Tấm lòng của người lính
Sinh ra và lớn lên trong rốn lũ vùng Đồng Tháp Mười thuộc xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa (Long An), năm 1963 khi mới 15 tuổi, Võ Thị Chiến đã biết làm giao liên phục vụ cách mạng, 3 năm sau bà thoát ly phục vụ tại Ban quân y tỉnh Kiến Tường (cũ) rồi được đưa lên Khu đào tạo y sĩ.
|
Bà Võ Thị Chiến chăm sóc đàn heo của gia đình. |
Ra trường bà trở lại chiến trường Đồng Tháp Mười phục vụ trong ngành quân y tỉnh. Năm 1988, bà xin chuyển sang HTX tiểu thủ công nghiệp cho tới ngày nghỉ hưu.
Không cam chịu sống bằng đồng lương hưu, vợ chồng bà Chiến xuống xã An Vĩnh Ngãi ở huyện Châu Thành sang lại 2.000m2 đất trũng nuôi chí lập nghiệp. Trong thời gian vợ chồng nai lưng cải tạo mặt bằng, bà động viên chồng đưa mẹ chồng từ tỉnh Thái Bình vào để bà có điều kiện phụng dưỡng.
Cách nay 10 năm, do tuổi cao sức yếu mẹ chồng qua đời, bà cùng chồng lo tang ma chu đáo. Ai ngờ, 6 năm sau bà lại nuốt nước mắt tiễn đưa chồng vì căn bệnh ung thư do di chứng chất độc da cam thời chiến tranh.
Những năm công tác trong ngành quân y bà Chiến có người đồng đội tên Nguyễn Ngọc Phương, quê ở Nghệ An. Sau giải phóng, ông Phương xuất ngũ về quê lập gia đình nhưng gặp nhiều khó khăn. Trong một lần xuống Long An gặp người đồng đội cũ, ông Phương thật thà kể về những khó khăn của gia đình.
Thấy vậy, bà Chiến bàn với chồng (lúc ấy ông còn sống) nhận nuôi dưỡng Nguyễn Thị Xuân Mai - con ông Phương và tạo mọi điều kiện giúp cháu luyện thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Long An. Giờ thì Mai đã là cô giáo và có gia đình hạnh phúc.
Chưa hết, cùng công tác ở chiến trường với bà Chiến và ông Phương còn có bà Hồ Thị Ký, quê huyện Vĩnh Hưng (Long An). Giải phóng bà Ký cũng xin giải ngũ về làm nông dân vùng lũ Đồng Tháp Mười. Có điều, sống giữa vựa lúa lớn nhất nước nhưng vợ chồng bà Ký không sao xóa nổi nghèo chỉ vì có tới gần nửa tá con.
Khi đứa con gái tên Đậm thi đỗ Cao đẳng Sư phạm Long An, vợ chồng bà Ký không có điều kiện cho con theo học. Biết chuyện, bà Chiến chủ động xuống Vĩnh Hưng gặp bà Ký xin đưa Đậm lên nuôi tới khi tốt nghiệp. Ra trường, Đậm xin về vùng lũ biên giới Vĩnh Hưng công tác.
Trở thành nông dân sản xuất giỏi
Chủ nhật hàng tuần, cô giáo Nguyễn Thị Xuân Mai lại cùng chồng đưa con về thăm “má Chiến” để con được gọi 2 tiếng thân thương: “Bà ngoại”.
“Ngày mới về tậu 2.000m2 đất thuộc khu phố An Thuận, phường 7 (xã An Vĩnh Ngãi cũ) của TP. Tân An hiện nay, vợ chồng tôi chỉ mong nuôi vài con heo, ít con vịt và ao cá cho vui lúc cuối đời, đâu dám mơ làm giàu trên đất bưng trũng xung quanh toàn kinh rạch này” - bà Chiến kể. Lấy con heo để khởi nghiệp, ban đầu vợ chồng bà chỉ nuôi một con heo nái sinh sản.
Heo con đẻ ra bà giữ lại nuôi thành heo thương phẩm. Với phương châm “tích tiểu thành đại”, mỗi năm chuồng heo của bà lại được mở rộng, nhờ đó hiện bà có tới 9 con heo nái, mỗi năm cho ra lò trên 100 heo con, năm 2009 và 2010 bà xuất bán gần 10 tấn heo thịt, lãi gần 30 triệu đồng. Không chỉ nuôi heo, năm 2006 bà Chiến còn mua 6 con trăn giống về nuôi.
Sau 30 tháng chăm sóc bà xuất bán 3 con, thu 20 triệu đồng, số còn lại bà để gây đàn. Năm 2009 bà bán tiếp 5 con, thu 35 triệu. Bế chú trăn lên tay, bà Chiến nói: “Nuôi trăn tuy lâu bán nhưng cho lợi nhuận rất cao, đầu ra luôn ổn định”.
Không chỉ trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, bà Chiến còn đi đầu trong việc vận động nhân dân khu phố góp tiền, công mở đường giao thông, bản thân bà góp gần chục triệu đồng.
Khuynh Diệp
Vui lòng nhập nội dung bình luận.