Người cười, kẻ khóc với mưa đầu mùa

Thứ năm, ngày 05/05/2011 13:52 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những cơn mưa lớn liên tục đổ xuống các tỉnh vùng ĐBSCL trong những ngày đầu tháng Năm5 đã khiến nhiều người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Bình luận 0

Nhiều người "màn trời, chiếu đất"

Trưa 4.5, lại một cơn mưa lớn kéo dài, đổ xuống nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL. Nhiều người dân ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang thấy trời mưa lại nơm nớp lo sợ. Nhưng rất may, theo ông Võ Thanh Tráng - Chủ tịch UBND huyện Châu Phú: Trận mưa không gây ảnh hưởng gì về tài sản và nhà cửa.

img
Mưa đá, lốc gây thiệt hại nặng ở nhiều địa phương, trong đó có Lai Châu.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Tráng thở phào. Bởi trước đó, chiều tối ngày 2.5, tại các xã Bình Mỹ, Bình Long, Bình Chánh… của huyện Châu Phú đã xảy ra mưa lớn kèm theo lốc xoáy dữ dội làm sập và tốc mái 91 căn nhà. Trong đó có 3 căn sập hoàn toàn, 7 căn xiêu vẹo và 81 căn tốc mái. Rất may, không có thiệt hại về người.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể thống kê được giá trị thiệt hại về tài sản của người dân địa phương bị ảnh hưởng của cơn mưa dông này. Bước đầu, UBND huyện Châu Phú đã xuất ngân sách hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ có nhà bị sập hoàn toàn, nhà tốc mái hoàn toàn và xiêu vẹo được hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ, hộ có nhà bị tốc mái một phần nhận 1 triệu đồng.

Cần nói thêm, tính từ đầu năm đến nay, chỉ riêng tại huyện Châu Phú, 134 căn nhà đã bị thiệt hại do mưa dông và lốc xoáy.

img
Mưa đá, lốc gây thiệt hại nặng ở Lai Châu.

Còn ở Cà Mau, liên tục mấy ngày qua, mưa chuyển mùa kéo dài làm ngập nhiều tuyến đường trong nội ô thành phố. Những tuyến đường chính như đường Phan Ngọc Hiển, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… nước ngập có nơi đến 40cm. Nước tràn vào cả nhà người dân sống ở hai bên đường làm hư hại nhiều tài sản.

Cũng có những niềm vui

Ở Bạc Liêu và Tiền Giang, các cơn mưa lớn trong những ngày đầu tháng 5 lại có tác dụng tích cực. Như ở Bạc Liêu, mưa lớn chỉ đổ xuống những vùng diện tích trồng lúa, hoa màu… nên phần nào giải toả được áp lực thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Ở các khu vực nuôi tôm và sản xuất muối, mưa chỉ lác đác nên thiệt hại không đáng kể.

Còn tại Tiền Giang, thậm chí còn xuất hiện mưa đá tại địa bàn huyện Châu Thành và một phần của huyện Chợ Gạo. Mưa đá chỉ diễn ra khoảng 10 phút và do những hạt đá nhỏ nên không gây thiệt hại về tính mạng cũng như tài sản của người dân. Nhưng đây là những cơn mưa to đầu mùa nên lại có ảnh hưởng tích cực, xoa dịu thời tiết nóng bức và “giải khát” cho hàng chục nghìn ha hoa màu, vườn cây ăn trái của người dân.

Ban Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) cũng hân hoan "đón nhận" những cơn mưa trái mùa, nhất là cơn mưa lớn vào chiều 4.5. Nhờ những cơn mưa này, rừng tràm ở U Minh Hạ đã thực sự được cứu nguy sau nhiều ngày nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao và nguy cơ cháy rừng ở mức báo động. Chưa hết, tại nhiều vùng nuôi tôm ở Cà Mau, nước mưa thay đổi môi trường, tôm chạy vào lú nhiều, thu hoạch "khẳm" bạc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem