Người “đính chính” lịch sử ngày 30.4

Thứ sáu, ngày 27/04/2012 06:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975 là xe tăng mang số hiệu 390 (không phải 843). Người đã “đính chính” lịch sử, trả lại khoảnh khắc nghìn năm có một ấy là nhà báo Pháp Francoise Demulder.
Bình luận 0

Còn đạo diễn Phạm Việt Tùng thì góp phần làm sáng tỏ sự thật lịch sử bằng bộ phim nổi tiếng “Người lính xe tăng 390 ngày ấy”. Nhắc lại câu chuyện trên đây, ông Tùng như lên cơn say, quên mất cái tuổi 74 của mình.

img
Đạo diễn Phạm Việt Tùng.

Nhớ buổi trưa lịch sử

Trong điếu văn đọc tại lễ tang nữ nhà báo Francoise Demulder năm 2008, Bộ trưởng Văn hóa Pháp- Christine Albanel đã dành cho bà những lời xưng tụng ít ai bì được: “Nước Pháp đã mất đi một người phụ nữ đáng nể trọng, một nữ nhiếp ảnh gia vĩ đại và một phóng viên chiến trường dũng cảm nhất”.

Còn đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng thì chỉ nói ngắn gọn: “Không có bà Francoise Demulder thì sẽ không có bộ phim “Người lính xe tăng 390 ngày ấy”. Và lẽ dĩ nhiên, một khoảnh khắc của sự thật lịch sử trưa ngày 30.4.1975 sẽ bị hiểu nhầm.

Năm 1995, bà Francoise Demulder trở lại Sài Gòn sau 20 năm kể từ cái ngày mà cả dân tộc Việt Nam như vỡ òa sau khi chiếc xe tăng của quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh và ông Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng.

Nữ nhà báo Pháp này trở lại Sài Gòn không chỉ với tư cách bà là một khách mời danh dự của Nhà nước Việt Nam sang dự lễ kỷ niệm giải phóng miền Nam, mà hơn thế, Francoise Demulder trở lại Việt Nam còn là để “tìm người trong ảnh” nữa.

Với nữ nhà báo từng trải trận mạc này, nhiều điều trong cuộc sống có thể thay đổi nhưng sự thật lịch sử thì chỉ có một. Mang suy nghĩ ấy, bà đã trở lại Việt Nam với mong muốn trả lại cho lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc này một khoảnh khắc chính xác nhất.

img
Đạo diễn Phạm Việt Tùng quay phim trước cổng Dinh Độc Lập trong ngày 30.4.1975. (Ảnh do đạo diễn Phạm Việt Tùng cung cấp).

Và bà đã tìm lại một serie ảnh, trong đó có bức ảnh ghi lại chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Đó không chỉ là một “buổi trưa lịch sử” của dân tộc VN mà còn là “lịch sử” trong đời cầm máy ảnh của bà.

“Đính chính” lịch sử

Đạo diễn Phạm Việt Tùng kể: “Năm 1994, anh Phạm Công Dũng ở trung tâm báo chí nước ngoài của Bộ Ngoại giao VN được cử sang Pháp thực tập. Tình cờ anh Dũng ghé phòng ảnh của bà Francoise Demulder và xem những bức ảnh bà chụp lại cảnh quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975. Anh rất ngạc nhiên khi thấy bức ảnh húc đổ cổng Dinh của bà không giống với bức ảnh mà lâu nay ở VN vẫn công bố. Câu chuyện dần được sáng tỏ từ đó”.

“Những người lính năm xưa chỉ nghĩ đơn giản một điều rằng, sau cú húc đổ cổng Dinh ấy là họ đã hoàn thành công việc của một thanh niên thời chiến một cách vẻ vang rồi. Là bởi, trong suy nghĩ của các anh ấy, để có ngày 30.4 lịch sử là hàng triệu người VN cùng ra trận và hy sinh chứ đó không phải là công trạng của một cá nhân nào”.

Đạo diễn Phạm Việt Tùng

Năm 1995, nhân 20 năm giải phóng miền Nam, bà Francoise Demulder được Bộ Ngoại giao VN đích thân mời sang dự lễ. Câu chuyện “cầm nhầm lịch sử” này, đạo diễn Việt Tùng từng được nghe nhưng chưa rõ ràng lắm. Nhân có chuyến trở lại VN của bà Francoise Demulder, ông không muốn “lỡ chuyến tàu” để trả lại cho lịch sử một sự thật.

Ông Tùng nhớ lại: “Tôi theo đoàn của bà Francoise Demulder suốt trong nhiều tháng trời để tìm cho ra 4 anh lính lái chiếc xe tăng 390 ngày ấy. Cả 4 anh Vũ Đăng Toàn, Nguyễn Văn Tập, Lê Văn Phượng và Ngô Sỹ Nguyên cũng loanh quanh Hà Nội, Hải Dương và Hà Tây (cũ) đây thôi mà phải mất trong nhiều ngày mới “kết nối” được.

Nhớ hôm chúng tôi về Hải Dương để tìm anh Nguyễn Văn Tập. Người dẫn đường nói rằng Tập đang đi bừa ngoài ruộng. Bà Francoise Demulder cũng lặn lội cùng với đoàn theo ra tận ruộng. Nhìn anh Tập đang vác chiếc bừa, bà Francoise Demulder tiến đến như muốn ôm chầm lấy anh. Bà nói: “Người đây rồi! Lẫn vào đâu được!”.

Tôi hỏi đạo diễn Phạm Việt Tùng: “Ông có gặp những cản ngại nào không khi trả lại sự thật cho lịch sử bằng bộ phim tài liệu này?”. Ông Tùng đăm chiêu: “Có chứ! Rất khó khăn, không phải khó khi tác nghiệp mà khó ở “đầu ra” của phim. May quá, cuối cùng rồi phim cũng đến được với công chúng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem