Mê chiêng từ thuở nhỏ
Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Đinh Keo cho biết, từ những ngày thơ ấu ông đã theo bố mẹ tham gia các ngày hội ở làng, cùng hòa mình trong những bài nhạc chiêng và những điệu múa xoang… Thấy thích thú với chiêng nên từ đó ông quyết tâm tìm tòi và học.
“Lúc mới bắt đầu tập, tôi đã tự tìm tòi, nhìn các già làng, những người đánh chiêng đi trước để học theo. Đến năm 16 tuổi, tôi đã thành thạo các bài chiêng truyền thống của làng và được đi biểu diễn đánh chiêng tại những ngày hội nhỏ, hội hè mà làng tổ chức” - ông Đinh Keo kể lại.
Những chiếc chiêng cổ được nghệ nhân Đinh Keo sưu tầm, lưu giữ nhiều năm nay. Ảnh: Văn Hà
"Thấy người ta ham học đánh chiêng tôi vui lắm, mong rằng cồng chiêng sẽ được lưu giữ trong cộng đồng làng, không để mai một đi nét đẹp văn hóa truyền thống mà ông cha ta để lại”.
Nghệ nhân Đinh Keo
|
Nghệ nhân Đinh Keo đến với cồng chiêng như một cái duyên. Tiếng chiêng, câu hát, điệu nhảy truyền thống từ cồng chiêng mang lại như ngấm vào máu thịt. Ngày trước, ông rất mê chiêng nên đã sưu tầm được khoảng 10 bộ chinh, chiêng với nhiều âm thanh khác nhau.
Theo ông, cồng chiêng trong đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên là một nét đặc sắc từ nhiều đời nay, góp mặt trong tất cả các sự kiện lớn, nhỏ của làng. Không những vậy, cồng chiêng còn là tiếng nói với Yàng (trời) trong những lễ cúng, là tiếng bi ai, chất chứa nỗi niềm tiễn đưa người ta về “bến nước ông bà” khi từ giã cõi đời.
Không chỉ được biết đến qua tài đánh chiêng hay, nghệ nhân Đinh Keo còn có thể chỉnh sửa được chiêng, cho ra những âm thanh chiêng cổ chuẩn nhất.
Nói về cơ duyên đến với nghề chỉnh chiêng, ông Keo chia sẻ: “Hồi đó cả huyện Kông Chro không ai biết chỉnh chiêng cả, người dân có chiêng hỏng, lạc tiếng lại phải mang đi nơi khác sửa. Thấy vậy, năm 1976, mình quyết định khăn gói đi về xã Mrơn (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) để học chỉnh chiêng. Chỉ sau 2 tuần học mình đã biết cách chỉnh, bắt đầu mua dụng cụ về và chỉnh chiêng cho nhiều người dân trong làng”.
Người “giữ lửa”
Không chỉ là một nghệ nhân đánh chiêng nổi tiếng của làng, ông Đinh Keo còn là người thầy dìu dắt từng thế hệ trẻ học tập đánh chiêng, lưu truyền văn hóa truyền thống dân tộc. Ở Tây Nguyên, nhiều làng quan niệm đánh chiêng là chuyện của con trai có sức khỏe, đại diện cho dân làng với sức khí oai hùng. Nhưng tại làng Pyang, để bảo tồn và nhân rộng nét văn hóa đặc sắc này, nghệ nhân Đinh Keo đã dạy đánh chiêng cho cả những người con gái, phụ nữ trong làng với mong muốn lưu truyền văn hóa từ đời này sang đời khác, không để mai một.
“Ngày trước trong làng chỉ có mình tôi dạy cồng chiêng cho lớp trẻ, sau này lớp trẻ thành thạo thì dạy lại cho các lớp sau. Hiện tại làng Pyang đã có một đội chiêng nhí gồm 30 cháu từ độ tuổi từ 8 - 15 tuổi, một đội chiêng nữ gồm 40 người dưới 30 tuổi và một đội chiêng nam gồm 30 người, tuổi nào cũng có. Điều đặc biệt hơn là hầu hết đàn ông trong làng Pyang đều biết đánh chiêng” -ông Keo cho biết.
Ngoài truyền dạy đánh chiêng, nghệ nhân Keo còn dạy thêm múa xoang, tạc tượng gỗ, hát sử thi và hát dân ca, đan lát... Ông còn phối hợp với Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Kông Chro dạy chiêng cho các em học sinh nơi đây. Tính đến nay, ông đã dạy được cho khoảng 300 người trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số.
“Thấy người ta ham học đánh chiêng tôi vui lắm, mong rằng cồng chiêng sẽ được lưu giữ trong cộng đồng làng, không để mai một đi nét đẹp văn hóa truyền thống mà ông cha ta để lại” - ông tâm sự.
Ông Huỳnh Ngọc Ẩn - Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết, nghệ nhân Đinh Keo đã có rất nhiều đóng góp cho nền văn hóa của làng Pyang nói riêng và của huyện Kông Chro nói chung. Ngoài tài sáng tác nhạc hay, đánh chiêng giỏi, nghệ nhân Đinh Keo còn gìn giữ và dạy cho bà con cho trong làng giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của người đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, với tài năng của mình, ông thường xuyên được mời đi tham gia, giao lưu, truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho các thế hệ trẻ tại địa phương.
Mới đây, nghệ nhân Đinh Keo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.