Đầu đạn tên lửa hạt nhân của Liên Xô.
Theo Daily Star, ngày 26.9.1983, Stanislav Petrov, trung tá Không quân Liên Xô đang làm nhiệm vụ giám sát hệ thống radar cảnh báo sớm ở căn hầm Serpukhov-15 gần Moscow.
Đúng vào giữa đêm, màn hình radar thông báo một quả tên lửa đang bay từ Mỹ hướng đến Liên Xô.
“Lần đầu tiên nhìn thấy cảnh báo, tôi ngã nhào khỏi ghế. Các nhân viên trực cùng tôi lúc đó đều bối rối, tôi ra lệnh cho họ giữ bình tĩnh. Tôi biết rằng quyết định của mình khi đó sẽ để lại nhiều hệ quả”, Petrov nhớ lại trong cuộc trả lời phỏng vấn trên RT năm 2010.
Cứu thế giới khỏi chiến tranh hạt nhân
Sự cố xảy ra đúng vào thời điểm quan hệ Mỹ-Liên Xô rơi xuống mức thấp nhất trong Chiến tranh Lạnh. Căng thẳng theo thang khi NATO đưa tên lửa hạt nhân Pershing II đến Tây Âu vào tháng 12.1979 để đáp trả việc Nga triển khai 14 tên lửa hạt nhân SS-20/RSD-10. Các tên lửa Pershing II đặt Ukraine, Belarus hoặc Lithuania vào tầm ngắm chỉ trong 10 phút.
Trung tá Stanislav Petrov thời trẻ.
Trở lại với đêm ngày 26.9.1983, khi tiếng chuông báo động bắt đầu réo và bàn điều khiển lóe sáng, Petrov chỉ có không đầy 30 phút để thông báo với chỉ huy cấp cao hơn, xin lệnh phóng tên lửa hạt nhân.
"Tiếng còi hú lên, nhưng tôi ngồi thừ ra đó trong vài giây, mắt nhìn chằm chặp vào màn hình to màu đỏ trên đó có chữ "phóng", chiếc ghế bỗng nhiên "nóng lên như chiếc chảo rán", Petrov kể lại.
Tín hiệu vệ tinh mà Petrov nhận được cho thấy một quả tên lửa Minuteman của Mỹ đã rời bệ phóng và đang lao về phía Liên Xô
May mắn rằng, sự cố này đã được Petrov giải quyết ổn thỏa, khi ông tin rằng Mỹ không chỉ phóng vài tên lửa hạt nhân nếu như bất ngờ tấn công phủ đầu Liên Xô. “Lúc đấy tôi cảm thấy sợ. Tôi biết rằng trách nhiệm lớn lao đang đặt lên vai mình”, Petrov kể lại.
Biết rằng chiến tranh toàn cầu có thể diễn ra nếu như Petrov thông báo về một đợt tấn công hạt nhân, nên ông quyết định chờ đợi, mặc cho chuông báo động hú vang. Vài chục phút sau, cảnh báo tên lửa biến mất khỏi màn hình, còn thế giới vẫn yên bình cho đến ngày hôm nay.
Sự việc được giữ bí mật trong suốt hơn 10 năm. Thậm chí người vợ của Petrov là Raisa cũng không biết gì về vai trò của chồng mình trong việc đảo ngược chiến tranh hạt nhân.
Cuộc đời thầm lặng
Ông Petrov những năm cuối đời.
Số phận của trung tá Petrov sau sự cố suýt kích hoạt chiến tranh hạt nhân đó không mấy sáng sủa. Ông bị quy trách nhiệm khiến cho hệ thống cảnh báo sớm nhận diện nhầm mục tiêu. Thay vì nhận diện ra một nhóm tên lửa, phần mềm lại phát hiện ánh phản chiếu của mặt trời từ đỉnh các đám mây là mối đe dọa.
Nhóm điều tra của quân đội Liên Xô sau đó đã phê bình Petrov và ông bị điều chuyển sang một vị trí khác. Petrov cũng mắc lỗi khi không lưu lại chi tiết các hành động của mình trong quãng thời gian ông không thông báo về nguy cơ Liên Xô bị tấn công hạt nhân với chỉ huy.
Theo Petrov, hầu hết các đồng đội của ông có lẽ sẽ phản ứng theo hướng khác, bằng cách xác nhận tên lửa được phóng đến thay vì nghi vấn hệ thống cảnh báo.
Mãi đến năm 1998, sự kiện Petrov “cứu thế giới khỏi chiến tranh hạt nhân” mới được đưa ra ánh sáng bởi một tờ báo Đức. Năm 2006, ông được trao giải thưởng danh dự cho công lao này tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York.
Ngày 7.9.2017, một nhà hoạt động chính trị Đức có tên Karl Schumacher đã liên lạc để gửi lời chúc mừng sinh nhật Petrov. Nhưng người con của ông nói cha mình đã qua đời từ ngày 19.5 năm nay.
Một người đàn ông từng cứu thế giới, hứng chịu nhiều sự chỉ trích trong cuộc đời và được ghi nhận công lao muộn màng, để rồi qua đời trong thầm lặng.
Trong những năm tháng cuối cùng, khi được hỏi về việc mọi người coi ông là anh hùng, Petrov nói: “Khi đọc được thông tin trên TV, tôi cảm thấy ngạc nhiên. Tôi không nghĩ mình là anh hùng mà chỉ đơn giản là đang thực hiện nhiệm vụ”.
Chiến tranh hạt nhân chưa bao giờ đến gần như vậy trong cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba, khi các tàu ngầm Liên Xô trang bị...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.