Chiều 5/6, Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM phối hợp với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin Truyền thông) tổ chức hội nghị phối hợp triển khai thúc đẩy chữ ký số trên địa bàn TP.
Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết, TP.HCM đã cấp chữ ký số cho hơn 1.100 cơ quan nhà nước và hơn 11.100 cán bộ, công chức, viên chức; phục vụ cho việc liên thông văn bản trong hệ thống thông tin thủ tục; sẵn sàng đưa vào sử dụng 100% các dịch vụ công đủ điều kiện trong năm 2023.
Cuối tháng 10/2022, thành phố đã triển khai và ra mắt Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với quy mô toàn thành phố. Mục tiêu đặt ra đến cuối năm 2023, thiết lập 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện trên hệ thống.
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã phối hợp với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia triển khai giải pháp tích hợp chữ ký số từ xa, trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ hành chính thành phố. Từ đó, thu được nhiều kết quả tích cực, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
"Sự kiện ngày hôm nay giúp đưa chữ ký số đến gần với người dân hơn, giúp người dân hiểu và sử dụng chữ ký số nhiều hơn, từ đó sử dụng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP nhiều hơn", ông Thắng nhận định.
Theo kế hoạch của Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị cấp miễn phí chữ ký số cho công dân đang làm việc và sinh sống tại TP.HCM từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2024. Người dân có thể đến bộ phận một cửa của UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện để được cung cấp.
Đồng thời, Sở sẽ cung cấp chữ ký số tại các sự kiện như: Tuần lễ sách của người làm báo (từ ngày 17 đến ngày 22/6) tại Đường sách TP, Hội sách quốc tế (từ ngày 25/9 đến ngày 1/10), Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024…
Tại hội nghị, ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, phân tích chữ ký số là một phương thức được luật hóa, giúp chứng thực danh tính trên môi trường điện tử. Với việc chứng thực này, mỗi cá nhân, doanh nghiệp có thể thực hiện các giao kết, giao dịch trên môi trường điện tử với tính pháp lý rõ ràng hơn.
"Chữ ký số là một thành tố tất yếu để xác định công dân trên môi trường mạng. Đây cũng là hạ tầng quan trọng để phát triển kinh tế số, chuyển đổi số", ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Khơ Din, Phó Chủ nhiệm, Tổng Thư ký Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cho hay, thông tin chữ ký số được tạo ra từ người sở hữu dữ liệu ban đầu, được khóa công khai và xác định chính xác người sở hữu. Chữ ký số cũng có tính chống chối bỏ trách nhiệm đối với các văn bản được chủ sở hữu ký tên.
Ưu điểm của chữ ký số là mang lại sự nhanh gọn trong giải quyết thủ tục; giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí vận hành, di chuyển. Trong trường hợp ký kết hợp đồng, các bên liên quan cũng không cần gặp gỡ, giảm thiểu trở ngại về khoảng cách địa lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.