Người có công cần hỗ trợ tinh thần hơn cả vật chất

Nguyệt Tạ Thứ tư, ngày 09/10/2019 10:11 AM (GMT+7)
Đây là tâm sự của lãnh đạo Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công tỉnh Hải Dương với phóng viên nhân dịp đoàn phóng viên về thăm và làm việc tại Trung tâm.
Bình luận 0

Tận tâm chăm sóc

Là Trung tâm duy nhất trên địa bàn tỉnh Hải Dương thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ vừa chăm sóc người có công, vừa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người tâm thần nhưng Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công tỉnh Hải Dương vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

img

Bữa cơm đầy đặn của người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng Tâm Thần người có công tỉnh Hải Dương.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hương – Trung tâm Nuôi dưỡng Tâm Thần người có công tỉnh Hải Dương cho biết, để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, trung tâm đã xin thành lập phòng khám đa khoa. Hiện nay phòng khám đa khoa không chỉ làm nhiệm vụ thăm khám thông thường, trực cấp cứu cho người có công và các đối tượng tâm thần đang điều trị và chăm sóc tại trung tâm mà còn thực hiện nhiệm vụ khám, cấp cứu cho người dân khu vực lân cận khi cần.

“Ngoài khoản hỗ trợ tiền thuốc thang, chăm sóc y tế hàng tháng, ngân sách nhà nước và tỉnh còn trợ cấp tiền ăn cho người có công là 1.080 nghìn/trên người/tháng. Mặc dù chi phí hỗ trợ không nhiều nhưng đáp ứng được về cơ bản nhu cầu ăn uống và điều trị bệnh của người có công” – bác sĩ Hương chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Hương, đa số người có công đều tuổi cao, số khác là con, cháu người có công bị di chứng chất độc da cam thì lại bị bệnh tật nên trung tâm cũng phải xây dựng chế độ ăn uống rất khoa học, với từng khẩu phần ăn riêng biệt cho từng người, từng căn bệnh.

“Với những bệnh nhân già, không thể ăn uống được nhiều chúng tôi giảm khẩu phần ăn, thay vào đó bổ sung thêm sữa thêm can xi cho bệnh nhân” – bác sĩ Hương kể.

Quan tâm hơn tới chăm sóc tinh thần

Phạm Xuân Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công tỉnh Hải Dương cho biết, trung tâm không chỉ thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, tận tâm phục vụ mà nhiều năm nay ban quản lý trung tâm còn thường xuyên nghĩ cách cải tiến phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng theo hướng giúp các đối tượng người có công“no đủ về vật chất, hạnh phúc về tinh thần”.

Ngoài việc đẩy mạnh chăn nuôi gà, lợn, cừu, dê... để phục vụ cải thiện bữa ăn cho đối tượng được chăm sóc, điều trị tại trung tâm, thì trung tâm cũng bán để lấy kinh phí quay vòng đầu tư phục vụ công tác quản lý, duy trì hoạt động của trung tâm.

img

Người có công ở trung tâm được chăm sóc đầy đủ cả sức khỏe vật chất lẫn tinh thần.

Ông Tuấn cho biết, hiện trung tâm đang chăm sóc 72 người có công, trong đó có 21 người có công là thương bện binh nặng, số còn lại là con, cháu của người có công, thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 là người phần bị nhiễm độc da cam, dioxin.

“2 năm trở lại đây, chúng tôi thay đổi cách quản lý, theo đó, không chỉ chú trọng tới việc chăm sóc sức khỏe, lo bữa cơm, điều trị y tế cho người có công mà còn chăm sóc cả góc độ tinh thần cho họ” – ông Tuấn nói.

Để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc tinh thần, ông Tuấn và các cán bộ của trung tâm thường xuyên tổ chức các chương trình sinh hoạt văn nghệ. Thêm vào đó, mỗi năm một lần trung tâm còn tổ chức chương trình thăm quan, du lịch về chiến trường xưa cho người có công.

“Ban đầu anh em tôi khá lo lắng, sợ các bác không đủ sức khỏe để đi, sợ các bác ốm yếu... thế nhưng trái ngược với những lo lắng ấy, khi các bác đi thăm lại chiến trường xưa, được đi du lịch thì các bác rất phấn khởi” - ông Tuấn chia sẻ.

Bác Nguyễn Hữu Tước – một thương binh 81% tâm sự: “Nhiều năm sau khi hòa bình, mặc dù trở lại quê hương được chăm sóc, phục vụ chu đáo nhưng rất nhiều đồng đội của tôi vẫn mong được một lần quay trở lại chiến trường xưa. Năm 2018 tôi và các đồng đọi được trung tâm tạo điều kiện về lại chiến trường xưa, thăm nghĩa trang Trường Sơn khiến anh em tôi rất xúc động. Sau này có chết rồi anh em tôi cũng thấy mãn nguyện” – bác Tước tâm sự.

Thời gian tới, để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, nuôi dưỡng người có công, ông Tuấn kiến nghị, Nhà nước nên tăng trợ chế độ trợ cấp cho người có công và người tâm thần bởi trong bối cảnh hiện tại, với 1.080 nghìn đồng/tiền ăn/ tháng cho 1 người và 2 triệu đồng/tiền thuốc/ người là quá thấp. Chế độ hỗ trợ này cần được tăng lên.

“Trong những năm qua, chi ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực trợ cấp xã hội luôn chiếm tỷ lệ 12% -14% tổng chi thường xuyên, cao thứ 2 sau giáo dục và dạy nghề.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang rà soát lại việc thực hiện Nghị định 136/2013/NĐ-CP để đề xuất trình Chính phủ sửa đổi. Việc sửa đổi sẽ theo hướng nâng mức chuẩn hỗ trợ cho các đối tượng và bổ sung các đối tượng cần trợ giúp”.

Ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem