Câu chuyện bắt đầu từ năm 2005, dì Liên ra Thừa Thiên - Huế để mưu sinh với công việc bán kẹo rong. Dì sống ở khu trọ 93/60 đường An Dương Vương, TP.Huế. Sống ở đây, dì Liên thấy thương cho những cô cậu sinh viên xa nhà suốt ngày cứ ăn mì tôm rồi cơm bụi.
|
Dì Nguyễn Thị Liên bên căn nhà trọ của sinh viên. |
Dì nghĩ đến quãng thời gian mưu sinh của mình. Điều này đã thôi thúc dì Liên quyết định sẽ nấu ăn không công cho sinh viên. Biết được ý định này, hàng xóm khu trọ ai cũng can ngăn hết lời bởi họ nghĩ tội chi dì phải chuốc cái khổ vào người. Thế nhưng, dì không nghĩ vậy. Dì nói: “Làm ơn không cần người khác phải trả. Mình có đủ sức thì làm chứ đừng nên cân đo đong đếm”.
Thế rồi, sáng nào cũng vậy, sau khi mua xong hàng để chiều đi bán, dì Liên lại xách giỏ đi chợ. Sinh viên nghèo, đóng cho dì rất ít tiền. Thời buổi vật giá tăng vọt nên mỗi lần đi chợ là dì tính toán rất tỉ mỉ. Dì luôn xác định số miệng ăn để tiện bề chi tiêu. Dì biết sinh viên nghèo khó nên phải tính toán làm sao với chừng đó tiền mà mua được nhiều thứ có chất lượng. Chợ xong, dì vào bếp để chuẩn bị cơm nước.
Nhiều lúc kẹt, không có tiền chi tiêu, dì Liên phải dốc tiền túi để lấy tiền đi chợ. Nhiều lúc, sinh viên không có tiền về quê, dì phải đập heo đất từ công việc bán kẹo ra cho mượn. Tiếng là mượn, nhưng không bao giờ dì có ý định đòi nợ. Đối với dì, trả cũng được, không trả cũng chẳng sao. Không ai muốn mắc nợ người khác trừ khi mình gặp khó khăn.
Rồi khi những sinh viên ốm đau, dì Liên lại ở bên chăm sóc. Dì lo cơm cháo đến khi chúng khỏe lại. Chính thái độ ân cần đó nên ai cũng quý mến dì Liên. Em Hạnh, sinh viên năm 2 Trường Đại học Kinh tế Huế tâm sự: “Em sống ở đây cũng đã 2 năm. Ở đây, dì Liên giúp đỡ em nhiều lắm. Ai dì cũng tốt và nhiệt tình giúp đỡ hết. Vì thế, bọn em xem dì như là người mẹ thứ hai của mình. Sống xa nhà, xa cha mẹ, gặp người tốt bụng như dì, chúng em thiệt may mắn”. Tính đến nay, dì Liên đã có hơn 20 người con tinh thần, gọi dì bằng dì, bằng mẹ.
Võ Hữu Phúc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.