Viện Khoa học BHXH (BHXH Việt Nam) đã khảo sát 2.576 hộ gia đình tại 7 tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Bạc Liêu, Tây Ninh, Phú Yên, Gia Lai, đại diện cho 7 vùng kinh tế trong cả nước. Trong đó, hộ gia đình chưa tham gia BHYT là 1.680 (trong đó mỗi tỉnh 240 phiếu); Hộ gia đình đã tham gia BHYT là 840 (trong đó mỗi tỉnh là 120 phiếu, bằng ½ số phiếu hộ gia đình chưa tham gia). Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn khảo sát đại diện đại lý thu BHXH, BHYT tại 42 xã, đại diện BHXH 14 huyện.
Trong số 1.680 hộ chưa tham gia BHYT có đến 63,63% có nguồn thu nhập từ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp; 78.6% có thu nhập bình quân dưới 5 triệu đồng/tháng; 33,7% hộ gia đình có thu nhập bình quân dưới 3 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên cũng có 60,6% hộ gia đình cho rằng có khả năng tham gia BHYT, có 39,4% hộ nhận định không có khả năng tham gia BHYT. Lý do chính không tham gia BHYT hộ gia đình được khảo sát chủ yếu là không có tiền để tham gia (chiếm 51.2%); có 54% đại diện hộ gia đình cho rằng mức tham gia BHYT hiện nay là cao.
Một số hộ từng tham gia BHYT sau lại thôi. Trong số này, có 29,57% cho rằng khó khăn về kinh tế, trên 43% cho rằng thẻ BHYT sử dụng không hiệu quả, trong đó có 28,39% cho rằng không cần thiết do ốm nhẹ tự mua thuốc, 15,04% ý kiến là chưa đi khám chữa bệnh lần nào.
Còn đối với 840 hộ đang tham gia BHYT thì 60% gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp (thấp hơn đối tượng hộ chưa tham gia BHYT là 62,2%). Các hộ gia đình có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng là 63,8%, các hộ gia đình có thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên là 36,2%.
Phần lớn ý kiến (59,8%) cho rằng mức tham gia BHYT hiện nay là trung bình và 37,8% hộ gia đình cho rằng mức tham gia BHYT hiện nay là cao. Trong khi đó, chỉ có 44% hộ gia đình chưa tham gia BHYT cho rằng mức đóng BHYT là trung bình và 54,1% cho rằng mức đóng là cao.
Đánh giá về mức độ hài lòng khi khám, chữa bệnh BHYT: Có 547 đại diện Hộ gia đình, tương ứng 65,1% hài lòng khi đi khám, chữa bệnh BHYT, còn 293 đại diện hộ gia đình, tương ứng 34,9% chưa hài lòng.
Trong tổng số 61 ý kiến về việc không tiếp tục tham gia BHYT trong năm tiếp theo với lý do không đủ tiền, ốm nhẹ tự mua thuốc, bị phân biệt đối xử khi đi khám BHYT. Có 60,1% lượt ý kiến biết về tăng giá dịch vụ BHYT và tiếp tục tham gia BHYT trong năm tiếp theo. Tuy nhiên, cũng có 11,6% cho rằng vẫn tham gia BHYT là vì gia đình có người ốm…
Mong muốn được hỗ trợ
"Phân tích thông tin về nguồn thu nhập và mức thu nhập cho thấy, đa số các hộ gia đình có nguồn thu nhập từ nông nghiệp có mức thu nhập bình quân khá thấp. Mặc dù thu nhập thấp nhưng lại chưa đạt ngưỡng chuẩn cận nghèo do đó nhóm hộ gia đình thu nhập thấp này không được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT", ông Lương Tuấn Anh, đại diện nhóm nghiên cứu (Viện Khoa học BHXH) cho biết.
Các hộ đều cho rằng thu nhập gia đình còn thấp mà phải mua thẻ BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình thì chi phí quá lớn, nhưng lại chưa đủ nghèo để được hỗ trợ như hộ nghèo, cận nghèo; Hồ sơ đăng ký tham gia còn phức tạp, đại lý ở xa hoặc tập hợp nhiều người mới làm thủ tục đăng ký một lần; Việc đại lý trả thẻ BHYT chưa đúng hạn còn xảy ra.
Khảo sát mong muốn của người dân về BHYT cho thấy đại diện các hộ gia đình chưa tham gia BHYT mong muốn có sự điều chỉnh chính sách theo hướng giảm chi phí cho người tham gia, trong đó 17,6% mong muốn giảm mức đóng cho người thu nhập thấp, 17,5% mong muốn được giảm mức đóng cho khu vực nông thôn, 12,3% mong muốn có chính sách ưu đãi cho những hộ gia đình tham gia nhiều năm.
Về tổ chức thực hiện, thì mong muốn chiếm tỷ lệ cao nhất là việc đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT chiếm 17,1%, bên cạnh đó cũng có 14,8% đối tượng khảo sát mong muốn tuyên truyền về BHYT được mở rộng.
Theo khảo sát, người dân chủ yếu nắm thông tin về chính sách BHYT chủ yếu là qua các phương tiện thông tin đại chúng (chiếm 35%), thông qua các cơ quan tổ chức cơ sở chiếm 35%. Tuy nhiên số người dân biết về chính sách BHYT qua đại lý còn rất khiêm tốn, trong đó qua đại lý xã chỉ 3,33% và bưu điện xã là 7,38%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.