chuyện lo đủ tiền lấy cám cho lợn ăn mỗi ngày, mỗi chu kỳ nuôi luôn là chuyện đau đầu của gia đình. Trước đây, một số ngân hàng còn cho vay để phát triển chăn nuôi, nhưng gần đây, việc vay vốn khó khăn, vì chăn nuôi liên tục lỗ”- anh Quang thở dài.

Ông Đoàn Xuân Trúc - Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, giá TĂCN trong nước luôn cao hơn các nước trong khu vực từ 15 – 20%, trong khi giá lợn thì lại thấp hơn các nước. Do đó, một nghịch lý hiện nay là người chăn nuôi Việt Nam đang phải còng lưng “vỗ béo” doanh nghiệp sản xuất TĂCN, còn khoản lợi nhuận cho bản thân lại không bao nhiêu.

Chi phí cho TĂCN ngày càng lớn

Chúng tôi về xã Ngọc Lũ, An Nội (Bình Lục, Hà Nam), nơi được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi lợn vào những ngày cuối năm, không khí chăn nuôi lợn của bà con ở đây vẫn nhộn nhịp, tấp nập. Trong chuồng nhà nào lợn cũng béo mũm mĩm, nhưng trên khuôn mặt của họ lại nặng trĩu nỗi lo âu.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Nguyễn Văn Ba, ở đội 2, xã Ngọc Lũ. Mỗi lứa, anh nuôi khoảng 300 – 350 lợn thịt, nhưng thời gian gần đây vì giá TĂCN ngày càng tăng, anh chỉ còn dám nuôi 150 – 200 con/lứa. Theo anh Ba, giá TĂCN bây giờ đang cân bằng với giá lợn, nên người chăn nuôi chỉ có hòa, hoặc lỗ, rất khó có lãi nếu giá lợn hơi không tăng.

Nói chuyện với chúng tôi, anh Ba tính toán chi tiết: Nếu giá cám năm 2011 là 270.000 đồng/bao 25kg, thì năm nay là 370.000 – 420.000 đồng/bao, trung bình để đạt 1kg thịt lợn, cần tiêu tốn từ 2,6 – 2,8kg thức ăn, tùy theo chất lượng của từng loại. Như vậy, giá lợn hơi phải đạt 48.000 – 49.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi, nhưng hiện giá lợn hơi chỉ 45.000 – 47.000 đồng/kg tùy lợn đẹp hay xấu, tính ra chỉ hòa vốn, có chăng chỉ lãi chút công mình chăm sóc.

Tương tự, thức ăn cho gà cũng đang tăng chóng mặt, khiến các hộ chăn nuôi rất đau đầu. Ông Nguyễn Văn Toán, thôn Đồng Tâm, xã Kim Long (Tam Dương, Vĩnh Phúc), hiện đang nuôi 20.000 gà thịt và gà đẻ trứng cho biết: “Trong chăn nuôi, thức ăn chiếm tới 65 – 70% giá thành của sản phẩm và khoảng 60% tổng đầu tư. Với những trang trại nuôi từ 10.000 gà trở lên, mỗi ngày tiêu thụ cả chục triệu tiền thức ăn, nên chỉ cần giá thức ăn tăng thêm vài đồng/kg cũng đã trở thành gánh nặng đối với người chăn nuôi”.

Cũng theo ông Toán cho biết, với giá TĂCN như hiện nay, chúng tôi chỉ dám chăn nuôi ở quy mô vừa phải, vì nếu mở rộng phải đi thuê thêm người làm thì chỉ có lỗ. Bây giờ chăn nuôi có lãi hay không đều phụ thuộc cả vào giá TĂCN, nên càng nuôi nhiều càng chết. 

  Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), hiện nay chúng ta mới chủ động được 30% nguồn TĂCN trong nước, còn tới 70% phải nhập khẩu, nhất là các mặt hàng như ngô, khô dầu đậu tương, cùng các nguyên liệu khác. Theo thống kê, trong năm 2014, nước ta đã phải chi ra tới 4 tỷ USD để nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu để sản xuất TĂCN. Còn trong năm nay, số lượng nhập khẩu cũng dự kiến lên đến 3,5 tỷ USD, trong đó riêng ngô phải nhập khẩu tới gần 8 triệu tấn (kim ngạch 1,7 tỷ USD).   

Nên giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ

 Thực tế muốn cạnh tranh được với sản phẩm chăn nuôi nước ngoài, dứt khoát sản phẩm chăn nuôi trong nước phải được giá thành sản xuất bằng việc nâng cao năng suất chăn nuôi.

Tôi cho rằng, nên có chính sách giảm số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, khuyến khích chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn. Từng bước hướng tới chăn nuôi là ngành kinh doanh có điều kiện, ai “đủ tầm”, thì mới cho làm, và yêu cầu phải chăn nuôi ở quy mô lớn, hiện đại; quy hoạch các khu vực có thể chăn nuôi, tạo điều kiện để tiếp cận đất, vốn, hạ tầng... để “mở đường” cho doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi.

Các trang trại cỡ vừa trở lên năng suất tốt hơn nhiều so với các trại nhỏ. Thường tâm lý của người chăn nuôi, cứ thấy giá tốt thì đổ xô đi nuôi, giá kém thì treo chuồng. Nếu giải quyết được chăn nuôi theo tâm lý “đám đông” chắc chắn sẽ bình ổn được nguồn cung và ổn định thị trường đầu ra.

Ông Nguyễn Hồng Hà - chủ trang trại chăn nuôi lợn Alpha ở Văn Giang (Hưng Yên)

Chủ động nguyên liệu đầu vào

Chính vì tư duy chăn nuôi là một kênh tiết kiệm, nên chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đang chiếm tỷ lệ 60-70% tại Việt Nam. Chính cách phân bổ như vậy nên hơn 80-90% con số đó phải tiêu thụ qua các thương lái và cách tổ chức kênh phân phối này làm đội giá sản phẩm chăn nuôi, người tiêu dùng không tiếp cận được giá tốt để ảnh hưởng đến nhu cầu.

Vấn đề về kiểm soát chất lượng và sản lượng nguồn nguyên liệu đầu vào cũng đang rất nan giải. Để đảm bảo  đáp ứng nhu cầu sản xuất, nguồn nguyên liệu đầu vào rất quan trọng, trong đó chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào là một trong những mắt xích quan trọng giúp DN ổn định sản xuất, góp phần ổn định thị trường TĂCN.

 Ông Hồ Đắc Khanh – Giám đốc Marketing và Bán hàng khu vực phía Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Long An

Phương Vy- Khải Huyền (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem