Khi chúng tôi đến căn nhà nhỏ gần chân núi đá lởm chởm ở xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng, cụ Nguyễn Thị Phú đã hơn 90 tuổi đang lúi húi trong bếp vét vài miếng cháy ở đáy nồi.
Người giàu cũng cô đơn
|
Hơn 90 tuổi nhưng cụ Nguyễn Thị Phú vẫn sống cảnh “cơm niêu nước lọ” một mình. |
Ngước đôi mắt kèm nhèm nhìn khách, cụ thều thào: "Tôi có 8 người con thì đã mất 3 đứa vì nổ mìn khai thác đá. Mấy đứa còn lại đều nghèo, không nuôi nổi nên tôi sống riêng, có gì ăn nấy cô ạ".
Những lúc minh mẫn như vậy, cụ Phú chẳng quên thứ gì trên đời... Nhưng cứ vài bữa, cụ lại lú lẫn, nói nhảm rồi thẩn thơ đi khắp làng. Con cháu có lo cũng chỉ tới mức tối cử đứa cháu đến ngủ cùng cụ. Có hôm bận gì là đứa cháu khóa cửa nhốt cụ trong nhà vì sợ cụ đi mất. Nghĩ mà khổ cho cảnh già.
Dù sống trong nhà cao cửa rộng, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Th (xã Tân Lập, Vũ Thư, Thái Bình) cũng đang “gặm nhấm” nỗi cô đơn.
Ông bà sinh được hai người con trai, giờ đều là doanh nhân thành đạt, lập gia đình và sinh sống luôn ở Hà Nội. Để báo hiếu, hai anh xây ngôi nhà to đẹp nhất xã và hàng tháng gửi tiền về cho bố mẹ dưỡng già. Mới đầu, ông bà thấy mát mặt với thiên hạ, nhưng cũng chỉ được vài tháng thì thấy mệt mỏi, trống trải trong ngôi nhà rộng thênh thang.
Nhà to mà chẳng có người ở, lại kín cổng cao tường nên hàng xóm ngại đến chơi, nhà đã vắng càng thêm vắng. Chỉ khổ hai thân già, hàng ngày cặm cụi lau chùi, cọ rửa hết phòng nọ sang phòng kia, tầng trên xuống tầng dưới, mệt đứt cả hơi...
Cụ bà Nguyễn Thị X ở thôn Hồng Thạch, xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cũng có tới 7 đứa con nhưng đều đi làm ăn xa, để mình cụ ở quê. Cụ ốm nằm viện cũng chỉ có đứa cháu họ tới trông. Nằm viện trong sự buồn tủi, bệnh cụ cứ kéo dài liên miên không dứt, tới mức bác sĩ nản, bảo gọi con cháu về.
Ông Vũ Trọng Phu - Chủ tịch Hội Người cao tuổi thôn Hồng Thạch, xã Minh Tân trầm ngâm: "Số người già ở nông thôn ngày càng gia tăng. Riêng thôn tôi cũng phải đến gần 10 cụ sống một mình, con cái cả tuần hay nửa tháng mới về thăm rồi lại đi. Các cụ ăn chẳng đáng bao nhiêu, mỗi bữa lưng cơm là đủ. Chỉ sợ nhất là những lúc trái gió trở trời không có ai bên cạnh, các cụ đi lúc nào không ai hay".
Chết vẫn chưa hết cô đơn
Theo PGS-TS Trần Văn Chiến - Viện trưởng Viện Nghiên cứu dân số, Tổng cục DS- KHHGĐ, người cao tuổi ở Việt Nam năm 2010 là 8,13 triệu người, chiếm 9,4% dân số. Theo dự báo, tỉ lệ NCT nước ta sẽ tăng lên 26% dân số vào năm 2050 (ước tính gần 30 triệu người). 73% người cao tuổi sống ở nông thôn và 21% trong số đó vẫn thuộc diện nghèo. Cuộc sống ngày càng có nhiều biến cố (thiên tai, tai nạn, bệnh tật) khiến cho nhiều cha mẹ "mồ côi" con. Như vậy, tình trạng người già cô đơn sẽ ngày càng phổ biến cả ở nông thôn và thành thị.
Diệu Linh (ghi)
Có lẽ những “cơn đói” về tình cảm, tinh thần lại là nguyên nhân chính làm người già chết dần, chết mòn, chứ chẳng vật chất nào bù đắp nổi.
Ông Nguyễn Văn T, hơn 80 tuổi, ở xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng sống trong căn nhà và vườn tược rộng hàng trăm mét vuông, nhưng lúc nào cũng bảo nhớ con cháu lắm.
Nhiều lần ông ra thành phố ở chơi với chúng, bị giam trong 4 bức tường ngột ngạt, được mấy ngày thì ông chán nên nhất quyết đòi về quê. Về, một mình thui thủi, ông ăn uống thất thường, nhiều hôm bỏ bữa nên sức khoẻ rất yếu.
Tủ lạnh trong nhà lúc nào cũng đầy ắp thức ăn do con mỗi lần về thăm mua bỏ vào nhưng chẳng mấy khi ông đụng đến, thi thoảng ông gọi mấy đứa trẻ hàng xóm mang về ăn chứ để lâu sợ nó hỏng.
Gần đây, cái chết của cụ T.T. Nh ở xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, Thái Bình làm nhiều người đau lòng. Cụ có con đàn cháu đống, nhưng chúng toàn ở đâu đâu và không ngó ngàng, để bà cụ chết trong nhà đã mấy ngày mà không ai biết.
Thường ngày, người ta vẫn thấy cụ đi chợ, quét ngõ, nói chuyện vui vẻ với mấy ông bà quanh xóm. Bẵng đi mấy ngày không thấy bóng cụ ra vào, nhà lại đóng cửa, hàng xóm tưởng cụ lên Thái Nguyên chơi với cô con gái. Đến khi ngửi thấy mùi hôi thối bốc ra từ nhà cụ, mọi người phá cửa vào thì phát hiện cụ đã chết từ bao giờ...
Bùi Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.