Người dân Lâm Đồng sốt ruột vì cà phê “ngâm nước”, rụng đầy gốc sau mưa

Văn Long Chủ nhật, ngày 15/12/2024 18:56 PM (GMT+7)
Do ảnh hưởng của thời tiết, hàng chục tấn cà phê tươi của người dân tại Lâm Đồng phải “ngâm nước”, trong khi cà phê trên cành nứt toác, rụng đầy gốc vì mưa liên tục nhiều ngày.
Bình luận 0

Cà phê "ngâm nước"

Hàng chục ngày qua, trên địa bàn các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng đều có mưa lớn liên tục. Trong khi đó, thời gian này lại là chính vụ thu hoạch cà phê, việc mưa dầm khiến cho cà phê phơi tại sân không thể khô, người dân cũng không thể đóng bao để cất.

Việc mưa kéo dài liên tục vừa ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch, sơ chế và bảo quản cà phê của người dân. Không những thế, đối với những quả cà phê xanh còn đối diện với tình trạng mốc, đen nhân, ảnh hưởng đến chất lượng hạt cà phê nhân bán ra.

Người dân Lâm Đồng “sốt ruột” vì cà phê “ngâm nước”, rụng đầy gốc sau mưa - Ảnh 1.

Gần 10 ngày mưa liên tục khiến người dân tại Lâm Đồng không thể phơi, sơ chế cà phê.

Ghi nhận của phóng viên, tại các khu vực trên, hơn 1 tuần qua liên tục có mưa. Chính vì vậy, việc thu hái, phơi, sơ chế cà phê ban đầu của người dân gặp khó khăn.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Thùy (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: "Bình thường nếu có nắng chúng tôi phơi từ 15-20 ngày là được một mẻ cà tươi, sau đó xay ra nhân để bán cho đại lý. Nhưng với tình trạng này thì chắc phải cả tháng mới khô mẻ cà phê hiện tại ở sân.

Cà phê được nhân công hái từ vườn rộng gần 2ha của gia đình tôi đưa về và đổ ra sân phơi có lót bạt bên dưới nhưng mưa quá nên cà phê ướt nhẹp, không khô ráo cả chục ngày qua. Cà phê đã chín đỏ thì không sợ, nhưng đối với những quả xanh, chưa đủ già thì có thể sẽ bị mốc, đen nhân gây giảm sản lượng, chất lượng".

Người dân Lâm Đồng “sốt ruột” vì cà phê “ngâm nước”, rụng đầy gốc sau mưa - Ảnh 2.

Nhân công của anh Thùy phải đổ cà phê ra sân phơi mặc dù không có nắng.

Không chỉ có vậy, người dân còn gặp phải tình trạng cà chín đỏ trên cây nhưng trời mưa nên không thể thu hoạch. Điều này dẫn đến tình trạng cà phê rụng đầy gốc, người dân phải mất thêm nhân công đi nhặt lại số cà phê đã rụng.

Chị Trương Thị Thanh (ngụ huyện Lâm Hà) cho hay: "Trong hai ngày qua, trời mưa tầm tã nên không thể ra vườn thu hoạch cà phê. Với hơn 4ha đất trồng cà phê, năm nay gia đình tôi dự kiến thu hoạch khoảng 20 tấn cà phê nhân.

Thế nhưng, mưa lớn và lâu thế này sẽ làm cà phê rụng, thất thoát nhiều. Những người hái khoán thì họ chỉ cố gắng giảm bớt lượng cà phê bị rơi rớt ra gốc, chứ không đi nhặt cho chủ vườn. Vì vậy, tôi phải mất thêm chi phí thuê nhân công đi nhặt số cà phê đã rụng".

Người dân Lâm Đồng “sốt ruột” vì cà phê “ngâm nước”, rụng đầy gốc sau mưa - Ảnh 3.

Người dân phải thuê thêm nhân công để đi nhặt cà phê rụng dưới gốc sau các trận mưa.

Khan hiếm nhân công

Chia sẻ thêm với phóng viên, chị Thanh cho hay, năm 2024 lượng nhân công đến tỉnh Lâm Đồng để làm thuê thu hoạch cà phê giảm rất nhiều. Từ đầu mùa đến nay, chị Thanh phải thuê người thu hoạch cà phê tính tiền theo ngày. Mỗi ngày, một nhân công làm việc từ 7-7,5 tiếng với giá khoảng 400.000 đồng.

Người dân Lâm Đồng “sốt ruột” vì cà phê “ngâm nước”, rụng đầy gốc sau mưa - Ảnh 4.

Những quả cà phê nứt toác rồi rụng đầy dưới gốc sau hàng chục ngày mưa liên tục tại Lâm Đồng.

"Tôi mới thuê được mấy người từ xã khác đến thu hoạch theo hình thức khoán sản lượng. Năm nay tôi thuê người ta hái giá 1.300 đồng/kg tươi, hàng xóm có người thuê 1.400 đồng/kg nhưng công cũng khá ít.

Như năm 2023 thì chúng tôi chỉ thuê hái khoán giá từ 1.000 - 1.100 đồng/kg cà phê tươi. Nhưng năm nay, giá cà phê lên khá cao nên nhân công cũng yêu cầu giá cao hơn, mình không có người nên đành chấp nhận giá cao hơn", chị Thanh thông tin.

Người dân Lâm Đồng “sốt ruột” vì cà phê “ngâm nước”, rụng đầy gốc sau mưa - Ảnh 5.

Năm 2024, lượng nhân công đi hái cà phê thuê khá khan hiếm khiến người dân trồng cà phê với diện tích lớn gặp khó khăn.

Tại huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng), ông Nguyễn Minh Ngọc – Giám đốc Hợp tác xã Tân Nghĩa cho hay, niên vụ năm 2024, lượng nhân công thu hoạch cà phê cho hợp tác xã này đang bị thiếu hụt khoảng 30%. Hiện nay, với vườn cà phê sai quả, bằng phẳng, dễ vận chuyển được khoán với giá 1.300 đồng/kg, còn với vườn cà phê ít trái hơn sẽ được khoán với giá khoảng 1.600 đồng/kg.

"Theo tôi, nhân công trong năm 2024 bị khan hiếm do lượng lớn lao động phổ thông họ đi làm công nhân ở các thành phố lớn. Mặc dù làm công nhân lương thấp hơn một chút nhưng lại ổn định. Trong khi đó, hái cà phê khoán thì họ chỉ làm được khoảng 1-2 tháng thôi, thu nhập chỉ cao tức thời", ông Ngọc phân tích.

Hiện nay, Hợp tác xã Tân Nghĩa có 76 thành viên, tổng diện tích cà phê cho thu hoạch khoảng 135ha, sản lượng trung bình khoảng 3,7 tấn/ha.

Người dân Lâm Đồng “sốt ruột” vì cà phê “ngâm nước”, rụng đầy gốc sau mưa - Ảnh 6.

Theo ông Ngọc, năm 2024 lượng lớn lao động phổ thông đi làm công nhân tại các thành phố lớn nên dẫn đến tình trạng thiếu nhân công hái cà phê.

Được biết, tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích cà phê khoảng 176.000ha, tổng sản lượng đạt trên 570.000 tấn. Trong năm 2023, tỉnh Lâm Đồng đã xuất khẩu khoảng 70.000 tấn cà phê nhân sang các nước như Ấn Độ, Hà Quốc, Hà Lan...với tổng giá trị khoảng 155 triệu USD.

Từ đầu niên vụ năm 2024, nhằm nâng cao chất lượng cà phê của địa phương, ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị người dân thu hoạch cà phê đảm bảo độ chín.

Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng dự kiến, thời tiết năm 2024 sẽ có mưa kéo dài, ảnh hưởng đến việc thu hoạch, bảo quản và sơ chế cà phê của người dân. Vì vậy, Sở NNPTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã làm việc với các cơ sở sấy cà phê và các hộ trồng cà phê có phương án tổ chức thu hoạch, sản xuất phù hợp để hỗ trợ người dân sơ chế cà phê đảm bảo chất lượng hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem