"Người đi tìm hình của Nước" và bài học để thực hiện khát vọng phát triển đất nước

Ngọc Lương (thực hiện) Thứ bảy, ngày 05/06/2021 11:30 AM (GMT+7)
Hành trình của Nguyễn Tất Thành từ khi lên tàu viễn dương năm 1911, đi qua các nước đến khi đọc bản luận cương của Lê Nin, ngoài thể hiện lòng yêu nước, thương dân, khát vọng giải phóng dân tộc, nghị lực phi thường, còn thể hiện một trí tuệ siêu phàm, biết tìm hướng đi mới, đột phá, biết nhận ra chân lý của thời đại.
Bình luận 0

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 -5/6/2021), PV Dân Việt có trao đổi TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để nhìn nhận về sự kiện đặc biệt này.

Một trí tuệ siêu phàm

Năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Bến Nhà Rồng, lúc đó Người mới 21 tuổi nhưng đã có sự dấn thân, đột phá tìm hướng đi mới, ông có suy nghĩ gì về điều này?

- Đặt vào bối cảnh cách đây 110 năm, việc ai đó bước chân ra khỏi lũy tre làng đã khó khăn, chưa nói tới chuyện vượt đại dương để đi tới một quốc gia khác. Thế nhưng người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tìm tới quốc gia mà họ đang tự xưng là "nước mẹ", đang đô hộ, kìm kẹp đồng bào mình, đó là điều vô cùng đặc biệt.

"Người đi tìm hình của nước" và bài học sâu sắc để thực hiện khát vọng phát triển đất nước - Ảnh 1.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12/1920 (Ảnh tư liệu).

Câu chuyện lịch sử cũng đã ghi lại, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rủ một người bạn cùng đi. Người bạn đó đã hỏi đi bằng cái gì. Nguyễn Tất Thành giơ 2 bàn tay trắng ra nói "đi bằng cách này", đôi bàn tay sẽ làm mọi việc để sinh sống, để có tiền đi. Nói vậy nhưng để thực hiện một hành trình vượt đại dương là rất khó khăn, muôn vàn thử thách. Làm thế nào để xuống tàu, xuống tàu rồi làm thế nào để có ăn, tiếng Pháp chưa biết nhiều, nghề nghiệp chưa có, chưa biết đất khách quê người như thế nào, sang đến đó sẽ thế nào… Nhưng Nguyễn Tất Thanh vẫn quyết tâm đi, điều đó đã chứng minh người thanh niên có nghị lực rất phi thường.

Suốt 30 năm ở nước ngoài (đến năm 1941 mới về nước), Người sinh sống như thế nào? Không chỉ là cuộc sống bình thường mà còn học tập, nghiên cứu và đấu tranh, Người viết Bản án chế độ thực dân Pháp, tố cáo chính nước đang cho mình dung thân, phải là một người phi thường mới làm được.

"Người đi tìm hình của nước" và bài học sâu sắc để thực hiện khát vọng phát triển đất nước - Ảnh 2.

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong ảnh Bác Hồ thăm bà con nông dân ở Đại Từ, Thái Nguyên (ảnh tư liệu).

Hành trình của một thanh niên yêu nước để tìm và nhận ra được con đường giải phóng dân tộc cũng khẳng định đó phải là trí tuệ đặc biệt, thưa ông?

- Có những thế lực đưa ra luận điệu cho rằng, việc ra nước ngoài của Nguyễn Tất Thành là bình thường, cứ đi như thế sao gọi là tìm đường cứu nước. Thực tế đã chứng minh Người đi tìm đường cứu nước thế nào. Nếu chỉ đi ra nước ngoài theo kiểu kiếm ăn thì việc gì Người phải đi khắp các nước từ châu Âu, châu Phi, Mỹ la tinh. Người đi như vậy để tìm câu trả lời giải phóng dân tộc bằng cách gì, làm thế nào để dân tộc thoát ách nô lệ. Người đã tham gia vào các tổ chức tiến bộ để vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân.

Chính qua nhiều năm bôn ba hải ngoại cùng với khát vọng tìm con đường để đấu tranh đưa dân tộc thoát khỏi ách đô hộ nên vào tháng 7/1920, nghĩa là sau gần 10 năm đi tìm đường cứu nước vẫn chưa thấy, khi đọc được Luận cương của Lê Nin về Vấn đề dân tộc và thuộc địa Người vui mừng đến phát khóc, bởi đây chính là thứ cần cho đồng bào mình, đây chính là con đường để có thể giải phóng dân tộc.

Từ hành trình lên tàu viễn dương qua các nước đến khi đọc được luận cương của Lê Nin, ngoài thể hiện lòng yêu nước, thương dân, khát vọng giải phóng dân tộc, nghị lực phi thường thì Người còn thể hiện một trí tuệ siêu phàm, đó là biết tìm hướng đi mới, sự đột phá và khác biệt, biết nhận ra chân lý của thời đại.

Cần phải nói thêm, ở trong nước giai đoạn đó cũng có nhiều cuộc đấu tranh của các bậc tiền bối như đấu tranh vũ trang của cụ Hoàng Hoa Thám, đấu tranh bằng con đường cải cách của cụ Phan Chu Trinh, đấu tranh bằng con đường ra nước ngoài (sang Trung Quốc, sang Nhật Bản) của cụ Phan Bội Châu nhưng các phong trào đấu tranh đó đều thất bại. Còn với Nguyễn Tất Thành đã có cách nghĩ khác, hướng đi khác.

Lúc đó mọi thứ với Người vẫn còn "mênh mông bể sở" chưa biết con đường ra làm sao, đi thế nào, thế nhưng Người vẫn quyết tâm ra đi bởi tự tin vào ý chí của mình, tự tin vào sức mạnh của lòng yêu nước, tự tin vào sức mạnh của dân tộc, tự tin vào chân lý. Trong muôn vàn khó khăn Người vẫn tìm được con đường giải phóng dân tộc.

"Người đi tìm hình của nước" và bài học sâu sắc để thực hiện khát vọng phát triển đất nước - Ảnh 4.

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ảnh PV).

Từ hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ cách đây 110 năm ông thấy có bài học sâu sắc nào cho chúng ta trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước ngày nay?

Thời đại ngày nay, chúng ta thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường có khó khăn không? Phải khẳng định bên cạnh những cơ hội thì rất nhiều khó khăn. Năm 2020 và năm nay, đại dịch Covid-19 bùng phát, hiện chúng ta đang phải đối diện đợt dịch thứ 4 với vô vàn cam go, rồi những khó khăn khác về kinh tế-xã hội nảy sinh trước diễn biến của đại dịch.

Nhiều quốc gia xung quanh chúng ta vẫn đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19 bùng phát, sản xuất ngưng trệ. Khi chúng ta hội nhập các nước gặp khó khăn chúng ta cũng khó khăn, vậy phải giải quyết thế nào đây?

Dân tộc ta gần 100 triệu người, chúng ta có Đảng lãnh đạo, có hệ thống các tổ chức chính trị -xã hội, các cơ quan hành chính từ Trung ương tới cơ sở, chúng ta có đường lối, có kế hoạch, nên khó khăn thế nào chúng ta cũng sẽ vượt qua nếu tất cả đồng lòng và quyết tâm.

Bài học của Người từ hành trình ra đi tìm đường cứu nước là ý chí, bản lĩnh, sự kiên cường, dấn thân, biết tìm hướng đi mới, sáng tạo, đột phá. Trong nhiều cuộc họp gần đây, Thủ tướng luôn nhắc, cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chúng ta học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tại sao cán bộ lãnh đạo lại không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn.

Nói như vậy để thấy việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, học phải đi đôi với hành, nếu hô hào suông sẽ không đem lại kết quả. Mỗi một người dân, mỗi một cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo không phải chỉ dám dấn thân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mà phải sẵn sàng, hăng hái đón nhận những khó khăn, thử thách.

Người cán bộ đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao trọng trách thì phải tự nguyện đem hết khả năng, trí tuệ để công hiến, những gì đem lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân thì phải cố gắng thực hiện cho dù phải đối diện với khó khăn, thử thách. Việc cống hiến của cán bộ, đảng viên góp phần làm cho đất nước tốt đẹp, nhân dân tốt đẹp cũng có phần tốt đẹp của họ trong đó.

Học tập Bác Hồ mọi người cần cố gắng hết sức trên cương vị của mình để tạo thành quả chung; phải từng năm, từng tháng tính hiệu quả về sự cống hiến của mình cho đất nước, để thế hệ này nối tiếp cho thế hệ khác, nhiệm kỳ này nối tiếp cho nhiệm kỳ sau, liên tục phát triển mới thực hiện khát vọng của dân tộc.

Xin cảm ơn ông (!)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem