Người giữ hơi ấm trăm ngàn nếp nhà Việt

Trần Tuấn Thứ bảy, ngày 17/02/2018 06:00 AM (GMT+7)
Hàng trăm ngàn ngôi nhà cổ cả nước được trùng tu, phục dựng nguyên vẹn suốt hai thập kỷ qua, trong đó có ngôi nhà cổ được trả giá 2 triệu đôla không bán là công lao của cha con bác phó mộc làng Bồng Lai (Điện Minh, Điện Bàn, Quảng Nam - Lê Văn Tăng.
Bình luận 0

Nơi làng Bồng Lai, Điện Minh, một ngày mưa gió, tôi cứ bần thần trong ngôi nhà cổ Nguyễn Nho Phán. Nhớ bữa ấy được nghe ông Nguyễn Nho Lĩnh, con trai cụ Phán kể về lịch sử ngôi nhà bằng gỗ mít trên trăm năm tuổi nay được gọi theo tên cha mình, dưới bàn tay tạo tác tài hoa của thợ Kim Bồng. Ngôi nhà đã thành di tích của tỉnh Quảng Nam.

Cha và con trai và nhà cổ

Ông phó mộc Lê Văn Tăng kể tôi nghe về số phận những ngôi nhà cổ của làng, của vùng đất Quảng Nam, về những cây cột cây kèo, mảng hoa văn chạm trổ gắn liền với số phận của ông từ thời còn là anh thợ mộc dạo rày đây mai đó. Khi nhìn quanh các xóm làng thấy biết bao ngôi nhà cổ xiêu vẹo, hoang tàn, bởi bão lũ triền miên, bởi đời sống sau lũy tre làng thời ấy cơ hàn, ai nấy chạy sấp mặt kiếm từng miếng ăn. Nhà cổ biết là cả gia tài, là hồn cốt ông cha để lại đấy, nhưng đành chịu mặc cho gió mưa, mối mọt. Người có nghề mộc trong tay như ông, nhìn càng xót thương. Nhưng ngó lại mình, gia cảnh cũng cơ hàn không kém, chạy ăn từng bữa. Đứa con trai đầu sớm ra đi từ bé bởi đau ốm thiếu tiền chạy chữa thuốc thang. 

img

 Ông Lê Văn Tăng giới thiệu trường lang trong Bảo tàng nhà cổ với những viên gạch thanh tĩnh hơn 150 năm được ông cắt mài công phu.  Ảnh: T.T

Rồi với một cây vàng vay mượn được, ông lập một kíp thợ tay đục tay cưa tìm đến những ngôi nhà mục nát mời gọi trùng tu, sửa chữa. Nhưng phần nhiều ông nhận được những cái lắc đầu. Rời chân bỏ đi không đành, ông bèn “gạ” gia chủ nhượng bán lại xác nhà với lời hứa sẽ hồi sinh lại nó…

Để sáng nay giữa lất phất mưa, ông xách xe máy dẫn tôi ghé thăm Không gian nhà Việt Nam (Vinahouse space) của cha con ông ở cách nhà không xa, trên đường chạy về Hội An. Trên không gian rộng hơn 1ha là quần thể với hơn 30 nhà cổ và công trình kiến trúc phục dựng hội tụ từ cả ba miền. Dạo bước dưới từng nếp nhà cổ độc đáo rộng mênh mông đều có tuổi đời tính bằng 1-2 thế kỷ, bàn tay chạm vào những cây cột bóng mướt, ngước nhìn lên thấy đâu đâu cũng bừng nở nét hoa văn chạm trổ hào hoa, mới chợt nhận ra không phải ngẫu nhiên Sách kỷ lục Việt Nam 3 năm trước ghi danh nơi đây - “Bảo tàng kiến trúc nhà cổ Việt lớn nhất”. Cùng với đó là hàng loạt kỷ lục “Nhà tam gian tứ hạ Quảng Nam được phục dựng có kích thước lớn nhất và nhiều cột nhất” (108 cây cột), “Nhà tranh tre thuần Việt được phục dựng theo phong cách cổ nhất”, “Ngôi nhà sinh thái theo mô hình chiếc nón có mái lợp bằng gáo dừa lớn nhất” (2,4 triệu mảnh gáo dừa khô)… Gia tài ấy chưa kể tới hàng trăm ngàn nếp nhà cổ khắp nơi trên cả nước được ông và những kíp thợ mộc tài hoa phục dựng, bảo tồn.

img

 Khách du lịch được giới thiệu về nhà cổ Việt trong bảo tàng. Ảnh: Trần Tuấn

Nhưng không phải ngàn ngôi nhà cổ, mà đứa con trai lớn mới là gia tài lớn nhất đời ông… Trong nhóm thợ mộc lang thang ngày ấy có cậu con trai Lê Văn Vĩnh, tuổi chưa đầy đôi mươi đã phải nghỉ học theo cha mưu sinh phụ giúp cha mẹ và 3 đứa em nhỏ. Có ai ngờ cậu trai làng phó mộc ấy từ nay đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhà Việt Nam (Vinahouse). Dưới tay chàng trai 38 tuổi giờ không chỉ có Không gian nhà Việt, mà là hàng loạt showroom, chi nhánh tại Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, cùng 7 đơn vị thành viên và 4 nhà máy trực thuộc, tổng số công nhân trên một ngàn người, trong đó có nhiều kỹ sư, kiến trúc sư, hoạ sĩ …

“Thằng Vĩnh giỏi ngang hàng…tau”, đó là lời khen đầy tự hào của ông dành cho con trai.

Thổi hồn vào nếp cũ

  “Tau mà đổ tiền ra buôn đất Đà Nẵng, Sài Gòn thì lời khối tiền, cả ngàn tỷ. Nhưng nặng tình nhà cửa, quê hương nên cứ suốt đời ôm lấy cây với gỗ thôi. Và chỉ để lại hết ở nơi này”, ông phó mộc Lê Văn Tăng bật nói, khi tôi đùa rằng không gian nhà cổ mênh mông độc đáo này mà đưa ra Hà Nội, vào Sài Gòn nhỉ?! Rồi ông chợt suy tư, rằng gỗ bây giờ chủ yếu nhập khẩu, đâu chắc nịch, bền bỉ tới trăm năm ngàn năm...

Dừng lại trong ngôi nhà ngũ gian nhị hạ (5 gian 2 chái) bề thế rộng 266,25m2 mua lại của một gia đình ở Bình Quý (Thăng Bình, Quảng Nam), ông Tăng chỉ tôi xem bức ảnh cũ chụp ngôi nhà trên mảnh đất nơi nó được dựng lên từ hơn trăm năm trước. “Nhà khi ấy mục nát hết rồi, nếu không kịp mua lại thì chỉ còn củi” - ông kể. Đó là tầm năm 1998, nhưng mất cả hơn năm trời thuyết phục gia chủ mới chịu để lại, với lời hứa của cha con ông, rằng sẽ chỉ lưu giữ bảo tồn chứ không buôn bán kiếm lời. Giờ trong ngôi nhà này vẫn tái hiện nguyên vẹn nếp đời sống của người xưa. Hai chái hai bên là phòng ở của đàn ông và phụ nữ theo quy tắc “nam tả nữ hữu”. Phòng nữ có giường tủ, bàn trang điểm. Phòng nam giường nằm là cái rương chứa tài sản quý có 7 bánh xe đẩy, để đẩy ra phòng khi hỏa hoạn.  

Lời hứa bảo tồn cũng được cha con ông giữ nguyên với ngôi nhà tam gian tứ hạ (3 gian, 4 chái) bằng gỗ mít có tới 108 cây cột mua lại của một gia đình ở xã Đại Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam). Khi ngôi nhà sau hơn 200 năm sử dụng đã hư hại nhiều, mái sụp, hầu như chỉ còn lại 3 gian chính, trong khi gia chủ không có tiền trùng tu. Nhưng, cha con ông cũng phải đi lại “mòn đường chết cỏ” người ta mới chịu bán.

Thời điểm ấy, cha con ông mua lại với giá 100 cây vàng (khoảng 280 triệu đồng), về phải bỏ ra thêm 100 cây vàng nữa để trùng tu. Ông Tăng kể, năm 2003, ngôi nhà này được ông Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan dạm mua với giá 2 triệu đôla, nhưng cha con ông quyết không bán. Bởi như ông nói “Bán là hết !”. “Kiến trúc nhà cổ truyền lớn nhất Quảng Nam”, như thẩm định của các chuyên gia Nhật Bản ấy giờ liệu đang ở đâu, ra sao, nếu không có tâm huyết của cha con ông phó mộc làng Điện Minh?  

img

 Lê Văn Vĩnh bên ngôi nhà bằng tre gần 110 năm tuổi và chủ nhân cũ của nó. Ảnh: Hữu Trà

Trân trọng quá khứ và tính nguyên bản, nên trên tường mỗi ngôi nhà đều treo trang trọng bức ảnh cũ trên nền đất gốc, cùng xuất xứ lai lịch và thông số kỹ thuật. Bởi thế, không chỉ khách du lịch, Bảo tàng này còn là nơi đi về của nhiều thế hệ con cháu các chủ nhà xưa, tìm về chiêm ngắm mái ấm bao đời của tổ tiên nay còn nguyên vẹn, vẹn nguyên cho đến cách bài trí đồ đạc bên trong, như muốn giữ lại hơi ấm truyền đời…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem