Đoàn tùy tùng đến thánh địa Mecca của Mansa Mousa với 60.000 người và 12.000 nô lệ.
Theo BBC, ngôi vị người giàu nhất lịch sử thế giới cho đến nay thuộc về Mansa Musa, vị vua Tây Phi sống ở thế kỷ 14. Vị vua này giàu có tột độ nhờ nắm trọn trong tay nền kinh tế của đất nước.
“Các dữ kiện ngày nay là không đủ để mô tả chi tiết về sự giàu có và quyền lực của Mansa Musa”, Rudolph Butch Ware, giáo sư lịch sử tại Đại học California, Mỹ, nói với BBC.
Mansa Musa là người “giàu hơn tất cả những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng ra”, Jacob Davidson nói về vị vua châu Phi.
Năm 2012, một trang mạng Mỹ ước tính tài sản của Mansa Musa vào khoảng 400 tỷ USD, nhưng các nhà sử học đều đồng tình rằng con số này lớn hơn rất nhiều và không thể cân đo đong đếm.
Vị vua giàu có tột độ
Mansa Mousa được cho là sở hữu tới một nửa trữ lượng vàng của thế giới khi đó.
Mansa Musa sinh năm 1280 trong một gia đình quyền lực. Người anh trai Mansa Abu-Bakr, nắm quyền trị vì đất nước Mali cho đến năm 1312. Abu-Bakr tự nguyện thoái vị, rời đất nước đi chu du khắp nơi.
Theo sử gia Shibab al-Umari người Syria, Abu-Bakr rất đam mê khám phá Đại Tây Dương, dẫn đầu đoàn thám hiểm hơn 2.000 con thuyền với hàng ngàn nô lệ và binh sĩ.
Đoàn thuyền rời đi và không bao giờ quay trở về. Một số sử gia sau này cho rằng, đoàn người sau này đã định cư ở Nam Mỹ. Nhưng không có bằng chứng xác đáng về vấn đề này.
Dù thế nào, Mansa Musa cũng thừa kế ngai vàng của anh trai. Dưới thời Mansa Musa, vương quốc Mali phát triển vượt bậc, sáp nhập thêm 24 thành phố.
Vương quốc khi đó trải dài trong phạm vi 3.200km, từ Đại Tây Dương cho đến khu vực ngày nay là Niger. Với quyền cai trị lãnh thổ khổng lồ, Mansa Musa sở hữu hàng loạt kho báu, mỏ vàng và muối.
Đế quốc Mali ở thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của triều đại Mansa Mousa.
Dưới thời Mansa Musa, đế quốc Mali được cho là sở hữu một nửa kho vàng của cả thế giới khi đó, theo bảo tàng Anh.
“Với tư cách là vua, Mansa Musa nắm trọn vẹn tài sản của cả đất nước thời Trung Cổ”, Kathleen Bickford Berzock, người chuyên về lịch sử châu Phi, nói trên BBC.
“Các thương lái từ nơi xa xôi đến Mali xin giao dịch và Mansa Musa ngày càng trở nên giàu có”, Kathleen nói.
Hành trình đến thánh địa Mecca
Đế quốc Mali rộng lớn, giàu có là vậy nhưng gần như không được biết đến ở thời xưa. Mọi thứ thay đổi kể từ khi Mansa Musa cải sang đạo Hồi, quyết định hành hương đến Mecca, qua sa mạc Sahara và Ai Cập.
Vị vua Mali khởi hành với đoàn tùy tùng lên tới 60.000 người, bao gồm 12.000 nô lệ và đoàn tàu chở vàng, cừu.
Các sử gia sau này mô tả, đoàn người giống như một thành phố di động trên sa mạc. Đoàn người dĩ nhiên thu hút sự chú ý khi đặt chân đến Cairo.
Mansa Musa để lại số vàng khổng lồ trong những ngày ở Cairo, dẫn đến giá vàng trong khu vực giảm mạnh xuống 10 năm sau.
Công ty SmartAsset.com ở Mỹ ước tính, đoàn người của Mansa Musa đã khiến nền kinh tế Trung Đông tổn hại 1,5 tỷ USD.
Khi trở về, Mansa Musa lại đi qua Ai Cập và để “sửa sai”, ông được cho là đã mua lại số vàng mình bỏ ra. Một số sử gia thì cho rằng Mansa Musa đã tiêu hết số vàng mang theo và phải dùng nhiều cách khác nhau để trao đổi lại.
Người giàu nhất lịch sử bị lãng quên
Nhờ chuyến hành hương mà tên tuổi của Mansa Mousa được biết đến rộng rãi trong thế giới Ả Rập.
Các sử gia ngày nay đều đồng tình rằng Mansa Musa đã tiêu hoang phí trong chuyến đi hành hương xa xôi. Nhưng cũng nhờ đó mà vị vua này mới được phần còn lại của thế giới biết đến.
Trong tấm bản đồ Catalan Atlas năm 1375, hình ảnh Mansa Musa được phác họa rõ nét trên ngai vàng, cầm trên tay những đồng tiền vàng.
Mansa Musa trở về từ Mecca cùng các học giả Hồi giáo, bao gồm các hậu duệ của nhà tiên tri Mohammed. Vị vua giàu có còn trả cho một nhà thơ, nhà kiến trúc Abu Es Haq es Saheli, 200kg vàng (tương đương 8,2 triệu USD), vì đã có công xây dựng nhà thờ Djinguereber nổi tiếng.
Thành cổ Timbuktu ở Mali trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục vào thế kỷ 14.
Mansa Musa qua đời năm 1337 ở tuổi 57, kéo theo đế quốc Mali xuống dốc. Đế quốc dần tan rã bởi các cuộc chiến tranh giành quyền lực liên miên.
Vào thế kỷ 19, sự xuất hiện của người châu Âu ở khu vực đánh dấu sự chấm hết cho đế quốc Mali.
“Lịch sử thế giới thời Trung Cổ chủ yếu được biết đến nhờ các sử gia phương Tây”, Lisa Corrin Graziose, giám đốc bảo tàng lịch sử ở Mỹ, nói. “Đó là lý do Mansa Musa không được nhiều người sau này biết đến”.
“Nếu người châu Âu biết đến đế quốc Mali và Mansa Musa ở thời đỉnh cao quyền lực thì mọi chuyên có lẽ đã rất khác”, sử gia Ware nói.
Không phải là vị vua lắm thê nhiều thiếp nhất trong thời hiện đại, nhưng Vua Mswati III của Swaziland lại nổi tiếng nhất...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.