Vũ Quỳnh Hương không phải một cái tên xa lạ trong làng báo lẫn trên văn đàn. Có tác phẩm đăng báo từ năm 12 tuổi, Vũ Quỳnh Hương là một trong những cây bút đầu tiên thành danh từ Hội bút Hương Đầu Mùa. Cô là tác giả của nhiều tập sách nổi tiếng được yêu thích như: Con bò treo cửa (truyện thiếu nhi), Trái tim của Sói (tiểu thuyết) và các tập thơ như Hương đầu mùa, Nếu yêu thì phải nói và Im lặng mà buông tay.
Quỳnh Hương là một cây bút nữ giàu cảm xúc mãnh liệt trong sáng tác cùng quan điểm khá rành mạch rõ ràng trong tư duy làm báo. Đến với talkshow Lối ra, cô mang theo tâm thế "người phụ nữ năng động" nói về hành trình đã đi qua một cách văn minh, thoải mái.
Lời đề nghị choáng váng trong đêm tân hôn
Nhớ về những năm tuổi trẻ, Quỳnh Hương tự nhận mình sinh ra trong một gia đình có truyền thống. Dù không đến mức quá cổ hủ nhưng sự yêu thương đùm bọc quá mức của bố mẹ đối với cô tựa như một chiếc áo bông bị ướt: khoác lên thì nặng mà cởi ra thì rét.
Đối với một tâm hồn phóng khoáng, điều này đã khiến Quỳnh Hương đôi lúc cảm thấy "nghẹt thở". Có lẽ vì thế, cô đã quyết định kết hôn từ rất sớm. Tuổi 21 đã bước lên xe hoa, cô thừa nhận mục tiêu lấy chồng của mình là tìm kiếm một tấm vé dẫn đến cánh cửa tự do. Ở độ tuổi còn non trẻ, "người đẹp viết văn" suy nghĩ đơn giản rằng mình đã sẵn sàng bước chân vào đời sống gia đình vì người đàn ông ấy là một lựa chọn tốt.
Những mộng tưởng về hôn nhân đã nhanh chóng sụp đổ nhưng Quỳnh Hương cho biết: "Tôi đã có quyết định ly hôn ngay sau đám cưới". Cho dù khi nhìn lại, bản thân cô vẫn cho rằng người bạn đời trước đây là một người đàn ông hoàn hảo. Quỳnh Hương nhớ lại, chồng cô đã rất lịch sự hỏi ướm rằng: "Nhà to thế này anh với em mỗi người ở một phòng được không, khi nào cần thì gõ cửa gọi nhau". Có lẽ khi ấy, tình yêu còn chưa đủ sâu đậm, cả hai chưa đủ trưởng thành để vượt qua những cú sốc.
Dù điều này vẫn quá khó chấp nhận với một người phụ nữ ở tuổi 21 nhưng Quỳnh Hương không hoàn toàn đứng trên lập trường phụ nữ mà cô chọn cách đặt mình vào đối phương để thấu hiểu. Cô tự lý giải "Chồng tôi sống theo cá thể loài thích sự đơn độc, cần không gian riêng để sáng tạo, học tập, chơi điện tử" và đồng thời cũng cho rằng "đàn ông và phụ nữ đều có nhu cầu đơn độc".
Đôi khi, không phải tình yêu của người đàn ông không đủ lớn, cũng không hẳn anh ta có được rồi nên không còn trân trọng. Đơn giản đó chỉ là phản ứng rất bản năng từ những suy nghĩ thực tế đến đau lòng của đàn ông. Thế mới nói, đàn ông sao Hỏa đàn bà sao Kim. Nếu phụ nữ coi những cái ôm, cái gác chân là sự gắn kết thì đàn ông nghĩ đó là phù phiếm, là không quá cần thiết.
Cuối cùng cô vẫn quyết định ly hôn – một quyết định "động trời" theo nghĩa đen năm 2005. Đó không phải lựa chọn bồng bột hay xuất phát từ cảm xúc nhất thời. Đơn giản đến một lúc nào đó, khi phụ nữ đã xuống tận đáy bế tắc, họ sẽ hiểu ly hôn là một nhu cầu chính đáng.
Tìm hiểu chồng cũ hậu ly hôn
Hậu ly hôn, người trong cuộc không riêng gì phụ nữ mà cả đàn ông sẽ không thể sống thật với cảm xúc của chính mình. Họ giả vờ mình ổn và chạy đua theo một loạt góp ý từ bên ngoài: hỏng thì sửa, còn sướng hơn khối người hoặc nghĩ cho con đi…
Nếu thấy Quỳnh Hương thực sự mạnh mẽ và quyết đoán trong suốt bao năm thì có lẽ không hoàn toàn đúng. Cô cũng có lúc mệt mỏi, đến mức tự "tự thương" với chằng chịt 40 vết rạch chỉ để nỗi đau thể xác có thể đánh lạc hướng nỗi đau tinh thần. Tuy nhiên, mọi thứ có thể làm lại, có thể sẽ tốt đẹp, sẽ nở hoa nhưng những rễ cây mục nát của ngày hôm nay phải nhổ tận gốc.
"Chúng tôi tìm hiểu lại sau ly hôn". Quỳnh Hương tự gọi quyết định của mình là kỳ dị - một quá trình giảm sốc. Mọi thứ đến với Quỳnh Hương từ cách bước vào hôn nhân, kiên quyết thoát ra, dành 12 năm tận hưởng tự do trước khi tái hôn hay kể cả quãng thời gian mắc hội chứng tự thương đều theo "quy luật": Thà làm để rồi hối hận còn hơn hối hận vì đã không làm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.