|
Mẫu răng của liệt sĩ Lê Kế Điềm giúp “giải mã” danh tính. |
Khó khăn không nản…
Thành công lớn nhất của Tuấn là trường hợp nhận dạng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh- lãnh tụ của Tổng Công hội đỏ (tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam), bị thực dân Pháp giết hại năm 1932 tại Hải Phòng.
Do thời gian chôn đã 75 năm, trong điều kiện bảo quản không tốt nên xương rất xấu và khó nghiên cứu. Nhưng chính những khó khăn đó đã tạo động lực thúc đẩy Tuấn và các cộng sự cố gắng, sau nửa tháng khẩn trương, nhân bản đoạn gene HVI thi thể người, kết quả gene của mẫu xương trùng với gene của mẫu máu lấy từ cháu của liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh. Đây cũng là trường hợp hài cốt để lâu nhất được xác định thành công từ trước đến nay.
Trường hợp xác định gene của liệt sĩ Lê Kế Điềm, SN 1940, thuộc tiểu đoàn 141 Sư 7, Quân Đoàn 4, quê ở Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên cũng ly kỳ không kém. Liệt sĩ Lê Kế Điềm là bố của Thượng tá Lê Kế Hoạ - Phó trưởng Công an huyện Khoái Châu.
Mộ phần bị thất lạc, sau chiến tranh nhiều lần anh Hoạ đã vào miền Nam tìm mộ bố nhưng không tìm được. Vì điều kiện lúc bấy giờ khó khăn nên cuộc tìm kiếm lại bị dừng.
Nhưng mỗi lần xác định được thân nhân, tên tuổi cho các liệt sĩ thì niềm vui của các gia đình liệt sĩ đã trở thành động lực phấn đấu cho tôi hoàn thành nhiệm vụ
Vũ Anh Tuấn
Tháng 11- 2007 anh Hoạ quyết định tiếp tục cuộc tìm kiếm từ TP.HCM xuống tới Phước Long (Bình Phước) thì được chỉ một ngôi mộ. Sau thủ tục xin phép, anh Hoạ tiến hành khai quật và lấy 1 đoạn xương.
Anh bay ra Hà Nội mang theo đoạn xương đến Viện Pháp y Quân đội gặp Vũ Anh Tuấn nhờ kiểm định. Mấy tuần sau nhận được thông báo không lên được gene vì xương quá ải, lõi toàn đất. Anh Hoạ quyết vào Phước Long lấy mẫu lần thứ 2, nhưng lần này có Vũ Anh Tuấn đi cùng. Lúc kiểm tra mộ tìm được 9 cái răng, Tuấn mang 3 cái về làm xét nghiệm.
Sau 1 tuần Tuấn gọi điện báo đã có kết luận gene. Tuy nhiên, vì công trình này chỉ xác định được gene thi thể chỉ có từ mẹ di truyền cho con. Người duy nhất có thể dùng được máu xét nghiệm gene là em trai của bà nội hiện đang sống ở Hải Phòng, anh Hoạ lại vội vã đi Hải Phòng lấy mẫu.
Anh Hoạ kể lại trong xúc động: “7 ngày sau, lúc đang làm việc tôi nhận được kết quả của Tuấn khẳng định chính xác đó là bố tôi- liệt sĩ Lê Kế Điềm. Chúng tôi vô cùng biết ơn đồng chí Tuấn đã giúp gia đình hoàn thành tâm nguyện”.
Sống là cống hiến
Chúng tôi đã gặp Vũ Anh Tuấn tại Hội nghị biểu dương 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân. Anh được vinh danh cùng với công trình: “Trình tự HVI hệ gene thi thể người và ứng dụng trong nhận dạng hài cốt liệt sĩ”.
|
Nhờ công nghệ gene, gia đình anh Hoạ đã tìm được mộ liệt sĩ thân nhân. Kim ngân |
Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ là một phần, thời gian làm nghiên cứu Vũ Anh Tuấn đã cùng các thân nhân liệt sĩ lặn lội vào các chiến trường ở Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Phước, Bình Dương... để lấy mẫu. Tuấn nói: “Phải đi vì nhiều người mang xương, cốt đến Viện xét nghiệm nhưng chất lượng rất kém có khi đã bị mục nát. Thậm chí nhiều người còn nhầm xương với mẩu cây khô. Tuy vất vả và mất nhiều thời gian nhưng bù lại tôi sẽ chọn được những mẩu xương, răng còn tương đối tốt, sẽ cho kết quả chuẩn xác”.
Vũ Anh Tuấn đã từng là trưởng phụ trách kỹ thuật nhận dạng 300 nạn nhân bị chết trên biển trong trận bão Chanchu 2006. Trong công việc, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiêm vụ được giao, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, liên tục nhiều năm liền đều có công trình nghiên cứu tham gia thi cấp cơ sở và toàn quân.
Hai năm 2008-2009 được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuấn tâm sự: “Dù vất vả nhưng mỗi lần xác định được thân nhân, tên tuổi cho các liệt sĩ thì niềm vui của các gia đình liệt sĩ đã trở thành động lực phấn đấu cho tôi hoàn thành nhiệm vụ”.
Lê Thị Kim Ngân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.