Tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công

Thùy Anh Thứ ba, ngày 08/10/2019 12:08 PM (GMT+7)
Liên tiếp nhiều cuộc họp lấy ý kiến từ trung ương tới các địa phương đã được Bộ LĐTBXH tổ chức trong những ngày vừa qua nhằm hướng tới việc lấy ý kiến sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công.
Bình luận 0

Nhiều điểm mới

Theo ông Lê Tấn Dũng – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH trong tháng 9/2019 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình chính phủ dự án Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi) và dự kiến sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến thông qua vào tháng 11/2019.

img

Hội nghị lấy ý kiến về pháp lệnh Ưu đãi người có công tại Thanh Hóa.

Việc sửa Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng lần này nhằm khắc phục những hạn chế bất cập và bổ sung những quy định mới trong pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng năm 2012  đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của NCC với cách mạng và thân nhân của họ. Đồng thời, tiếp tục  thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, đồng thời tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, đảm bảo công bằng, hợp lý, tạo sự đồng thuận cao của xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC và thân nhân của họ;  Huy động sự tham gia đóng góp tích cực hơn nữa của xã hội, của các tổ chức, cá nhân để cùng với nhà nước chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân của người có công; Xác định cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên Người có công với cách mạng và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng tại nơi cư trú, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Pháp lệnh mới có quy định về nguyên tắc hưởng chế độ ưu đãi, tránh giải quyết trùng lặp; về điều kiện tiêu chuẩn xác nhận (xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945; xác nhận liệt sĩ, thương binh; xác nhận bệnh binh). Sửa đổi tên gọi của một số đối tượng người có công, một số thuật ngữ: Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đổi thành người hoạt động kháng chiến bị mắc bệnh có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đổi thành người tham gia cách mạng, người tham gia kháng chiến, người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày…

Gần đây nhất vào giữa tháng 9, tại TP Thanh Hóa, Bộ LĐTBXH đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi).

Ông Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐTBXH cho biết: "Mục tiêu chính nhằm sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng là nhằm khắc phụ những tồn tại bất cập, nhất là việc lợi dụng chính sách, bỏ sót đối tượng người có công chưa được hưởng chính sách do thiếu giấy tờ gốc…”.

Đề xuất thay đổi cách công nhận liệt sĩ chết vì bệnh tái phát

Trong phiên họp tại Thanh Hóa lấy ý kiến sửa đổi pháp lệnh, ông Dương Văn Huệ - Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: "Tại mục i, Khoản 1, Điều 3 nên điều chỉnh "Người hoạt động kháng chiến bị mắc bệnh và để lại di chứng cho  cháu của họ có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin"; Tại Khoản 1, Khoản 6, Điều 10 đề nghị sửa "Trợ cấp tiền tuất hàng tháng và bảo hiểm y tế đối với vợ, hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng…".

Đồng quan điểm với bản Dự thảo, ông Đặng Xuân Hải - Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Nam cũng kiến nghị thêm, điều kiện xác nhận thương binh chết để công nhận liệt sĩ hiện nay phải đạt tỷ lệ mất sức lao động 81%, trong khi đó có rất nhiều thương binh nặng, bệnh tái phát nhưng không đảm bảo điều kiện được xét công nhận liệt sĩ. Do đó, đề xuất Bộ LĐTBXH nên xem xét hạ mức từ 61-81%. Đối với người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học, cần xem xét chế độ thế hệ thứ 3 với những nạn nhân chất độc da cam..." – ông Hải nói.

Còn ông Hồ Tân Cảnh - Phó giám đốc Sở LĐTBXH hội tỉnh Quảng Bình kiến nghị: "Bỏ cụm từ "không áp dụng với thương binh loại B" trong bản Dự thảo Khoản 10, Điều 14 vì quy định bị thương trong diễn tập được xác nhận thương binh thì thương binh loại B chết do vết thương tái phát cũng cần được xem xét xác nhận liệt sĩ mới tương ứng phù hợp chính sách; Sửa đội nội dung tại Khoản 13, Điều 16 đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác nhưng vẫn nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành thì được hưởng đầy đủ chính sách như thân nhân chủ yếu của liệt sĩ (bố, mẹ, vợ, chồng, con); Mở rộng đối tượng đi thăm viếng mộ liệt sĩ hoặc khi di chuyển hài cốt liệt sĩ cho anh, chị, em ruột và cháu ruột của liệt sĩ, vì chủ yếu thực tế thân nhân của liệt sĩ do già, ốm đau hoặc không còn nên không thực hiện được các nguyện vọng chính đáng…".

Hiện Cục người có công Bộ LĐTBXH đang tổng hợp trình Chính Phủ xem xét. Qua đó, đảm bảo việc thể chế hóa Pháp lệnh người có công ngày càng hoàn thiện, tích cực và đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

“Cả nước có khoảng 9 triệu đối tượng người có công (trong đã có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 127 nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học...)”.

Số liệu Bộ LĐTBXH

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem