Anh nông dân Hà Tĩnh biến vùng đồi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” trang trại tiền tỷ, trứng vịt to, tôm càng xanh bự

Hoàn Nguyễn Chủ nhật, ngày 15/12/2024 12:52 PM (GMT+7)
Anh Lê Công Tuấn, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) đã biến vùng đồi khô cằn sỏi đá thành một trang trại trồng cam, bưởi, cây keo, nuôi vịt đẻ và nuôi tôm càng xanh to bự…đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Quyết bám trụ quê hương để đổi đời

Cách đây hơn 20 năm, khi những người bạn cùng trang lứa đều rời quê vào miền Nam lập nghiệp, mong muốn thoát nghèo, còn anh Lê Công Tuấn quyết định bám trụ lại quê hương để lập nghiệp và phát triển kinh tế. 

Anh Lê Công Tuấn, SN 1981, trú tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). - Ảnh 1.

Anh Lê Công Tuấn, SN 1981, trú tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) biến vùng đất khô cằn, sỏi đá thành trang trại trồng cây ăn quả, cam, bưởi, cây keo, nuôi vịt và ao nuôi tôm càng xanh. Ảnh: PV

Với diện tích đất vườn đồi rộng 7ha, số vốn ít ỏi, anh Tuấn mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp gồm chăn nuôi vịt, trồng cam, bưởi, mai, nuôi tôm càng xanh và hơn 4ha cây keo.

Anh Lê Công Tuấn, cho biết: "Toàn bộ diện tích này trước kia hoang vu, địa hình phức tạp, chỗ đồi cao, chỗ thấp trũng. Năm 2003, tôi thuê lại, quyết định cải tạo để phát triển kinh tế. Ban đầu, tôi đã dành 4 ha trồng cây lâm nghiệp và 1 ha trồng cây ăn quả.

Việc đưa cây bạch đàn kéo dài thời gian thu hoạch nên không mấy hiệu quả, sau đó tôi chuyển đổi sang trồng cây keo lai. Để lấy ngắn nuôi dài, tận dụng những diện tích thấp trũng, tôi cải tạo thành ao hồ thả các loại cá truyền thống như cá trắm, cá chép, nuôi vịt đẻ để có thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày".

"Năm 2005, tôi cùng vợ quyết định lên ở hẳn tại trang trại để yên tâm đầu tư sản xuất. Thời điểm ấy rất khó khăn, bao nhiêu mồ hôi, công sức, vốn liếng đều vun vào để "khai hoang, phục hóa" vùng đất này. Nhờ có vợ, gia đình hai bên nội ngoại ủng hộ, càng tiếp thêm cho tôi động lực vững vàng vượt qua mọi khó khăn", anh Tuấn nhớ lại.

Anh Lê Công Tuấn, SN 1981, trú tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). - Ảnh 2.

Trang trại tổng hợp của Anh Lê Công Tuấn, trú tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: PV

Anh Lê Công Tuấn, SN 1981, trú tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). - Ảnh 3.

Đàn vịt của anh Lê Công Tuấn, SN 1981, trú tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) xuất bán hơn 65.000 quả trứng. Ảnh: PV

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, anh Tuấn không ngừng học hỏi kinh nghiệm, tích cực tham gia các lớp tập huấn cây trồng vật nuôi được tổ chức tại địa phương. Nhận thấy tôm càng xanh có thể nuôi trong ao hồ nước ngọt, cho giá trị kinh tế cao.

Năm 2020, anh Tuấn lặn lội ra miền Bắc học hỏi kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ao đất. Sau đó, anh Tuấn quyết định vay vốn cải tạo ao hồ đưa vào nuôi thả tôm càng xanh với tổng diện tích mặt nước gần 0,5 ha. Mặc dù, giống mới được đưa vào nuôi ở vùng này nhưng tôm càng xanh phát triển tốt phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây.

Anh Lê Công Tuấn, SN 1981, trú tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). - Ảnh 4.

Anh Lê Công Tuấn, trú tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) đang là tấm gương làm ăn kinh tế giỏi cho con em quê hương noi theo. Ảnh: PV

Sau 6 tháng nuôi tôm đạt trọng lượng 10 con/kg, giá bán 400.000đồng/kg. Tôm càng xanh nuôi ở vùng này chắc cho thịt thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. 

Hiện nay tôm càng xanh của gia đình anh được các nhà hàng trong và huyện và các thương lái đến thu mua với số lượng lớn.

Anh Nguyễn Văn Quang (thương lái thu mua tôm càng xanh phân phối cho các nhà hàng ở thành phố Hà Tĩnh), cho biết: "Tôi thường xuyên mua tôm càng xanh ở trang trại anh Tuấn để cung cấp cho các khách sạn, nhà hàng. Tôm càng xanh nuôi ở đây đạt trọng lượng lớn, thịt chắc, thơm ngon và nguồn cung rất ổn định".

Thành ông chủ "làng quê", doanh thu tiền tỷ mỗi năm

Anh Lê Công Tuấn đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi 2.500 con vịt đẻ và 0,5 ha mặt nước nuôi cá diêu hồng. Từ mô hình tổng hợp, mỗi năm xuất bán 1,5 tấn tôm càng xanh; 65.000 quả trứng và bán cây keo nguyên liệu đem lại doanh thu trên 1 tỷ đồng. Trừ chi phí lợi nhuận hơn 400 - 500 triệu đồng mỗi năm.

Anh Lê Công Tuấn, SN 1981, trú tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). - Ảnh 5.

Mô hình kinh tế tổng hợp đã đem lại lợi nhuận cho gia đình anh Lê Công Tuấn 400-500 triệu đồng/năm. Ảnh: PV

 Hiện nay, anh tiếp tục mở rộng sản xuất với việc trồng thâm canh 100 gốc mai, thả nuôi hơn 2.000 con cá chạch rú. 

Dự kiến Tết Nguyên đán này này anh sẽ có thêm nguồn thu nhập gần cả hàng chục triệu đồng. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn đã tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ tại địa phương.

Anh Lê Công Tuấn, SN 1981, trú tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). - Ảnh 6.

Anh Lê Công Tuấn đang phát triển trồng thâm canh 100 gốc mai phục vụ khách hàng mỗi dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: PV

Anh Lê Công Tuấn, SN 1981, trú tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). - Ảnh 7.

Tôm càng xanh được anh Tuấn đưa vào nuôi chất lượng thịt ngon, trọng lượng lớn được thị trường ưa chuộng. Ảnh: PV.

"Việc phát triển kinh tế trang trại, ngoài chịu khó, kiên trì thì cần phải tích cực học hỏi các tiến bộ kỹ thuật để áp dụng phù hợp. Bởi vậy, nhiều năm qua, tôi vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm qua Internet, các lớp tập huấn và các mô hình thực tế ở nhiều địa phương.

Bây giờ, tôi còn biết quảng bá các sản phẩm qua các kênh mạng xã hội như zalo, facebook… nên được nhiều người biết đến, đầu ra khá thuận lợi. Sau nhiều năm vất vả lao động, đến nay gia đình tôi đã có cuộc sống khá lên từ chính mảnh đất quê mình bằng nghề nông", anh Tuấn, bật mí.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Tuấn còn động viên, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân quanh vùng để có nhiều gia đình biết làm kinh tế, cùng nhau vươn lên thoát nghèo.

Nỗ lực vượt khó vươn lên, tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Mô hình kinh tế tổng hợp của anh Lê Công Tuấn đang ngày càng phát huy hiệu quả, sản xuất ổn định có tính bền vững.

Anh Lê Công Tuấn, SN 1981, trú tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). - Ảnh 8.

Dám nghĩ, dám làm trang trại tổng hợp của anh Lê Công Tuấn, trú tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) mỗi năm cho doanh thu hàng tỷ đồng. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch, cho biết: "Đây là mô hình kinh tế điển hình, hiệu quả, thể hiện sự năng động, sáng tạo của nông dân Lê Công Tuấn trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, góp phần tạo nên diện mạo mới cho quê hương. Mô hình cũng góp phần tạo hướng phát triển bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương cho bà con nông dân".

"Thời gian tới, ngoài việc tạo điều kiện cho thuê diện tích đất, tiếp cận các nguồn vốn. Chính quyền địa phương cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực học hỏi, tham quan mô hình để cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên trong cuộc sống", ông Trần Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch, nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem