Vì sao Hội Nhà văn Việt Nam từ chối đề xuất xét duyệt danh hiệu Nhà văn nhân dân?

Yến Linh Thứ tư, ngày 15/06/2022 07:39 AM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn không phải nghệ sĩ. Với họ, danh xưng "nhà văn" là cao quý, thiêng liêng.
Bình luận 0

Mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam đã có công văn số 46 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa ra quan điểm về đề xuất xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) cho các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, soạn giả sân khấu và tác giả văn học.

Theo đó, Hội Nhà văn đồng tình với đề xuất mở rộng đối tượng được trao danh hiệu, tuy nhiên cho rằng không nên xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nhà văn.

Vì sao Hội Nhà văn Việt Nam từ chối đề xuất xét duyệt danh hiệu Nhà văn nhân dân? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. (Ảnh: Vanvn)

Trong công văn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều viết: "Các nhà văn có sứ mệnh, trách nhiệm cao cả, tác phẩm của nhà văn phản ánh hiện thực cuộc sống, viết lên tiếng lòng của nhân dân, các nhà văn có thiên chức đặc biệt cảnh báo và dự báo xã hội. Để đánh giá một nhà văn phải thông qua giá trị tác phẩm, tác phẩm có giá trị phải có tính lan tỏa rộng lớn và tác động mạnh mẽ tới nhân dân, tới xã hội.

Khó có định lượng cụ thể nào cho một tác phẩm của nhà văn để mang ra xét Nhà văn Ưu tú hay Nhà văn Nhân dân. Nhà văn không phải nghệ sĩ. Đối với người lao động sáng tạo trong văn học, danh xưng "nhà văn" là cao quý, thiêng liêng".

Trước đó, trong cuộc họp ngày 27.5 (kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15) về Dự thảo Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi), một số đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng xét duyệt NSND, NSƯT cho một số lĩnh vực, ngành nghề như nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên.

Chia sẻ với PV Dân Việt, nhà văn Sương Nguyệt Minh từng khẳng định: "Tôi nghĩ việc phong tặng danh hiệu cho nhà văn là không nên. Nhà văn thì chỉ hai chữ nhà văn là đủ. Xin đừng gán, đừng đắp thêm danh hiệu "Nhà văn Nhân dân", "Nhà văn Ưu tú" cho người sáng tác văn chương. Hoặc các vị đề xuất nhà văn cũng được nhận danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" cũng không nên.

Thêm cái "Nhân dân", "Ưu tú" rất có thể nhiều người bỏ viết, suốt đời bạc mặt đi tranh nhau cái danh hiệu vẻ vang ấy để treo trang trọng trong phòng khách và không màng gì đến chuyện viết lách nữa vì đã thỏa mãn tràn trề cái danh hiệu ấy. Thậm chí có người chạy chọt để có cái danh hão ấy. Cái danh hiệu Nhà văn Nhân dân, Nhà văn Ưu tú vô tình như cái bả hư danh. "Chết" vì cái danh hão ấy".

Trong khi đó, ở lĩnh vực kiến trúc, KTS Trương Ngọc Lân (Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng) cũng cho rằng, việc trao danh hiệu không quá cấp thiết: "Nhìn lại lịch sử, những họa sĩ lớn như Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái đều không có danh hiệu nhưng tác phẩm của họ để lại mãi với nhân thế. Trên thế giới và tại Việt Nam cũng đã có nhiều giải thưởng danh tiếng để tôn vinh các kiến trúc sư. Riêng với công việc này, tôi nghĩ việc công nhận tác phẩm là quan trọng hơn cả, so với những danh hiệu của bản thân họ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem