Người dùng cải thiện tốc độ truy cập nhờ mạng riêng ảo (VPN)

Thứ năm, ngày 09/02/2023 21:28 PM (GMT+7)
Mạng riêng ảo có thể giúp người dùng tránh bị bóp băng thông dựa trên hoạt động, nhưng cách này không phải lúc nào cũng có tác dụng.
Bình luận 0

Vì sao mạng chậm mà VPN lại nhanh - Ảnh 1.

Khi hoạt động chơi game hoặc xem phim trực tuyến bị nhà mạng bóp băng thông, tốc độ truy cập sẽ cao hơn qua VPN. Ảnh: istock.

Bị gián đoạn kết nối Internet, mạng chậm, anh Phạm Trường (Hà Nội) đặt câu hỏi tìm giải pháp khắc phục lên một diễn đàn công nghệ. Nhiều người dùng chia sẻ gặp tình trạng tương tự và đã cải thiện tốc độ truy cập nhờ mạng riêng ảo (VPN).

"Mình dùng mạng buổi tối bị lag, nhưng khi mở VPN thì tốc độ lại mượt mà", anh Hoàng Minh (Hà Nội) chia sẻ.

Thông thường, VPN sẽ làm mạng chậm hơn hoặc không ảnh hưởng đến tốc độ mạng. Nhưng hiện nay với 4/5 tuyến cáp quang gặp sự cố, rất có thể các nhà mạng phải điều chỉnh lại lưu lượng để hạn chế các dịch vụ tiêu tốn nhiều tài nguyên mạng để các thuê bao đều có lưu lượng sử dụng.

Đây có thể là lý do khiến cho VPN làm cho tốc độ truy cập mạng nhanh hơn, nhờ giấu hoạt động và tránh việc bị điều chỉnh lưu lượng.

"Nhiều người dùng chung nhà mạng gặp tình trạng giật lag, nhưng qua VPN mình vẫn có thể stream nội dung mà không gặp vấn đề gì", một thành viên diễn đàn cho biết.

VPN dùng để làm gì?

Hơn 31% người dùng Internet, tức là hơn 1,2 tỷ người, cho biết họ sử dụng VPN trong một khảo sát năm 2023, theo Website Rating. Con số này gần như chắc chắn sẽ tăng lên trong những năm tới do các mối đe dọa bảo mật trực tuyến gia tăng, và người dùng Internet tìm kiếm các cách để bảo vệ danh tính và thông tin trực tuyến của mình.

Mỗi thiết bị điện tử truy cập Internet có một địa chỉ IP tiết lộ thông tin thiết bị, vị trí, thậm chí danh tính người dùng. Dịch vụ VPN là một bước trung gian, mã hóa lưu lượng truy cập và kết nối người dùng đến một địa chỉ IP ảo ở quốc gia khác, rồi từ đó mới kết nối với trang web hoặc dịch vụ trên Internet.

Vì sao mạng chậm mà VPN lại nhanh - Ảnh 2.

VPN là bước trung gian giữa người dùng và các server, giúp ẩn danh hoạt động trực tuyến. Ảnh: centralgalaxy.

VPN khiến các trang web hoặc tổ chức trên Internet khó xác định vị trí thiết bị của người dùng. Nhờ IP ảo, dữ liệu và hoạt động trực tuyến cũng được ẩn danh. Nhiều người dùng tìm đến dịch vụ này để truy cập vào các dịch vụ trực tuyến bị chặn ở quốc gia sở tại.

Cũng vì phải đi qua một bước trung gian, VPN thường làm chậm tốc độ truy cập mạng. Nhưng trong một số trường hợp, VPN có thể làm tăng tốc độ Internet, cụ thể là khi địa chỉ IP bị nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) bóp băng thông.

Vì sao VPN có thể cải thiện kết nối mạng

Đôi khi các ISP sẽ cố tình làm chậm lưu lượng truy cập Internet của khách hàng, gọi là điều chỉnh hoặc bóp băng thông.

Bóp băng thông nhắm mục tiêu vào các loại hoạt động trực tuyến cụ thể, thường là hoạt động tiêu tốn nhiều lưu lượng chẳng hạn như chơi game hoặc xem phim 4K trực tuyến, nhằm tiết kiệm lưu lượng và đảm bảo tất cả các khách hàng của ISP đều có lưu lượng để sử dụng.

Hoạt động điều chỉnh băng thông hầu như luôn nhắm mục tiêu vào các loại trang web cụ thể, chẳng hạn như dịch vụ xem trực tuyến. Vì VPN đã mã hóa lưu lượng truy cập Internet, ISP mất đi thông tin về hoạt động trực tuyến để có thể đưa IP vào diện bị bóp băng thông.

Bóp băng thông sẽ không nhắm đến các dịch vụ phổ biến như Facebook, Google hay YouTube, thay vào đó sẽ nhắm đến các hoạt động có lưu lượng tải xuống lớn như xem phim trực tuyến độ phân giải cao, chơi game, tải file lớn. Do đó, người dùng Internet với các nhu cầu này có thể hưởng lợi về tốc độ truy cập qua VPN.

Tuy nhiên, VPN chỉ có tác dụng khi ISP nhắm mục tiêu cụ thể để bóp băng thông, và sẽ không có tác dụng nếu ISP bóp băng thông trên toàn bộ mạng, chẳng hạn trong trường hợp gặp sự cố và lưu lượng có sẵn thấp.

Hoàng Nam (Theo Zingnews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem