Mấy chục năm khổ sở sống cảnh "thân đàn ông kiếp đàn bà", Phạm Văn Hiệp quyết định dành dụm tiền sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới. Trở về nước làm xét nghiệm y khoa và được chính quyền công nhận là "nữ", cô gái sung sướng bật khóc.
Ngày 5.11.2009, UBND một thị trấn ở tỉnh Bình Phước đã ra văn bản số 5876 QĐ/UBND ghi rõ: cho phép Phạm Văn Hiệp được xác định lại giới tính từ nam sang nữ và đổi tên thành Phạm Lê Quỳnh Trâm. "Đó là mơ ước lớn lao bấy lâu nay nhưng tôi vẫn không dám tin đã thành sự thật. Tôi không thể nào diễn tả hết niềm vui khi được sống với giới tính thật của mình. Hạnh phúc lắm...", cô gái đã chuyển đổi giới tính chớp mắt ngăn những giọt nước chực trào từ khóe mi.
|
Cuối cùng, sau những nỗ lực không tưởng của bản thân, Quỳnh Trâm đã có thể tìm về đúng giới tính thật của mình và may mắn được chính quyền và xã hội công nhận. |
Trâm cho biết sinh ra tại TP HCM. Kinh tế gia đình khó khăn nên từ nhỏ Trâm đã cùng cha mẹ di cư đến vùng kinh tế mới ở tỉnh Bình Phước làm ăn sinh sống. Cô là người song tính với phần "con gái" lấn át hơn, nhưng mang ngoại hình con trai nên từ lúc lọt lòng đã được gia đình "mặc định" là con trai.
"Khi bước vào tuổi dậy thì, tôi thấy cơ thể bắt đầu có những thay đổi như một người phụ nữ, ngực cứ từ từ lớn dần. Tôi lo sợ và không dám nói chuyện này với ai, chỉ biết giấu bằng cách ăn thật nhiều cho cơ thể mập lên để không ai biết". Kết quả là chỉ sau một thời gian ngắn "che giấu thân phận", cơ thể Trâm đã tăng từ hơn 40 kg lên 84 kg trong khi chiều cao chỉ 1,57 mét.
Từ nhỏ Trâm học rất giỏi nên luôn được thầy cô và bạn bè yêu mến. Mặc dù vậy, mang trong mình nỗi mặc cảm "nam không ra nam, nữ không ra nữ" nên Trâm chỉ thui thủi đi học rồi lại về nhà đóng cửa một mình. Tuổi ô mai, Trâm từng đem lòng yêu thương một người bạn nam nhưng luôn chôn chặt chuyện ấy trong lòng..
Học xong lớp 12, Trâm thi đậu đại học rồi học song song 2 trường: Đại học Kinh tế TP HCM và Học viện Ngân hàng. Thời gian này cô gái bắt đầu biết đến Internet và lên mạng làm quen với bạn bè trong thế giới ảo. Rồi chị gặp và yêu một chàng trai Việt kiều sống ở Mỹ. Chưa bao giờ gặp mặt nhưng anh chính là người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc sống của Trâm bây giờ.
"Chúng tôi thường chat và gửi email trò chuyện với nhau. Tôi kể cho anh ấy nghe hoàn cảnh của mình và anh rất thông cảm. Anh cũng thường xuyên động viên, an ủi tôi trong mọi việc và khuyến khích tìm lại giới tính thật". Trâm cho biết, nhiều lần anh chàng kia xin cho xem webcame nhưng chị một mực từ chối vì sợ gây thất vọng cho "người yêu".
Mong muốn được gặp mặt "người yêu" cùng với khao khát được sống với giới tính thật đã thôi thúc Trâm đi đến quyết định phẫu thuật chuyển giới.
|
Sở hữu làn da trắng, khuôn mặt khả ái, Quỳnh Trâm từng đoạt giải thưởng "người đẹp qua ảnh" trong một cuộc thi dành cho người chuyển giới tổ chức tại Thái Lan |
Năm 2006, với mong muốn được gặp mặt "người yêu" cùng với khao khát được sống với giới tính thật, Trâm đi đến quyết định phẫu thuật chuyển giới. Sau khi tiến hành xét nghiệm y khoa cho thấy lượng hormone cũng như đặc điểm bộ phận sinh dục của Hiệp thiên về giới tính nữ nhiều hơn, các bác sĩ ở một bệnh viện tại TP HCM đã tư vấn sang Thái Lan để làm phẫu thuật.
"Hồi đó nhà tôi nghèo lắm làm gì có tiền mà đi Thái Lan. Nhưng vì đã quyết tâm nên tôi nghỉ học để đi làm thêm kiếm tiền", câu chuyện cuộc đời được chủ nhân kể tiếp.
Từ đó Trâm dành toàn thời gian đi dạy thêm 3 môn "sở trường" là Toán, Lý, Hóa ở các trung tâm luyện thi trong địa bàn TP HCM. Cao điểm có ngày chị phải tăng ca gần 20 tiếng đồng hồ, đạp xe gần 20 km để "chạy sô" dạy kèm. Giờ ngồi nhớ lại, Trâm bảo: "Tôi đã xác định rồi, mình sinh ra với giới tính như vậy đã là không may mắn nên đòi hỏi phải nỗ lực gấp 4 người con gái bình thường. Dành dụm mãi rồi cũng có đủ tiền để qua Thái Lan".
Với số tiền 250.000 USD có được nhờ dành dụm và sự giúp đỡ của "người yêu" ở Mỹ, Trâm đã dốc toàn bộ vào kinh phí đi lại và phẫu thuật chuyển đổi giới tính kéo dài trong vòng hai năm tại Thái Lan.
"Lúc đi tôi không dám nói cho gia đình biết vì sợ cha mẹ lo. Nhiều khi tôi cũng nghĩ nếu phẫu thuật không thành công, mình có thể bỏ mạng nơi đất khách quê người. Nhưng rồi nghĩ lại thà một lần phẫu thuật để được làm chính mình thì dù có chuyện gì xảy ra tôi cũng không hối tiếc" - cô tâm sự.
Nằm trên bàn phẫu thuật, Trâm cho biết mặc dù đã được gây mê nhưng vẫn thấy đau đớn như xé từng thớ thịt khi dao kéo lia đến những nơi nhạy cảm nhất trên cơ thể. Cầm tấm hình của người yêu trên tay, chị không ngơi hy vọng một ngày nào đó sẽ được đường đường chính chính đến gặp anh và nói lời yêu anh với tư cách là một người phụ nữ thực sự... Đó là động lực để chị tiếp tục chịu đựng những cơn đau tê tái.
Đến giữa năm 2008 sau khi trải qua phẫu thuật phần dưới, Trâm đã thực sự trở thành phụ nữ. Cũng trong năm đó, vị bác sĩ làm phẫu thuật thấy Trâm có khuôn mặt khả ái và làn da trắng đã đề nghị chị gửi ảnh tham gia cuộc thi Tiffany Show dành cho người đẹp chuyển giới tổ chức tại Thái Lan. Kết quả Trâm đã giành được giải thưởng phụ "người đẹp Tiffany qua ảnh". Điều này động viên tinh thần rất nhiều cho chị.
|
Quyết định "xác định lại giới tính" từ nam sang nữ do chính quyền địa phương cấp cho Trâm với tên cũ là Phạm Văn Hiệp đã thay đổi cuộc đời cô. |
Trở về Việt Nam, Trâm đã gửi đơn lên các cơ quan chức năng để được chuyển đổi giới tính và thay đổi tên trong giấy tờ tùy thân. Mặc dù gặp nhiều khó khăn vì từ trước đến giờ chưa có tiền lệ, song đến gần cuối năm 2009, sau khi làm xét nghiệm y tế, chính quyền địa phương và các ngành chức năng mới quyết định chấp thuận yêu cầu của chị. Ngày cầm tấm giấy quyết định trong tay, Trâm khóc như một đứa trẻ bởi nghĩ rằng "từ đây mình mới sống thật là mình".
Hiện giờ, Trâm rất thích mặc váy và tự tin hơn khi nói chuyện với mọi người. Chị dành nhiều thời gian đi học các lớp trang điểm, thẩm mỹ và làm MC trong một số chương trình văn nghệ. Sở hữu giọng hát truyền cảm và được nhiều thầy cô, bạn bè động viên, sắp tới Trâm định thử sức trong lĩnh vực ca hát. Chị dự tính sẽ tổ chức một live show nhạc trữ tình quê hương vào đầu năm 2013.
Hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, song đến nay Trâm chỉ tiếc một điều là chưa có cơ hội gặp được chàng người yêu đang sống ở Mỹ bởi khoảng cách địa lý quá xa. Mặc dù vậy chị vẫn luôn nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ được gặp anh và tự tin sánh bước bên người yêu của mình.
"Trong sâu thẳm lòng mình, tôi luôn dành cho anh ấy sự kính trọng và ngưỡng mộ. Cũng như bao người phụ nữ khác, tôi ước mong sau này sẽ có được một gia đình hạnh phúc, một mái ấm và một người chồng hết mực thương yêu mình", chị tâm sự
Theo VnExpress
Vui lòng nhập nội dung bình luận.