Cách làm rượu cần "quốc hồn quốc túy" của người K'ho qua một người phụ nữ Lâm Đồng
Cách làm rượu "quốc hồn quốc túy" của người K'ho qua một người phụ nữ Lâm Đồng
Văn Long
Chủ nhật, ngày 15/12/2024 10:16 AM (GMT+7)
Với hơn 40 năm kinh nghiệm làm rượu cần, bà Me Bla Phúi (60 tuổi, ngụ thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) vẫn nhớ như in từng loại nguyên liệu, quy trình để làm ra những ché rượu cần ngon, nét văn hóa độc đáo của người K'ho.
Cuối năm 2024, phóng viên được anh Kra Jãn Meng Nôl – Cán bộ văn hóa thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) dẫn đi tham quan, tìm hiểu về nghề làm rượu cần của người dân K’ho dưới chân núi Lang Biang.
Đây là một trong những nghề truyền thống, có từ lâu đời của người dân K’ho tại thị trấn Lạc Dương. Năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công nhận làng nghề làm rượu cần Bon Lang Biang đạt tiêu chí làng nghề truyền thống.
Là người đã có vài chục năm làm rượu cần, bà Me Bla Phúi (60 tuổi, ngụ thị trấn Lạc Dương) dẫn phóng viên vào tận nơi bà ủ rượu cần. Bà Me Bla Phúi cho biết, bà bắt đầu học làm rượu cần từ bà và mẹ của mình từ năm 15 tuổi. Đến nay, đã hơn 40 năm làm rượu cần nhưng tất cả các công đoạn, nguyên liệu thì bà nhớ không sai chi tiết nào.
"Để làm được rượu cần thì những nguyên liệu như men, gạo lứt hoặc bắp (ngô), vỏ trấu thóc. Trước đây, loại cây dùng để lên men rượu phải vào tận rừng sâu để lấy, bây giờ hiếm lắm rồi, vào tìm cũng không có. Vì vậy, giờ đa số phải ủ rượu bằng men đi mua ngoài chợ.
Đầu tiên phải chuẩn bị một cái chóe để ủ rượu, chóe trước khi ủ rượu phải được rửa thật sạch bằng nước hoặc rượu rồi đem phơi cho khô. Phần gạo hoặc bắp sẽ được đem đi vo thật sạch rồi nấu chín. Khi nấu không được để cơm quá khô hoặc quá ướt, nếu không sẽ hỏng cả mẻ rượu. Sau đó, phần cơm vừa nấu xong được đem trộn đều với men rượu, vỏ trấu thóc theo tỉ lệ phù hợp với số lít rượu mong muốn.
Cuối cùng, hỗn hợp trên được đưa vào chóe để ủ bằng cách bịt kín, cất chóe trong nhà, ít tiếp xúc với ánh sáng. Rượu ủ bằng gạo trong 1 tháng sẽ sử dụng được, còn ủ bằng bắp thì 2 đến 3 tháng sau sẽ dùng được", bà Me Bla Phúi chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Me Bla Phúi cũng cho biết, đó là các công đoạn ủ rượu của hầu hết các gia đình. Để làm được những chóe rượu ngon cần "có tay" (tùy tay người làm) hoặc có bí quyết riêng của mỗi gia đình. Những bí quyết này chỉ truyền lại cho con cháu, không tiết lộ ra ngoài.
Người trẻ muốn bảo tồn
Trong những năm gần đây, ngành du lịch tại thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương đang dần phát triển. Việc các khu, điểm du lịch như Lang Biang, Làng Cù Lần, Ma Rừng Lữ Quán đón lượng lớn khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm văn hóa bản địa của người bản địa đã giúp nghề làm rượu cần được ổn định.
Anh Kra Jãn Meng Nôl cho biết, hiện nay trên địa bàn thị trấn Lạc Dương có khoảng 200 hộ làm rượu cần, trong đó có nhiều hộ sản xuất thường xuyên. Rượu cần được làm ra đã cung cấp cho các khu, điểm du lịch để phục vụ du khách trong các buổi giao lưu văn hóa, biểu diễn cồng chiêng, lửa trại. Những chương trình này không thể thiếu rượu cần, bởi đây đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người K’ho tại địa phương.
Bạn trẻ Bon Đing Thanh Hiền (26 tuổi, ngụ thị trấn Lạc Dương) chia sẻ: "Em đã học được nghề làm rượu cần của ông bà đến nay được 6 năm. Nghề làm rượu cần mang tính bản sắc dân tộc của người K’ho, rất ý nghĩa. Em mong muốn giữ được văn hóa và bảo tồn nghề làm rượu cần truyền thống của dân tộc mình.
Nghề làm rượu cần đa số người K’ho đều làm, ở đâu có giao lưu cồng chiêng, đám hỏi, đám cưới thì đều có rượu cần. Đến nay, ngành du lịch phát triển thì càng có cơ hội cho những người làm rượu cần như chúng em. Chắc chắn nghề làm rượu cần sẽ được bảo tồn, em sẽ truyền lại nghề này cho con cháu của mình".
Ông Nguyễn Vũ Hoàng - Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Lạc Dương cho hay: "Làm rượu cần là nét văn hóa độc đáo của người dân K'ho tại địa phương. Việc đưa rượu cần vào phục vụ du lịch ở Lạc Dương không chỉ giúp bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống cho địa phương mà còn tạo cơ hội để người dân tham gia vào các hoạt động du lịch, từ đó nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.