Người dân Thủ đô trắng đêm luộc bánh chưng Tết

Hồng Phú Thứ bảy, ngày 06/02/2016 14:00 PM (GMT+7)
Hà Nội đêm 27 âm lịch, trên nhiều con phố, người dân thủ đô nhóm lửa, dựng bếp nấu bánh chưng. Người thân, bạn bè quây quần bên nhau trò chuyện, cùng trông nồi bánh chưng xanh.
Bình luận 0

Người Hà Nội bây giờ ít gói bánh chưng hơn vì cuộc sống bận rộn, chỉ cần ra chợ mua về là có ngay. Tuy nhiên, vẫn còn đó những gia đình truyền thống gói bánh chưng mỗi khi tết đến xuân về, để con cháu cùng nhau luộc bánh chờ trời sáng.

Đêm Hà Nội 27 âm lịch, trong sự tất bật của công việc ngày cuối năm, vẫn bắt gặp người dân thủ đô  tranh thủ tự tay gói bánh, thức trắng đêm trông nồi bánh chưng với những câu chuyện vui buồn để khép lại một năm cũ đang dần qua.

img

Hình ảnh người dân Hà Nội thức trắng đêm bên nồi bánh chưng trên vỉa hè trên từng con phố trong những ngày cuối năm tạo nên một hình ảnh rất khác, gợi nhớ lại Tết xưa.

Bà Đào Kim Loan (đường  Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội), đang cùng gia đình nấu bánh chưng trên vỉa hè, chia sẻ : " Một năm gói một lần cho các cháu được thưởng thức không khí Tết ngày xưa. Thời xưa, nhà tôi ở phố Ông Triệu, mỗi dịp Tết đến, ông nội gói 200 cái, vào một thùng phi to rồi chia cho mỗi nhà 1,2 cái. Tôi đi theo ông, học gói, gói cùng với ông luôn, thế là Tết năm nào cũng theo ông gói bánh chưng cho mọi người. Bây giờ tôi cứ gói bánh cho các cháu nó thích".

" Tôi đã một lần đi đặt bánh chưng ở ngoài rồi nhưng không được ngon, thậm chí, bánh thiu ngay trong ngày 30 Tết. Mình gói lấy bao giờ cùng đảm bảo, lá rửa sạch từng cái, xong lau khô, bánh sẽ không bị thiu.  Thịt, gạo, đỗ... phải được lựa chọn kĩ " - Bà Loan cho biết thêm.

Cùng chung quan điểm, ông Lê Văn Đức (đường Đê La Thành) cũng chia sẻ: '"Đã 7 năm nay, gia đình tôi đều tự gói bánh chưng. Tết là dịp để gia đình quây quần sum họp, chiếc bánh chưng lại càng không thể thiếu, nên năm nay gia đình tôi tự gói và nấu để có cơ hội được ngồi lại với nhau những ngày cuối năm. Hơn nữa, ngồi bên nhau trông nồi bánh chưng thì sẽ có không khí ngày Tết truyền thống hơn".

Những đứa trẻ háo hức bên nồi bánh chưng xanh, tò mò về hương vị bánh chưng, Lê Thị Hoa (Mỹ Đình ,Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, thứ nhất, tự tay gói bánh sẽ chất lượng hơn, thứ hai là dịp cho các cháu hưởng không khí Tết xưa, đây cũng là dịp để anh em quây quần bên nhau trò chuyện. Ai cũng bận công việc nên tranh thủ đun buổi đêm cho tiện.

img

Trên phố Đê La Thành, gia đình nhà bà Đào Kim Loan quây quần bên nồi bánh chưng "gia đình nhà tôi có truyền thống gói bánh chưng mỗi dịp Tết âm lịch, đây là dịp để anh em trò chuyện cũng để cho các cháu hưởng không khí Tết xưa".

img

Năm nay nhà bà Loan gói 36 cái, nhà có 6 anh em, tập trung gói ở đây xong chia cho mỗi nhà mấy cái, cho mọi người thắp hương.

img

Luộc nồi bánh chưng phải mất từ 12 - 14 tiếng nên các thành viên trong gia đình nhà bà Loan thay nhau thức trông bánh như cho thêm nước, thêm củi, lật bánh...

img

Cả gia đình ông Lê Văn Đức (đường Đê La Thành) bên nồi bánh chưng xanh, nghi ngút khói và hương thơm. Cùng nhau trò chuyện về một năm đã qua

img

"Năm nay nhà tôi gói 10 cân gạo, chia cho 3 nhà. Đây là truyền thống của gia đình cũng là dịp để anh em gắn kết với nhau hơn nữa, cùng nhau chia sẻ, buồn, vui... của cuộc sống" - ông Đức nói

img

Những nồi bánh chưng xanh được nấu trên vỉa hè trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội tạo nên một hình ảnh khác hẳn những ngày thường

img

Không chỉ trên phố mà trong các ngõ ở Hà Nội, luôn bắt gặp hình ảnh bếp lửa ấm tình thân

img

Bà Lê Thị Hoa (Mỹ Đình ,Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, năm nào nhà cũng gói bánh chưng để giữ hương vị Tết cổ truyền

img

Những bếp nấu bánh chưng được tổ chức ngay trước cửa nhà, đầu ngõ...

img

Nhiều gia đình không có thời gian thức đêm, sáng gói bánh chưng, luộc bánh đến khoảng 10h đêm là vớt ra được

img

Mùi thơm  tỏa ra khắp phố, ai cũng cảm nhận được không khí Tết

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem