"Cơn bĩ cực" của người chăn nuôi gia cầm (bài cuối): Chăn nuôi công nghiệp sẽ chiếm lĩnh

Huệ Chi (thực hiện) Thứ sáu, ngày 23/06/2023 09:00 AM (GMT+7)
Trong 2 năm vừa qua, cả đầu vào và đầu ra sản xuất của bà con đều gặp khó khăn, đặc biệt là giá thức ăn tăng cao.
Bình luận 0

Tốc độ tăng trưởng bình quân của đàn gia cầm là 6,3%/năm, nhưng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng lại giảm, vì thế dẫn tới cảnh giá gia cầm liên tục giảm. Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết như vậy khi trả lời phóng viên Báo NTNN.

Ông có thể cho biết vì sao tổng đàn gia cầm nước ta thời gian qua tăng nhanh, dẫn đến giá bán thấp dưới giá thành?

- Vòng quay của chăn nuôi gia cầm rất nhanh, đối với con gà lông màu 5 - 5,5 vòng chăn nuôi/năm; sức sản xuất chăn nuôi gia cầm rất lớn. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng đàn gia cầm thời gian qua không chỉ là tốc độ tăng trưởng tự nhiên, mà còn từ quá trình đấu tranh của Cục Chăn nuôi về chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật.

Sau khi chúng ta bỏ luật quy hoạch về sản phẩm cụ thể, chỉ còn quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh về kinh tế-xã hội thì Cục Chăn nuôi đã tham mưu đưa đơn vị vật nuôi vào để đánh giá mật độ chăn nuôi. Đây là yếu tố khoa học - công nghệ quan trọng để chúng ta hình thành, định hình quy hoạch trong chăn nuôi nhưng không bằng quy hoạch thông thường, mà qua các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật để hình thành các vùng chăn nuôi tập trung. Cách tính này cũng là yếu tố làm tăng đàn gia cầm.

Thảm cảnh của người chăn nuôi gia cầm (bài cuối): Chăn nuôi công nghiệp  sẽ chiếm lĩnh - Ảnh 1.

Trang trại gà đẻ trứng thương phẩm của gia đình anh Vũ Văn Yên, xã Minh Hoà, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Ảnh: Văn Yên

img

"Người chăn nuôi nhỏ muốn tồn tại, muốn tăng sức cạnh tranh thì phải bắt tay liên kết với doanh nghiệp, tham gia tổ hợp tác, HTX để tăng quy mô sản xuất, nếu không sẽ dần bị loại khỏi cuộc chơi".

Ông Tống Xuân Chinh

Nhìn ở góc độ khu vực, việc sử dụng thịt gia cầm của Việt Nam còn rất thấp, chỉ bằng khoảng 1 nửa thế giới, tức là tiềm năng tiêu dùng còn rất lớn. Tuy nhiên, việc tiêu dùng thịt như thế nào còn phụ thuộc vào thu nhập, mức tăng GDP của người dân. Tốc độ tăng trưởng đàn gia cầm quá lớn, trong khi mức tiêu thụ lại tăng chậm, thậm chí thời gian qua người dân còn cắt giảm chi tiêu do lạm phát, vì vậy chưa giải quyết được đầu ra sản phẩm gia cầm.

Điều này đặt ra bài toán chiến lược, một mặt tiếp tục phát triển chăn nuôi gia cầm, trong lúc chưa tiêu dùng hết được ở trong nước thì phải có định hướng đối với các doanh nghiệp lớn là đẩy mạnh chế biến, sản xuất theo chuỗi... để đáp ứng xuất khẩu. Trong đó chia rõ 2 hướng: Nuôi gà lông màu phục vụ thị trường trong nước, còn con gà lông trắng phục vụ xuất khẩu.

Thứ 2, người tiêu dùng Việt Nam đang ăn thịt gia cầm ở mức độ chế biến thô sơ, chủ yếu là luộc, rang, rán chứ không đa dạng như thịt lợn. Ví dụ thịt lợn có thể kết hợp được với rất nhiều món ăn, chế biến thành nhiều kiểu, nhưng thịt gia cầm vẫn hạn chế, do đó các doanh nghiệp cần nghiên cứu đẩy mạnh chế biến theo hướng sẵn hơn, tốt hơn, đa dạng hóa sản phẩm hơn.

Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam đã kiến nghị các bộ, ngành cần tăng cường hàng rào kĩ thuật để hạn chế nhập khẩu sản phẩm gia cầm đông lạnh, gà đẻ thải loại nhằm bảo vệ sản xuất gia cầm trong nước, ông nghĩ sao về điều này?

- Vấn đề này theo tôi phải cân nhắc rất kỹ. Trước hết chúng ta phải tuân thủ các quy định khi tham gia sân chơi quốc tế, có thể hiểu một cách ví von "ông thò chân giò, bà thò chai rượu", tức là phải có sự qua lại lẫn nhau. Nhìn trên bức tranh tổng thể, có thể thấy Việt Nam có rất nhiều loại nông sản mà các nước không có, thế nhưng đối với các sản phẩm chăn nuôi, chúng ta có cái gì thì các nước cũng đều có, không có tính đặc thù.

Thứ 2, nếu xây dựng hàng rào kĩ thuật đối với một mặt hàng chăn nuôi nhập khẩu, thì các nước cũng sẽ áp dụng hàng rào kỹ thuật nào đó đối với mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang nước họ. Vì thế, khi xây dựng chính sách, chúng ta phải tính toán để cuối cùng vẫn đạt được mục tiêu, có nghĩa chăn nuôi phải chấp nhận thiệt thòi để chúng ta xuất khẩu các mặt hàng nông sản khác thuận lợi hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn cho đất nước.

Ngược lại, Chính phủ cần có sự điều chỉnh cân đối, hỗ trợ lại cho ngành chăn nuôi giảm bớt sự thiệt thòi trong quá trình hội nhập. Đây là vấn đề ít thấy được nhắc tới.

Cuối cùng, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được hàng rào kĩ thuật nhưng phải có sự thống nhất chỉ đạo từ Chính phủ, tới bộ, ngành…

Thức ăn chăn nuôi hiện chiếm tới 60-70% giá thành sản phẩm chăn nuôi, nhưng trong bối cảnh giá thức ăn tăng cao, điều này đã gây thêm áp lực cạnh tranh. Theo ông, người chăn nuôi gia cầm cần làm gì để cắt giảm hơn nữa chi phí?

- Theo tôi, giải pháp quan trọng nhất để tăng khả năng cạnh tranh cho ngành gia cầm lúc này là phải tăng quy mô, hiện đại hóa chăn nuôi gia cầm để năng suất tăng lên. Thứ 2, khâu gia tăng giá trị nhiều nhất không phải là chăn nuôi (ở các nước phát triển khâu này cũng chỉ chiếm khoảng 20 – 25% lợi nhuận), mà là ở khâu giết mổ, chế biến sâu, còn lại 30% ở khâu phân phối, thị trường.

Khâu cho lợi nhuận cao nhất thì chúng ta lại yếu nhất. Do đó cần kêu gọi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư làm theo chuỗi, đẩy mạnh chế biến sâu.

Còn về giá thức ăn chăn nuôi, đây là khâu liên quan trực tiếp đến sản xuất, do đó để giảm chi phí, người chăn nuôi cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ. Ví dụ trước đây, với giống gà lông trắng Ros 308, để tăng 1kg hơi thì cần tới 1,9 – 1,95kg thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, nhưng nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào nên việc sử dụng thức ăn chăn nuôi hiệu quả hơn, giảm chỉ còn 1,3 – 1,4kg thức ăn cho 1kg tăng trọng.

Bài toán đặt ra hiện nay đang chia thành 2 hướng rất rõ rệt: Bà con nông dân sẽ tập trung nuôi các giống vật nuôi bản địa, có giá trị kinh tế cao, theo hướng sinh thái. Còn đối với chăn nuôi gà công nghiệp, tương lai đều về tay doanh nghiệp lớn, HTX. Ở các nước phát triển cũng vậy, dần dần chăn nuôi nông hộ sẽ thu hẹp lại, nhường chỗ cho chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem