Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, năm nay Lễ hội Katê được tổ chức, kết hợp công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật Quốc gia đối với Linga vàng phát hiện tại tháp Pô Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong).
Theo đó, Lễ hội Katê sẽ được tổ chức theo đúng phong tục tập quán, với sự tham gia đông đảo của đồng bào người Chăm đến từ 6 huyện trong tỉnh Bình Thuận: Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh và Hàm Tân.
Phần lễ với đầy đủ các nghi thức và cách thức hành lễ theo tập tục truyền thống của cộng đồng. Phần hội tiếp tục duy trì tổ chức các hội thi, hội diễn, trò chơi dân gian...
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến với Nhân dân, du khách trong nước và quốc tế về giá trị, ý nghĩa và nét đặc sắc Lễ hội Katê của người Chăm và bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của Lễ hội Katê. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Chăm và thăm quan, khám phá, trải nghiệm của du khách.
Từ đó dần đưa Lễ hội Katê trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn có sức thu hút Nhân dân, du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.
Đồng thời, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra về: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Theo ghi nhận, ngay từ sáng sớm ngày 1 và 2/10, các vị chức sắc và đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh và Hàm Tân đã di chuyển về di tích tháp Pô Sah Inư. Sau đó tham gia vào nghi lễ cúng cầu an, múa mừng, thỉnh mời Thần linh tại tháp chính.
Trong ngày 2/10 (mùng 1 tháng 7 Chăm lịch), diễn ra nghi lễ nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính, mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục bệ thờ Linga - Yoni và đại lễ cúng tạ ơn Nữ thần Pô Sah Inư, các vị thần linh và ông bà, tổ tiên...
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, Khu di tích tháp Chăm Po Dam (nơi phát hiện Linga vàng) tọa lạc trên sườn núi Ông Xiêm thuộc địa bàn thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, cách thành phố Phan Thiết khoảng 120km về phía Bắc đã được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1996.
Năm 2013 - 2014 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã phối hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ tổ chức 2 đợt khai quật khảo cổ tại khuôn viên nhóm đền tháp Chăm Po Dam, với tổng diện tích khai quật là 1.455m2, để làm sáng tỏ vị trí, kích thước, kết cấu kiến trúc…
Hai đợt khai quật trên đã làm xuất lộ nhiều hiện vật có giá trị như: phiến đá chạm khắc chữ Chăm cổ dạng bia ký, kết quả phân tích nội dung cổ tự trên phiến đá cho biết niên đại xây dựng tháp vào khoảng năm 710.
Đây là phát hiện mới vô cùng quan trọng, góp phần xác định niên đại xây dựng Khu tháp vào đầu thế kỷ VIII, tương đương với nhóm kiến trúc Mỹ Sơn E1, Mỹ Sơn C7 ở Quảng Nam.
Đặc biệt, đợt khai quật khảo cổ tại di tích tháp Po Dam lần này đã phát hiện Linga vàng và nhiều hiện vật khác có giá trị như: bệ yoni, bàn nghiền; các loại nhạc khí như: chuông, chũm choẹ, lục lạc; nhẫn mưta, gương đồng, rìu, giáo; cùng một số lượng lớn ngói lợp và nhiều di vật gốm vỡ ra từ các loại vật dụng như bình, hũ, tô, chén, đĩa, nồi,… góp phần khẳng định thêm giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng thờ sinh thực khí của người Chăm tại di tích tháp Po Dam.
Sở VHTTDL đã triển khai xây dựng Hồ sơ hiện vật Linga vàng phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ năm 2013 - 2014 tại tháp Po Dam tham mưu UBND tỉnh trình Bộ VHTTDL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xem xét, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật Quốc gia theo quy định tại Thông tư số 13/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2010 của Bộ VHTTDL về trình tự, thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.
Ngày 18/01/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết đinh số 73/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật Quốc gia đợt 12 - năm 2023. Trong số 29 bảo vật quốc gia được công nhận đợt này, có Linga vàng tỉnh Bình Thuận.
Ngày 5/3/2024, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 736/KH-UBND về việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia Linga vàng. Sở VHTTDL đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh chú trọng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia Linga vàng thông qua công tác trưng bày, triển lãm, giới thiệu lên trang wed, phương tiện thông tin truyền thông để tuyên truyền, quảng bá di sản văn hoá, bảo vật quốc gia của địa phương, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu của Nhân dân và du khách.
Đồng thời, phối hợp với các phòng chức năng Công an tỉnh và Công an thành phố Phan Thiết xây dựng phương án bảo vệ, tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn các hiện vật và bảo vật quốc gia được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng.
Theo Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận, Lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia Linga vàng gắn với Khai mạc Lễ hội Katê năm 2024 diễn ra tại tháp Pô Sah Inư, là sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá Chăm, phục vụ đời sống văn hoá tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào
Trong tiến trình lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển, người Chăm đã để lại một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, riêng biệt, đa dạng và phong phú như: Các công trình kiến trúc đền tháp, đền thờ, các tác phẩm điêu khắc đá, đúc đồng, tượng thờ, phù điêu, kho tàng thơ ca, truyện cổ, các lễ hội, lễ nghi, trang phục đa sắc màu, các nghề thủ công truyền thống… hết sức độc đáo, mang đậm dấu ấn và bản sắc riêng.
Tính đến thời điểm hiện nay, nhiều di sản văn hoá Chăm ở Bình Thuận đã được Nhà nước xếp hạng, đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục dựng và phát huy có hiệu quả, trong đó có 2 ngôi tháp và 3 ngôi đền thờ được xếp hạng di tích quốc gia, 5 ngôi đền thờ được xếp hạng di tích cấp tỉnh, 2 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.
Đặc biệt, nghề làm gốm truyền thống của người Chăm đã được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc) đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Linga vàng phát hiện qua khai quật khảo cổ tại tháp Po Dam, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia. Đây là niềm vui, vinh dự và tự hào lớn lao của cộng đồng người Chăm, do cha ông tạo lập, vun đắp và để lại cho các thế hệ con cháu hôm nay thừa kế, gìn giữ.
Nhân dịp Tết Katê 2024, bà Bố Thị Xuân Linh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận cùng cán bộ Mặt trận của tỉnh, huyện, xã đã đến thăm, chúc tết các chức sắc tôn giáo, người có uy tín và các ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tại hai địa phương Tuy Phong và Bắc Bình.
Tại 2 địa phương, đoàn đã gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà 20 vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín và tập thể Hội đồng chức sắc Bàlamôn tỉnh Bình Thuận.
Thay mặt đoàn, bà Bố Thị Xuân Linh đã chúc các chức sắc tôn giáo, người có uy tín và toàn thể đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn đón Tết Katê năm 2024 vui tươi, an toàn, tiết kiệm. Đồng thời ân cần hỏi thăm sức khỏe một số vị chức sắc, người có uy tín trong đồng bào Chăm ở Tuy Phong và Bắc Bình.
Cùng thời điểm này, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng đoàn công tác cũng đến thăm và chúc Tết Katê đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tại 2 xã Phú Lạc và Phong Phú, huyện Tuy Phong.
Tham gia đoàn có lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Sở Nội vụ, và chính quyền địa phương.
Tại Ninh Thuận, lễ hội Katê năm 2024 của đồng bào Chăm tổ chức trong ba ngày 1,2 và 3/10. Trong đó, lễ chính được tổ chức vào sáng ngày 2/10 tại 3 khu vực đền, tháp Chăm: Tháp Pô Klong Garai (TP. Phan Rang - Tháp Chàm), tháp Pô Rômê và đền Pô Inư Nưgar (huyện Ninh Phước).
Bình Thuận và Ninh Thuận là hai địa phương tập trung nhiều đồng bào Chăm ở nước ta. Katê là lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.
Lễ hội Kate của người Chăm được khai diễn hàng năm vào ngày 1/7 Chăm lịch (thường vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch), kéo dài trong 3 ngày. Vào lễ hội Katê, không chỉ người Chăm ở Bình Thuận –Ninh Thuận mà người Chăm sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè và người thân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.