Bà Ngô Thị Bích (vợ ông Sơn) chăm sóc buồng chuối tiêu hồng. Ảnh: N.A
Xã Phú Long là một trong những vùng đất thuần nông nghèo của huyện Nho Quan, người dân ở đây quanh năm quần quật với đồng ruộng nhưng thu nhập cũng chỉ đủ ăn. Nhận thấy nếu cứ tiếp tục nuôi trồng các loại cây truyền thống sẽ không cho thu nhập cao, ông Trần Minh Sơn mạnh dạn đưa giống chuối tiêu hồng vào trồng. Ông Sơn kể: “Một lần về quê ở Hà Nam, tôi được bà con giới thiệu giống chuối tiêu hồng. Khi lên Nho Quan, tôi mua gom và đem theo hơn 700 mầm chuối giống… Ban đầu nhiều người ở địa phương chê cười chuyện đem chuối trồng trên đồi, nhưng tôi vẫn quyết làm, còn hiệu quả kinh tế sẽ chứng minh việc làm đúng hay sai”. Sau 1 năm trồng, hiệu quả kinh tế từ cây chuối tiêu hồng mang lại khá cao, năm 2011, ông Sơn quyết định mở rộng dần ra gần 6ha đất đồi của gia đình. Diện tích đất còn lại ông xây chuồng trại phát triển chăn nuôi và trồng thêm các loại cây ăn quả đặc sản như hồng, nhãn lồng, vải thiều, ổi không hạt, chanh đào và đu đủ…
Chọn đúng loại cây trồng, vật nuôi lại ham học hỏi áp dụng kinh nghiệm tốt, kiến thức kỹ thuật tiên tiến nên công việc sản xuất, kinh doanh của gia đình ông Sơn rất thuận lợi, hiệu quả. 3 năm trở lại đây, bình quân gia đình ông có doanh thu 1 tỷ đồng từ kinh tế trang trại. Riêng đồi chuối tiêu hồng đã mang lại cho gia đình doanh thu 800 triệu đồng/năm. Không chỉ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp, được trao nhiều bằng khen, giấy khen, ông Sơn còn là một trong những người tiên phong trong tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Năm 2014 gia đình ông đã tự nguyện hiến 2.000m2 đất trang trại và chặt bỏ hơn 300 cây ăn quả các loại để ủng hộ địa phương làm đường giao thông nông thôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.